Đồng bào Công giáo ở Tây Ninh chăm lo phát triển kinh tế

Với tinh thần 'kính Chúa, yêu nước', đồng bào theo đạo Công giáo ở tỉnh Tây Ninh đã và đang chăm lo phát triển kinh tế, tham gia vào nhiều mô hình kinh tế tập thể và xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh ở địa phương. Nhờ giúp nhau vượt khó, cập nhật khoa học kỹ thuật mới, trao đổi kinh nghiệm làm ăn hiệu quả nên đời sống bà con giáo dân ngày càng nâng lên, thoát nghèo bền vững.

Giáo xứ Cao Xá thuộc khu phố 2, thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành (tỉnh Tây Ninh) gồm có 804 hộ dân với 3.618 nhân khẩu. Đây là khu có tới 99% số hộ theo Công giáo, đa số là người Bắc quê ở Hưng Yên. Với tinh thần “kính Chúa, yêu nước”, nhiều năm qua, bà con giáo dân ở trong giáo xứ đã phát huy tinh thần tương thân, tương ái, giúp đỡ nhau trong cuộc sống.

Phát huy vai trò của giáo dân

Ở giáo xứ Cao Xá có truyền thống làm kinh tế vườn. Vì thế, từ sự vận động của Hội nông dân thị trấn, bà con giáo dân đã tham gia hơn 10 tổ hợp tác, nhóm sản xuất, tập hợp gần 1.000 hộ. Bà con được cập nhật khoa học kỹ thuật mới, trao đổi kinh nghiệm làm ăn, nhận hợp đồng và cung cấp rau, giảm được tình trạng thương nhân ép giá.

Giáo xứ Cao Xá đã hình thành vùng chuyên canh rau xanh.

Giáo xứ Cao Xá đã hình thành vùng chuyên canh rau xanh.

Nhờ đó, giáo xứ Cao Xá đã hình thành vùng chuyên canh rau xanh, cung ứng gần 80% nhu cầu cho người dân ở Châu Thành và các huyện lân cận trong tỉnh Tây Ninh.

Ngoài ra, ông Nguyễn Văn Chưởng, trưởng khu phố 2 cho biết, với phương châm dựa vào sức dân để dân thụ hưởng, trong thời gian qua trên địa bàn khu phố, các giáo dân của giáo xứ Cao Xá đã tích cực đóng góp công sức, tiền của trên 1,7 tỷ đồng làm đường giao thông nông thôn. Đến nay 80% các tuyến đường của khu phố được bê tông hóa, 100% các tuyến đường đã được lắp các bóng đèn chiếu sáng.

Bà Nguyễn Thị Lý, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thị trấn Châu Thành, khẳng định: “Với sự chung sức, đồng lòng của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là phát huy vai trò của đồng bào Công giáo, Thị trấn có bước chuyển biến mạnh mẽ trong phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Theo bà Lý, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên, bà con giáo dân càng vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần vào việc nâng cao các tiêu chí đô thị văn minh tại địa phương.

Ngoài giáo xứ Cao Xá ở thị trấn Châu Thành góp phần vào xây dựng đô thị văn minh tại địa phương thì vào tháng 5/2023, tại xã Hảo Đước (huyện Châu Thành) đã ra mắt Ban vận động mô hình “Phát huy vai trò của đạo Công giáo trong xây dựng nông thôn mới”.

Theo đó, Ban vận động mô hình có trách nhiệm phối hợp với các tổ chức, cá nhân ở giáo xứ Hảo Đước trong việc tuyên truyền, vận động các chức sắc, chức việc, tín đồ Công giáo và các tầng lớp nhân dân tham gia các phong trào thi đua, cuộc vận động trong xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Tham gia phát triển kinh tế tập thể

Trong năm 2023 Ban vận động ở Hảo Đước đã tổ chức vận động ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo”, hỗ trợ sửa chữa, xây tặng nhà Đại đoàn kết, thực hiện công tác an sinh xã hội và tặng quà cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn; vận động các gia đình tín đồ Công giáo tham gia BHYT đạt từ 90% trở lên.

Hoa huệ trắng giúp người dân, giáo dân ở Hảo Đước “xóa đói, giảm nghèo”, mang lại thu nhập khá ổn định.

Bên cạnh đó, 100% gia đình tín đồ Công giáo tại giáo xứ Hảo Đước đăng ký thực hiện 3 tiêu chuẩn gia đình văn hóa và vận động các tín đồ Công giáo thực hiện tốt Quy ước của khu dân cư, giữ vững ấp văn hóa, xây dựng cơ sở tôn giáo đạt chuẩn cơ sở tín ngưỡng tôn giáo văn minh.

Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện, Châu Thành, Trưởng ban vận động mô hình, cho biết đây cũng là mô hình mới được huyện chọn làm điểm tại xã Hảo Đước, sau đó nhân rộng ra các địa phương khác của huyện trong thời gian tới.

Cần nhắc thêm, để phát huy vai trò của đạo Công giáo trong xây dựng nông thôn mới, cũng cần nhắc đến vai trò của Tổ hợp tác “Trồng và thu mua hoa huệ trắng” ở xã Hảo Đước, góp phần giúp cho vùng quê này trở thành làng hoa có tiếng trên đất Tây Ninh.

