Đồng bào Công giáo ở Xuân Định vươn lên xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu cùng HTX

Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu gắn với phát triển kinh tế hợp tác, sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững giúp đồng bào theo đạo Công giáo ở xã Xuân Định, huyện Xuân Lộc (tỉnh Đồng Nai) hái 'trái ngọt', góp phần đưa diện mạo địa phương thay đổi rõ nét.

Xã Xuân Định có khoảng 9 ngàn dân, trong đó có trên 92% là đồng bào theo đạo Công giáo sinh sống, các giáo dân nơi đây sinh hoạt tập trung ở hai giáo xứ lớn là Thái Xuân và Bảo Thị.

Hái "trái ngọt" với cây sầu riêng

Trong tổng số 1.100 ha diện đất nông nghiệp toàn xã thì có gần 450 ha diện tích cây sầu riêng. Những năm qua, các loại sầu riêng giống mới đạt năng suất và hiệu quả kinh tế cao. Bà con nông dân ở đây mỗi năm đã mạnh dạn phá bỏ từ 20 - 30 ha các loại cây ăn trái có kinh tế thấp chuyển sang trồng cây sầu riêng.

Ngày càng có nhiều nông dân là đồng bào Công giáo ở Xuân Định đã chuyển sang làm sầu riêng VietGAP và thu “trái ngọt”.

Đến nay, 99% diện tích cây sầu riêng trên địa bàn xã được trồng bằng các giống mới như: Ri6, Thái Lan, Chín hóa…Trong đó, phần lớn nhà vườn đã áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm, giúp giảm chi phí công lao động và tiết kiệm lượng nước tưới, tăng năng suất và độ đồng đều của trái.

Gia đình giáo dân Nguyễn Ngọc Kỳ (ở ấp Nông Doanh, xã Xuân Định) sở hữu 6.000 m2 diện tích với gần 100 gốc cây sầu riêng Thái Lan và Ri 6. Nhờ áp dụng kỹ thuật tưới tiêu hợp lý đã giúp ông đạt năng suất sầu riêng bình quân ước đạt 15 tấn/1ha, mỗi năm thu lãi khoảng 600 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí.

Ông Kỳ cho biết ở Xuân Định, một cây sầu riêng thì cho thu nhâp khoảng 5 triệu đồng. Giá sầu riêng năm nay hơn năm ngoái. Vừa được giá vừa có sản lượng cao nên người dân trồng sầu riêng rất phấn khởi.

Ngoài ra, khi thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu gắn với phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững, ngày càng có nhiều nông dân là đồng bào Công giáo ở Xuân Định chuyển sang làm sầu riêng VietGAP và thu “trái ngọt”.

Giáo dân Nguyễn Hải Điệp, ngụ ấp Bảo Thị, chỉ có 0,7ha sầu riêng nhưng mỗi năm gia đình anh thu trên gần 20 tấn trái, với giá bán bình quân 40 ngàn đồng/kg, trừ chi phí, đạt lợi nhuận gần nửa tỷ đồng, hơn hẳn các loại cây trồng khác.

Theo anh Điệp, từ khi làm sầu riêng VietGAP, việc tươi nước, xịt thuốc, bón phân nhàn hơn hẳn. Chi phí đầu tư giảm mà năng suất tăng, trái sầu riêng cho cơm dày và ngọt hơn.

Các giáo dân ở Xuân Định đã hưởng ứng chính sách phát triển cánh đồng trồng sầu riêng lớn của tỉnh Đồng Nai trên diện tích 60ha. Để đưa trái sầu riêng vươn xa, HTX Thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Định đã được thành lập với sự tham gia làm thành viên của giáo dân trong xã. Hồi năm ngoái, HTX đã được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc. HTX cũng áp dụng quy trình VietGAP nhằm bảo đảm chất lượng sản phẩm và thu hút khách hàng.

Trước đây, khi chưa vào HTX, bà con giáo dân thường canh tác theo lối truyền thống, bón phân, xịt thuốc hóa học nên đất xấu, bệnh hại, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường. Từ khi tham gia HTX, họ đã chuyển qua sử dụng chế phẩm sinh học để chữa bệnh hại và dưỡng cây sầu riêng, cải tạo đất.

