Đồng bào Giẻ Triêng vượt núi hàng chục cây số cõng hàng cứu trợ
Dù đã được cứu trợ khẩn cấp, không lo đói nhưng hàng nghìn người dân huyện Phước Sơn (Quảng Nam) khó khăn, thiếu thốn do bị cô lập. Bà con phải cắt rừng, vượt suối đến điểm tiếp tế để nhận hàng cứu trợ.
Tuyến đường từ thị trấn Khâm Đức (huyện Phước Sơn) đến 5 xã vùng cao: Phước Chánh, Phước Công, Phước Thành, Phước Kim và Phước Lộc ngày 3-11 tiếp tục sạt lở gây ách tắc giao thông. Nhiều xe tiếp cận các địa phương này gặp nguy hiểm khi sa vào bùn lầy, bị xìa chệch đường.
Sau nhiều giờ di chuyển, đến trưa, các đoàn đến được điểm tập kết tại Trường Mầm non liên xã Kim – Thành – Lộc (Phước Kim, Phước Thành và Phước Lộc; đóng tại xã Phước Kim) để trao cho bà con.
Hàng trăm người dân cũng ở đây. Đã 3 ngày, hàng ngày từ 5 giờ, người dân xã Phước Thành vượt đường rừng để đi nhận quà. “Bình thường đi từ nhà đến điểm trường này có 35 phút bằng xe máy. Nhưng sạt lở hết đường, núi đổ sập nhiều nơi, phải đi bộ đường rừng. Cũng không đi thẳng được mà phải đi đường vòng”, - anh Hồ Văn Trung (SN 1985, ngụ thôn 2, xã Phước Thành) cho biết.
Chị Hồ Thị Thơm (SN 1993, ngụ thôn 4, xã Phước Thành) chia sẻ: “Mình dậy sớm lắm, 5 giờ lên đường. Đi bộ xa lắm. Đồi núi, vực cao, suối nhiều nên phải mất 4 – 5 tiếng mới đến nơi. Nhận quà xong thì phải về liền không có trời tối”.
Trong đoàn người đi nhận hàng, có rất nhiều người già, trẻ em mới hơn 10 tuổi và được người lớn, người khỏe dìu dắt, cõng, trợ giúp trên đường. Cháu Hồ Thị Ngọc Lê (12 tuổi, ngụ thôn 1A, xã Phước Thành) – học sinh lớp 7 Trường THCS Phước Thành nói: “Quê em bị sạt lở, có nhiều người chết; mất nhà cửa, tài sản nhiều lăm. Đây là lần đầu tiên em đi bộ đi ra khỏi xã để gùi hàng về nhà”…
Bão số 9 gây mưa lũ, sạt lở từ ngày 28-10 đến nay khiến 3.000 người 2 xã Phước Thành và xã Phước Lộc bị chia cắt, cô lập; cạn kiệt gạo, thức ăn, đường sá chưa thông… Mấy ngày trước, chính quyền, lực lượng Quân đội, Công an sử dụng nhiều biện pháp để tiếp cận 2 xã này để cứu trợ khẩn cấp như cõng hàng băng rừng vào xã, trực thăng thả hàng cứu trợ…
Bao đời nay, đồng bào Giẻ Triêng ở sâu trong các thung lũng. Năm nào thiên tai, mưa lũ cũng đe dọa tính mạng người dân, gây mất mát lớn về tài sản nhưng chưa lúc nào tang tóc, kinh hoàng như năm nay khi thiên tai, rừng núi, sông suối giận dữ đã cướp đi hàng chục người; thổi bay, vùi lấp hàng chục căn nhà và vô số tài sản.
Tương lai, bà con cần sự các chính sách, hỗ trợ kịp thời của chính quyền, các đoàn thể và sự sẻ chi, giúp đỡ của các nhà hảo tâm.