Từ cách đây 3 năm, Hội Nông dân xã Hảo Đước đã hỗ trợ các hộ nông dân, giáo dân trồng hoa thành lập Tổ hợp tác “Trồng và thu mua hoa huệ trắng”, đến nay số thành viên tham gia 18 hộ trồng hoa huệ trắng với khoảng 11 ha. Các thành viên đã chia sẻ nhau kinh nghiệm trồng hoa huệ, đồng thời bảo đảm tiêu thụ hoa ổn định, giúp duy trì làng nghề truyền thống.

Theo ông Nguyễn Quốc Trung, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Hảo Đước, từ lâu, hoa huệ trắng giúp người dân, giáo dân ở Hảo Đước “xóa đói, giảm nghèo”, mang lại thu nhập khá ổn định.

Để hỗ trợ nông dân vượt qua khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh, Hội Nông dân xã Hảo Đước thường xuyên đến thăm hỏi các hộ trồng hoa, kịp thời nắm bắt tình hình bệnh ở hoa, hướng dẫn bà con cách trồng và xử lý bệnh trên huệ trắng để cây phát triển tốt, ra hoa đúng thời điểm có nhu cầu tiêu thụ cao.

Hiện nay đồng bào theo đạo Công giáo ở Tây Ninh có 2 hạt đạo là Tây Ninh và Tha La, với trên 46.000 giáo dân, chiếm khoảng 4% dân số tỉnh. Toàn tỉnh có 25 giáo xứ, 1 tu viện, 25 nhà thờ và 2 nhà nguyện trực thuộc Giáo phận Phú Cường.

Vươn lên ổn định cuộc sống

Thời gian qua các ban, ngành, đoàn thể ở tỉnh Tây Ninh đã kết hợp với các giáo xứ phát động nhiều phong trào giúp nhau vượt khó, để bà con giáo dân vươn lên ổn định cuộc sống.

Ủy ban đoàn kết công giáo tỉnh Tây Ninh cho biết luôn thực hiện tốt chính sách tôn giáo. Đồng bào Công giáo luôn tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hoạt động tôn giáo theo hướng gắn bó với đời sống xã hội, tốt đời đẹp đạo, hăng hái tham gia lao động sản xuất, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước do chính quyền và mặt trận tổ quốc cơ sở phát động.

Một nhà thờ đạo Công giáo ở tỉnh Tây Ninh.

Một nhà thờ đạo Công giáo ở tỉnh Tây Ninh.

Các xứ đạo, họ đạo Công giáo trong tỉnh có đời sống văn hóa lành mạnh, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Hầu hết các khu dân cư có đồng bào Công giáo đã hạn chế các tệ nạn xã hội, tội phạm ít xảy ra.

Trong tỉnh có 3 xứ đạo (Giáo xứ Cao Xá, Phong Cốc, Phước Điền) thành lập tổ mô hình xứ đạo an toàn và hoạt động rất tốt. Hàng năm các mô hình được chính quyền tặng bằng khen, giấy khen cho tập thể, cá nhân đạt thành tích tốt trong việc xây dựng, duy trì tổ mô hình.

Không những thế, Ủy ban đoàn kết công giáo tỉnh còn phối hợp với ban, ngành, đoàn thể các cấp vận động giáo dân tham gia tốt phong trào phát triển kinh tế, xuất hiện nhiều mô hình kinh tế tập thể, cá nhân làm ăn hiệu quả, được chính quyền, đoàn thể các cấp xét và công nhận danh hiệu nông dân sản xuất giỏi.

Nhiều giáo dân có năng lực tài chính và khả năng kinh doanh đứng ra thành lập cơ sở tiểu thủ công nghiệp, một số ngành nghề truyền thống của địa phương như giáo xứ Phong Cốc, Cao Xá, Tha La…

Các giáo xứ Phú Ninh, Phong Cốc (huyện Châu Thành), Tha La (huyện Trảng Bàng) được tỉnh giúp vốn thành lập các tổ hợp tác phát triển kinh tế tiểu thủ công nghiệp, kiến trúc xây dựng, trồng hoa cảnh để nâng thu nhập.

Nhiều bà con giáo dân cũng được hỗ trợ vốn giúp chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển theo định hướng chuyên canh rau màu và làm nghề tiểu thủ công nghiệp.

Đơn cử như ở giáo xứ Tân Nghĩa (ở xã Thạnh Đông, huyện Tân Châu), nhiều năm nay hội nông dân đã thành lập các tổ liên kết cùng chính quyền địa phương có kế hoạch hỗ trợ cụ thể cho bà con giáo dân như: Tập huấn kiến thức chuyên canh các loại cây công nghiệp ngắn ngày như mía, sắn; chủ động liên hệ với các nhà máy chế biến hỗ trợ vốn, phân bón, giống… Nhờ đó nhiều bà con giáo dân đã thoát nghèo bền vững, trở thành những điểm sáng trong công tác xóa đói giảm nghèo của tỉnh Tây Ninh.

Thanh Loan

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//business-cooperative/dong-bao-cong-giao-o-tay-ninh-cham-lo-phat-trien-kinh-te-1093382.html