Tiên phong khu dân cư kiểu mẫu

Bà Đặng Thị Thúy Nga, Giám đốc HTX Thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Định chia sẻ: Nhiều năm liền xây dựng cánh đồng lớn sầu riêng, HTX luôn nỗ lực tìm đối tác là các hệ thống siêu thị, doanh nghiệp nội địa và xuất khẩu để tham gia chuỗi liên kết bao tiêu sản phẩm cho nông dân tham gia cánh đồng lớn.

Giáo xứ Bảo Thị là nơi giáo dân tiên phong xây dựng khu dân cư kiểu mẫu.

Giáo xứ Bảo Thị là nơi giáo dân tiên phong xây dựng khu dân cư kiểu mẫu.

Tuy vậy, như trăn trở của bà Nga, HTX vẫn mong việc xây dựng được chuỗi liên kết cần thực sự chặt chẽ vì giá sầu riêng biến động quá lớn, khi mặt hàng này sốt giá, nông dân sẵn sàng bán cho các thương lái bên ngoài. HTX khó đảm bảo về sản lượng khi ký kết hợp đồng với doanh nghiệp nên đầu ra vẫn thả nổi theo thị trường.

Là xã mà đồng bào theo đạo Công giáo chiếm phần lớn nên chính quyền địa phương thường gặp gỡ các linh mục; thông qua họ để tuyên truyền chủ trương xây dựng nông thôn mới đến các giáo dân.

Xuân Định hiện có 3 ấp với 52 tổ nhân dân, mỗi tổ trưởng tổ nhân dân phụ trách khoảng 40 hộ dân. Trong đó, Khu dân cư kiểu mẫu tại ấp Bảo Thị - nơi có giáo xứ Bảo Thị, đã được công nhận trước tiên.

Xã đã lấy Bảo Thị làm hình mẫu, để phát động phong trào thi đua xây dựng Khu dân cư kiểu mẫu ở các ấp còn lại, đây là cách làm hiệu quả mà Xuân Định đang áp dụng và khá thành công.

Trên các tuyến đường trong ấp, bà con giáo dân tại khu dân cư kiểu mẫu Bảo Thị đã tiên phong cùng chính quyền trồng hàng ngàn cây hoa cảnh các loại như: Hoa hồng lộc, hồng phúc, hoa trang,…và hàng ngàn mét cỏ đậu, chiều tím, mười giờ các loại.

Từ đó, các ấp còn lại cũng học hỏi theo, giúp cho các tuyến đường ngày càng trở nên tươi đẹp. Kết quả trên là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chung sức, chung lòng của bà con giáo dân và nhân dân trong xã, từ đó cảnh quan, diện mạo ở địa phương đã được thay đổi rõ nét.

Theo Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Văn Quá, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đã thường xuyên gặp gỡ, chia sẻ, trao đổi thông tin, tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới với các linh mục và được các linh mục thông hiểu, đồng thuận, tích cực tuyên truyền, vận động tới giáo dân.

“Nhờ đó, bà con giáo dân trên địa bàn đều tích cực tham gia, tạo nên sức mạnh tổng hợp giúp địa phương sớm xây dựng thành công nông thôn mới kiểu mẫu”, ông Quá chia sẻ.

Lãnh đạo xã Xuân Định khẳng định, nông thôn mới kiểu mẫu đã giúp nâng thu nhập bình quân của người dân lên gần 70 triệu đồng/người/năm, đường sá được bê tông, nhựa hóa, lắp đặt đèn đường, trồng hoa, cây cảnh nên luôn sáng - xanh - sạch - đẹp và nhiều mô hình sản xuất hàng hóa được nhân rộng, hiệu quả cao, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Thanh Loan

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//business-cooperative/dong-bao-cong-giao-o-xuan-dinh-vuon-len-xay-dung-nong-thon-moi-kieu-mau-cung-htx-1091904.html