Đồng bào công giáo tỉnh Thanh 'kính Chúa, yêu nước'
Những ngày cuối năm, tôi trở lại xã Quảng Phú (Thọ Xuân). Hòa vào sắc xuân, khung cảnh vùng quê bán sơn địa này thật nhộn nhịp. Trên các vùng đồi từng tốp người nông dân đang hối hả thu hoạch cam, bưởi để xuất bán trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu.
Diện mạo nông thôn mới xã Nga Điền (Nga Sơn) hôm nay.
Vừa đến công sở xã, anh Bùi Minh Ngọc, Chủ tịch UBND xã vồn vã đón, đưa tôi đi thăm các mô hình trồng cây ăn quả trên địa bàn xã. Anh nói như khoe: “Quảng Phú vốn có tiềm năng đất đai. Toàn xã khoảng 6.800 nhân khẩu, đồng bào công giáo chiếm hơn 95%. Nhiều năm về trước, đời sống bà con tương đối khó khăn, nhưng đó đã là chuyện của quá vãng. Bây giờ xã Quảng Phú đã “thay da đổi thịt””. Hóa ra cái anh Ngọc nói đến chính là chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới (XDNTM) - hướng đi tạo nên “bước ngoặt” cho vùng đất Quảng Phú hôm nay. Sau khi xã tập trung quy hoạch lại đất đai gắn với đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhiều diện tích vùng đồi, vườn tạp, đất lúa kém hiệu quả đã được người dân chuyển đổi sang trồng cây ăn quả, xây dựng trang trại, gia trại chăn nuôi quy mô lớn, có ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, từng bước biến “tấc đất” thành “tấc vàng”.
Hết con đường đất, chúng tôi vào đến khu đồi Chè. Cả một vùng đồi bạt ngàn cam, bưởi đang kỳ chín rộ. Anh Ngọc rủ rỉ: “Khoảng 3 năm nay, Quảng Phú đã chuyển đổi được hơn 50 ha đất kém hiệu quả sang các mô hình sản xuất nông nghiệp mới. Riêng khu đồi Chè này có diện tích khoảng 10 ha, được 5 hộ dân trong xã đầu tư trồng cam V2, cam Đường Canh, bưởi Diễn”. Tay nâng niu những quả cam căng tròn, vàng óng, giáo dân Bùi Văn Thời vui mừng chia sẻ: “Năm 2017, tôi bắt đầu đưa cây cam V2, cam Đường Canh vào trồng ở khu đồi Chè. Trong tổng số hơn 1.500 cây cam, năm nay tôi chỉ cho ra bói khoảng 200 cây để khảo nghiệm năng suất. Hiện nay, mỗi cây cam cho năng suất từ 30 đến 40 kg. Phải năm thứ 5, cây cam mới cho năng suất cao, từ 80 đến 1 tạ/cây. Nếu giá cam ổn định khoảng 20 nghìn đồng/kg như hiện nay, mỗi năm đồi cam này cho thu nhập trên 1 tỷ đồng”. Hòa vào câu chuyện, tôi nói với anh Thời: “Với đà này, vài ba năm nữa anh sẽ trở thành tỷ phú vùng đồi của xã Quảng Phú rồi!”. Anh Thời cười sảng khoái, đáp: “Không mong làm tỷ phú đâu chú ơi! Tôi chỉ mong trời đừng mưa bão, giá cả thị trường ổn định, thì chắc chắn mỗi năm gia đình tôi cũng để ra được trên dưới 300 triệu đồng từ cây cam”.
Ở huyện Thọ Xuân nói riêng và tỉnh Thanh Hóa nói chung còn rất nhiều giáo dân sản xuất giỏi như anh Thời. Tiêu biểu phải kể đến giáo dân Lê Minh Tâm, ở thôn 8, xã Thọ Xương (Thọ Xuân) với mô hình khôi phục bưởi Luận Văn nức tiếng. Hay các giáo dân Nguyễn Văn Lại, Lê Văn Hoạt, Trịnh Đình Mạnh, Lê Trọng Thường ở huyện Yên Định là những điển hình trong phát triển kinh tế trang trại, với thu nhập hơn 1 tỷ đồng/năm. Đó còn là giáo dân Nguyễn Văn Thiên ở huyện Nông Cống, chủ cơ sở sản xuất chiếu cói, mỗi năm thu nhập khoảng 500 triệu đồng, giải quyết việc làm cho hàng chục lao động địa phương... Có thể khẳng định, với đôi bàn tay chăm chỉ lao động, những giáo dân trên thực sự là tấm gương sáng trong cuộc sống “đạo - đời”.
