Đồng bằng sông Hồng: Nơi hội tụ của nhiều tập đoàn toàn cầu
Những tập đoàn toàn cầu tiêu biểu đã đầu tư tại vùng Đồng bằng sông Hồng như: Samsung, Canon, LG, Piaggio, Toyota, Foxconn…
Thu hút gần 150 tỷ USD vốn FDI
Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến hết năm 2023, Việt Nam thu hút được 39.140 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với tổng vốn đăng ký 468,9 tỷ USD. Trong đó, riêng khu vực Đồng bằng sông Hồng thu hút được 13.287 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 149,1 tỷ USD, chiếm 33,9% tổng vốn và 31,7% tổng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam.
Với kết quả trên, Đồng bằng sông Hồng đứng thứ 2/6 vùng kinh tế về thu hút đầu tư nước ngoài, sau Đông Nam bộ cả về số dự án và tổng vốn FDI đăng ký. Cụ thể, Đông Nam bộ thu hút 19.887 dự án và tổng vốn đăng ký 182,895 tỷ USD.
Đồng bằng sông Hồng gồm 11 tỉnh, thành phố bao gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình. Trong đó, Hà Nội dẫn đầu thu hút FDI trong khu vực cả về số dự án và vốn đăng ký, với 7.363 dự án với tổng vốn đăng ký 41,170 tỷ USD. Hải Phòng xếp thứ 2 về số vốn đăng ký với 1.107 dự án và 28,682 tỷ USD, tiếp đến là Bắc Ninh với 2.143 dự án và 24,817 tỷ USD.
Ngoài các địa phương trên, một số tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Hồng như: Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Hà Nam cũng đang được coi là điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư nước ngoài.
Những tập đoàn toàn cầu tiêu biểu đã đầu tư tại vùng Đồng bằng sông Hồng như: Samsung, Canon, LG, Piaggio, Toyota, Foxconn… Nhiều dự báo cho rằng, đây sẽ là điểm đến đầu tư được quan tâm trong năm 2024 và những năm tới.
Thực tế, năm 2023, Đồng bằng sông Hồng là khu vực hấp dẫn đầu tư nhất trong số 6 vùng kinh tế của cả nước. Cụ thể, năm 2023, cả nước thu hút được 36,607 tỷ USD vốn FDI, trong đó, Đồng bằng sông Hồng thu hút được 17,382 tỷ USD vốn FDI, chiếm 47,48% tổng vốn đầu tư FDI vào Việt Nam.
Dư địa thu hút FDI còn lớn
Theo các chuyên gia kinh tế, dư địa thu hút đầu tư của vùng Đồng bằng sông Hồng vẫn rất lớn, nhất là trong bối cảnh nhiều địa phương trong vùng đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng nhằm thu hút được những dự án đầu tư lớn, có chất lượng.
Điển hình trong số đó là Bắc Ninh, đây là địa phương có diện tích nhỏ nhất Việt Nam, với chỉ 822,71 km2, tuy nhiên tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh Bắc Ninh đã thu hút được 2.143 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký hơn 24,8 tỷ USD, xếp thứ 7/63 tỉnh, thành của Việt Nam về thu hút đầu tư nước ngoài. Trong số những dự án FDI đầu tư tại tỉnh Bắc Ninh có rất nhiều dự án của các tập đoàn lớn trên thế giới, điển hình như: Canon (Nhật Bản), Samsung (Hàn Quốc), VISIP (Singapore)…
Nhằm xây dựng một môi trường đầu tư hấp dẫn, tỉnh Bắc Ninh cũng đề ra “4 sẵn sàng” trong thu hút đầu tư. Trong đó, sẵn sàng về mặt bằng, sẵn sàng về nguồn nhân lực, sẵn sàng cải cách và sẵn sàng hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp triển khai dự án đầu tư. Để sẵn sàng về nguồn nhân lực, tỉnh Bắc Ninh đã ban hành nghị quyết hỗ trợ học phí cho học sinh sau khi tốt nghiệp THPT khi tham gia học nghề tại các trường trên địa bàn tỉnh, cùng với đó là chính sách hỗ trợ kinh phí đào tạo lao động cho doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI, nhằm nâng cao chất lượng lao động, tăng sức hấp dẫn cho môi trường đầu tư tại địa phương.
Hay như tỉnh Vĩnh Phúc, năm 2023 đã thu hút được hơn 556 triệu USD vốn FDI với 21 lượt dự án mới và 39 lượt dự án tăng vốn, tăng 21% so với năm 2022 và đạt 140% kế hoạch. Để có được kết quả trên, những năm qua, ngoài thực hiện triệt để phương châm “Tất cả các nhà đầu tư đến Vĩnh Phúc đều là công dân của tỉnh Vĩnh Phúc”, lãnh đạo địa phương còn tận dụng thời cơ, thế mạnh của tỉnh, thể hiện tầm nhìn, sự quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, thu hút các dự án đầu tư bằng các chương trình, dự án cụ thể, phù hợp với từng thời kỳ.
Tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã ban hành và thực hiện nhiều chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư phù hợp với bối cảnh thực tế của địa phương. Đó là lựa chọn các nhà đầu tư đủ năng lực để đầu tư hạ tầng khu công nghiệp; giảm giá thuê đất và gia hạn nộp thuế đất; ban hành chính sách đất dịch vụ, huy động nguồn kinh phí để giải phóng mặt bằng nhanh; ban hành chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ; đẩy mạnh cải cách hành chính, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến bồi thường giải phóng mặt bằng; hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách về thu hút đầu tư, tập trung hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào các khu công nghiệp.
Tuy nhiên, hạn chế mà nhiều địa phương trong vùng Đồng bằng sông Hồng đang gặp phải đó là, thu hút được nhiều dự án FDI quy mô lớn, nhưng chủ yếu tập trung vào lĩnh vực, ngành thâm dụng nhân công giá rẻ như: Dệt may, giày dép, lắp ráp thiết bị và bất động sản, nên việc lôi kéo các doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu còn hạn chế, liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước chưa cao.
Cùng với đó, nhiều địa phương trong vùng cũng đang đối mặt với vấn đề thiếu quỹ đất sạch quy mô lớn để thu hút đầu tư. Theo đó, bên cạnh tăng chất lượng dòng vốn đầu tư thì tạo quỹ đất sạch để thu hút được những dự án FDI lớn cũng là điều mà các địa phương trong vùng cần quan tâm trong giai đoạn tới.