Đồng bào Cơ Tu bảo tồn, tạo thu nhập từ sản phẩm truyền thống
Đan lát là nghề truyền thống lâu đời của đồng bào các dân tộc thiểu số trên dãy Trường Sơn. Từ những sợi mây, cây dang, cây nứa… các nghệ nhân Cơ Tu ở miền núi Quảng Nam đã tạo ra nhiều vật dụng trong gia đình. Các nghệ nhân ở huyện miền núi Tây Giang còn làm ra nhiều sản phẩm đa dạng, bắt mắt phục vụ du khách, đem về thu nhập cho gia đình.
Già Y Đêl Chiêl ở thôn Anonh, xã biên giới A Nông, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam năm nay đã 76 tuổi nhưng vẫn đeo đuổi nghề truyền thống đan lát như một niềm đam mê. Bàn tay già Chiêl khô ráp nhưng vẫn linh hoạt, cẩn thận chọn lựa từng sợi mây marăh nhỏ, mảnh để tạo nên những họa tiết tinh tế trên chiếc gùi.
Già Chiêl bảo, đan T’lec phải chọn mây marăh, loại mây chắc có ở rừng già, quấn chặt vào cây cao to. Sản phẩm đan từ mây marăh nếu bảo quản tốt có thể sử dụng đến vài chục năm. Những lúc không kiếm được loại mây này, già Chiêl sử dụng mây nước, mây rút hoặc cây dang để đan nong, nia, rổ, rá…
Theo già Y Đêl Chiêl, đan lát không chỉ là nghề truyền thống của người Cơ Tu mà còn là biểu tượng của sự tinh tế, sự kiên nhẫn và lòng nhiệt huyết. Do đó, khi đan những sản phẩm làm quà lưu niệm có những chi tiết nhỏ đòi hỏi nghệ nhân phải tỉ mỉ từ khâu chọn nguyên liệu đến cách thực hiện. Với kinh nghiệm đan lát hơn 50 năm của mình, già Chiêl cho biết, nghề đan lát không chỉ mang lại cho ông niềm vui lúc tuổi già mà còn giúp gia đình ông có thêm thu nhập.
“Sản phẩm tôi bán đầu tiên là chiếc gùi cước. Khi thấy vợ tôi mang chiếc gùi cước các bà trong làng rất thích nên họ mua nhiều lắm. Có năm tôi bán hơn 20 cái. Nhiều gia đình không có tiền thì đổi bằng lúa, sắn, mình vừa cho vừa bán… Ngoài sử dụng, bà con cũng mua để đem biếu, tặng người thân. Như T’léc đôi đang đan này giá 1,2 triệu đồng. Nhờ bán lai rai các sản phẩm này tôi cũng có ít thu nhập phụ gia đình”, già Y Đêl Chiêl nói.
Cũng là người đam mê đan lát từ nhỏ, già A lăng Công, nghệ nhân ở thôn Tưr, xã Dang, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam thường được mời hay tham gia các dịp trình diễn nghề đan lát truyền thống Cơ Tu do huyện, tỉnh tổ chức.
Già Công kể, mỗi ngày già làm một chút, lúc thì ngồi chẻ mây, vót nứa, ngâm nước, lúc thì ngồi đan. Có sản phẩm già làm 5-7 ngày, có sản phẩm phải trau chuốt mất 15 ngày, thậm chí cả tháng mới xong. Hiện nay, khó khăn lớn nhất của già là không thể tự thân vào rừng để tìm nguyên liệu.
Vì vậy, muốn đan được các sản phẩm, già phải thuê bà con vào rừng chặt cây nứa, tìm dây mây… để làm ra những sản phẩm mang bản sắc của nười Cơ Tu. Ở tuổi xế chiều, già Alăng Công luôn trăn trở việc truyền dạy nghề cho thế hệ trẻ.
Mới đây, ông tham gia truyền dạy nghề đan lát tổ chức tại UBND xã Dang, huyện Tây Giang. Qua lớp học, già A Lăng Công mong muốn lớp trẻ ở địa phương quan tâm học hỏi, góp phần giữ gìn, bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, trở thành hàng hóa phục vụ khách du lịch tại địa phương.
“Tôi hay nói với thanh niên trong làng, những lúc rảnh đừng có tụ tập uống rượu, không làm cái này thì làm cái kia. Sản phẩm đan lát này nó rất thiết thực trong cuộc sống mình. Đan cái mủng to phơi lúa nó bền hơn dùng tấm bạt, dùng gùi mang nông sản khỏe hơn gùi bao lát. Đan lát không như hồi xưa nữa, nay có khách du lịch đặc biệt là nước ngoài họ rất thich sản phẩm đan lát truyền thống. Họ hay mua mấy cái đan lát nhỏ nhỏ ấy, cái lớn họ không thich. Sản phẩm nhỏ như này tuy làm khó nhưng được cái là khách du lịch rất ưa chuộng. Họ thấy là mua liền. Mình cũng mừng, bán được sản phẩm có thu nhập”, nghệ nhân A lăng Công nói.
Những năm qua, công tác bảo tồn, khôi phục văn hóa truyền thống Cơ Tu được chính quyền huyện miền núi Tây Giang, tỉnh Quảng Nam đặc biệt quan tâm. Giai đoạn 2023 - 2025, huyện Tây Giang tiếp tục có các chính sách hỗ trợ đưa nhóm nghề đan lát Cơ Tu và dệt thổ cẩm truyền thống phát triển.
Ông A rất Blúi, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam cho biết, công tác bảo tồn các giá trị văn hóa của người Cơ Tu được địa phương rất chú trọng; các làng nghề truyền thống ở xã Lăng, xã Dang đã tạo ra sản phẩm phù hợp, đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
“Thời gian đến, địa phương giao cho các ban ngành liên quan mảng khuyến công, làng nghề tập trung làm, không làm tràn lan theo phong trào như trước đây. Huyện chỉ đạo phòng chuyên môn đó là Kinh tế - Hạ tầng cùng các phòng chuyên môn khác như Phòng Dân tộc, Phòng Văn hóa và Thông tin làm sao cho bà con nhận thấy rằng làm thủ công bán ra không được bao nhiêu, nhưng tự nghiên cứu, tạo sản phẩm độc đáo, riêng biệt của riêng mình. Từ lợi thế thị trường ưa chuộng, do đó các ngành tạo điều kiện, hỗ trợ các chủ thể để họ nâng cao hiệu quả và mở rộng quy mô sản xuất theo nhu cầu khách hàng”, ông A rất Blúi nói..