Rời Quảng Phú, tôi xuôi về xã Nga Điền (Nga Sơn) khi sắc xuân đã hòa vào không gian của muôn nẻo đường quê. Anh Phạm Văn Tân, Chủ tịch UBND xã vừa đưa tôi đi thăm các xóm đạo, vừa giới thiệu: “Xã Nga Điền có khoảng 6.000 giáo dân, chiếm 77% dân số và sinh hoạt ở 3 giáo xứ là Điền Hộ, Phước Nam, Mông Ân. Từ nhiều đời nay, lương - giáo trong xã chung sống gắn bó, đoàn kết, giúp đỡ nhau trong phát triển kinh tế và giảm nghèo. Đặc biệt, trong thực hiện Chương trình XDNTM bà con giáo dân đã đồng lòng cùng cấp ủy, chính quyền xã đóng góp kinh phí, ngày công lao động, hiến đất cho các công trình hạ tầng nông thôn”.
Tuyến đường vành đai bao quanh thôn 6 sau khi được đổ bê tông đẹp tựa như dải lụa mềm. Tuyến đường có chiều dài hơn 3 km, trước năm 2018, vốn là đường đất nhỏ, hẹp, người dân đi lại khó khăn. Anh Tân nhớ lại: “Tuyến đường này được làm với tổng kinh phí gần 4 tỷ đồng, trong đó, bà con lương - giáo đóng góp hơn 80%. Khi có chủ trương mở rộng và đổ bê tông tuyến đường, lãnh đạo xã ai cũng lo lắng vì không biết Nhân dân có đồng tình ủng hộ hay không! Thế rồi, khi chúng tôi đưa ra hội nghị thôn để lấy ý kiến Nhân dân thì mọi người đều đồng tình ủng hộ. Với tinh thần chung sức xây dựng quê hương, không ai bảo ai bà con lương - giáo thôn 6 đã tự nguyện đóng góp tiền, tháo dỡ tường rào, cổng ngõ, hiến đất cho công trình. Chỉ trong một thời gian ngắn, toàn bộ tuyến đường đã được đổ bê tông kiên cố, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, thông thương kinh tế, giao lưu văn hóa.
Giáo dân Bùi Văn Thời, xã Quảng Phú (Thọ Xuân) với mô hình trồng cam trên đất đồi.
Xuống thôn 8, chúng tôi đến nhà giáo dân Mai Văn Lượng - một trong số 70 hộ dân trong xã đã tự nguyện hiến đất làm đường giao thông nông thôn. Niềm nở đón chúng tôi, ông Lượng nhỏ nhẹ chia sẻ: “Năm 2014, khi thôn tổ chức họp dân để triển khai chủ trương bê tông hóa 2,5 km đường nội thôn, tôi liền xung phong hiến 135m2 đất thổ cư cho công trình. Thấy tôi làm vậy, nhiều bà con giáo dân trong thôn cũng xung phong hiến toàn bộ diện tích đất bị ảnh hưởng để mở rộng tuyến đường. Giờ đây, có đường sạch đẹp, đi lại thuận lợi, bà con giáo dân chúng tôi phấn khởi lắm!”. Sự chung sức, đồng lòng của bà con lương – giáo đã góp phần đưa xã Nga Điền “về đích” NTM năm 2018. Đầu năm 2019, Nga Điền chính thức đón nhận quyết định xã đạt chuẩn NTM, trong niềm vui phấn khởi của Nhân dân địa phương.
Thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết XDNTM, đô thị văn minh, sống tốt đời đẹp đạo”, đồng bào công giáo trong tỉnh đã chung sức đóng góp hơn 24 tỷ đồng để xây dựng các công trình hạ tầng nông thôn và tự nguyện hiến 139,6 ha đất các loại, hơn 82.000 ngày công, sửa chữa, làm mới 1.000 km đường giao thông nông thôn. Những việc làm cụ thể đó đã góp phần làm nên bức tranh NTM ở nhiều vùng quê xứ Thanh. Không chỉ vậy, những kết quả to lớn, quan trọng và toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội mà Thanh Hóa đạt được trong thời gian qua, có sự đóng góp không nhỏ của đồng bào công giáo tỉnh nhà. Với tinh thần “kính Chúa, yêu nước” đồng bào công giáo trong tỉnh tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, thi đua lao động sản xuất để đóng góp nhiều hơn nữa vào “bản hòa ca” về sự phát triển của Thanh Hóa trong tương lai.