Đồng bào dân tộc Mông Yên Châu thực hiện tốt cam kết '5 có, 5 không'

Đồng bào Mông ở Yên Châu có 15 dòng họ, sinh sống tại 40 bản thuộc 9/15 xã, thị trấn, với tổng số hơn 12.700 nhân khẩu, chiếm 16% dân số toàn huyện. Sau hơn 10 năm tuyên truyền, vận động thực hiện nội dung cam kết '5 có, 5 không' trong đồng bào dân tộc Mông đã có nhiều chuyển biến tích cực trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị địa bàn.

Đồng bào dân tộc Mông xã Phiêng Khoài thu hoạch chanh leo.

Đồng bào dân tộc Mông xã Phiêng Khoài thu hoạch chanh leo.

Những năm qua, công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chính sách dân tộc và thực hiện nội dung cam kết “5 có, 5 không” trong đồng bào dân tộc Mông được huyện Yên Châu đặc biệt quan tâm. Cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đã xác định vai trò, trách nhiệm, thống nhất trong chỉ đạo, phổ biến, quán triệt, tuyên truyền nội dung cam kết “5 có, 5 không”, qua đó đã tác động tích cực đến đời sống của đồng bào dân tộc Mông thông qua nhiều nội dung được tổ chức thực hiện có hiệu quả. Bà con đã từng bước thay đổi tập quán, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thâm canh tăng vụ, chuyển hướng từ sản xuất tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa. Đến nay, đã xuất hiện nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, tiêu biểu như: Mô hình nuôi dê, lợn thương phẩm ở bản Pa Kha 1, xã Chiềng Tương; mô hình trồng chanh leo ở Lao Khô, xã Phiêng Khoài; mô hình trồng mận hậu ở bản Co Lắc, xã Chiềng Tương và bản Ôn Ốc, xã Mường Lựm...

Thực hiện cam kết “5 có, 5 không”, các bản đồng bào dân tộc Mông đã xây dựng quy ước, hương ước gắn với nội dung cam kết; trong quá trình thực hiện thường xuyên được chỉnh sửa, bổ sung phù hợp với thực tế. Các dòng họ dân tộc Mông đều có tinh thần đoàn kết, cùng thực hiện nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang; xây dựng gia đình văn hóa, xóa bỏ các tệ nạn xã hội và các hủ tục lạc hậu, mê tín. Đến nay, cả 15 dòng họ dân tộc Mông đã xây dựng quỹ khuyến học, khuyến tài để khen thưởng, động viên con em có thành tích trong học tập. Điển hình như: dòng họ Vàng ở bản Đin Chí, xã Chiềng On; dòng họ Tráng ở bản Lao Khô I, xã Phiêng Khoài; dòng họ Tếnh, bản Cốc Lắc, xã Chiềng Tương; dòng họ Sồng, bản Noóng Khéo, xã Sặp Vạt...

Bên cạnh đó, huyện Yên Châu đã triển khai thực hiện tốt các chương trình, chính sách hỗ trợ ưu tiên cho đồng bào dân tộc Mông; đẩy mạnh đầu tư các công trình giao thông, hệ thống nước sinh hoạt, trạm y tế, hỗ trợ hộ nghèo vay vốn... Đến nay, 100% số bản trong vùng đồng bào dân tộc Mông có đường giao thông đến trung tâm xã; 82% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia; 100% bản có lớp học và nhà ở cho giáo viên; 100% số xã có điểm bưu điện - văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng... góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong sinh hoạt, trao đổi hàng hóa, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Là xã vùng cao, biên giới đặc biệt khó khăn của huyện Yên Châu, Chiềng Tương có 9 bản với 1.007 hộ, 4.700 nhân khẩu thuộc 12 dòng họ đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Từ năm 2007, Đảng bộ xã đã lãnh đạo, chỉ đạo chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể tăng cường tuyên truyền, triển khai thực hiện cam kết “5 có, 5 không” trong đồng bào dân tộc Mông; phân công cán bộ đến các bản hướng dẫn người dân ký cam kết thực hiện; thường xuyên tổ chức họp các dòng họ để bà con tham gia ý kiến và thống nhất các quy định về xây dựng đời sống văn hóa ở bản. Một nội dung quan trọng trong cam kết “5 có, 5 không” được bà con thực hiện hiệu quả trong thời gian qua, đó là thay đổi tập quán sản xuất theo hướng hàng hóa, đẩy mạnh chăn nuôi gia súc nhốt chuồng, trồng các cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Hiện, toàn xã có gần 300 ha chanh leo, mận hậu; chăn nuôi trên 2.000 con gia súc. Nhiều mô hình kinh tế cho thu nhập từ 100-150 triệu đồng/năm, như: Mô hình trồng chanh leo của gia đình ông Phàng Láo Sạ, bản Bó Hin; mô hình trồng mận hậu của ông Tếnh A Sứ, bản Pa Kha 1; mô hình nuôi dê của ông Giàng Pá Lao ở bản Đin Chí... Nhờ thực hiện tốt nội dung cam kết “5 có, 5 không”, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở xã luôn được giữ ổn định, không còn tình trạng tái trồng cây thuốc phiện; số vụ liên quan đến tệ nạn ma túy, tệ nạn xã hội giảm.

Có thể thấy, sau hơn 10 năm thực hiện cam kết “5 có, 5 không” đã làm đổi thay đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc Mông ở Yên Châu, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết giữa các dòng họ, xây dựng bản làng ngày càng giàu đẹp, ấm no.

Thanh Huyền

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/dong-bao-dan-toc-mong-yen-chau-thuc-hien-tot-cam-ket-5-co-5-khong-30727