'Đóng bảo hiểm xã hội 10 năm không thể mong có lương hưu cao'
'Bản chất của bảo hiểm là tích lũy đủ lâu để có tiền khi về già. Người lao động không thể đòi hỏi mức lương hưu cao nếu chỉ tham gia BHXH trong 10 năm', ông Phạm Minh Huân nói.
"Nhiều người đang hiểu nhầm về chính sách rút ngắn số năm đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm và hướng tới 10 năm", ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), nói về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi đang được người lao động quan tâm.
Chuyên gia cho rằng chính sách này giúp người lao động hưởng lợi nhất định khi về hưu nếu không thể tham gia BHXH trong thời gian dài. Tuy nhiên, người lao động cần hiểu rõ bản chất của chính sách để đưa ra những quyết định đúng đắn.
"Đóng cao hưởng cao, đóng thấp hưởng thấp"
Bảo hiểm xã hội là hệ thống an sinh vận hành theo nguyên tắc đóng và hưởng.
Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Phạm Minh Huân
Trao đổi với Zing, ông Huân nhận định chính sách giảm số năm đóng BHXH để hưởng lương hưu giải quyết được nhiều trường hợp cụ thể khi người lao động đã về hưu hoặc mất khả năng lao động, nhưng chưa tham gia BHXH đủ 20 năm theo quy định hiện hành.
Dù vậy, chính sách mới không nhằm khuyến khích người lao động đóng bảo hiểm thời gian ngắn. Trên thực tế, BHXH là hệ thống an sinh vận hành theo nguyên tắc đóng và hưởng, hướng đến việc người lao động tích lũy dần trong quá trình làm việc, để sau này khi quá tuổi lao động thì vẫn có thu nhập.
Do đó, nguyên tắc đảm bảo mức lương hưu cao vẫn là người lao động phải tham gia BHXH đủ lâu và tích lũy đủ nhiều. Đó là lý do Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành yêu cầu người lao động phải đóng bảo hiểm đủ 20 năm mới được nhận lương hưu.
Nhưng hiện nay, ông Huân cho biết nhiều trường hợp người lao động không đủ kiên nhẫn hoặc điều kiện để tham gia trong vòng 20 năm. Họ tham gia thời gian ngắn, sau đó rút ra nhận một lần và chấp nhận không có lương hưu sau này. Điều này sẽ khiến người lao động thiệt thòi.
Theo đó, ông Huân nhận định việc thay đổi chính sách lần này chỉ mang tính giải pháp cho những trường hợp nhất định, còn không thay đổi về bản chất. Nếu người lao động đóng BHXH trong 20 năm và hưởng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH khi về hưu, thì khi tham gia bảo hiểm trong 10 năm sẽ phải nhận mức lương hưu thấp hơn.
"Bản chất của hệ thống bảo hiểm vẫn là mong muốn người ta tham gia lâu để có mức lương hưu cao, đảm bảo cuộc sống khi về già. Còn người lao động không thể đòi hỏi mức lương hưu cao nếu chỉ tham gia BHXH trong 10-15 năm", ông Huân nói.
Cùng quan điểm, Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi cho biết cơ chế đóng BHXH là “đóng cao hưởng cao, đóng thấp hưởng thấp”. Người lao động muốn hưởng lương hưu cao thì phải đóng BHXH số năm dài hơn hoặc số tiền đóng cao hơn. Nếu không có điều kiện, người tham gia phải đảm bảo mức đóng tối thiểu.
“Nếu rút thời gian đóng BHXH xuống 15 năm thì mức đóng phải chiếm 70% thu nhập hoặc cao hơn, để khi người lao động về hưu, mức lương hưu nhận được không quá thấp”, ông Lợi nêu quan điểm.
Cần tăng mức đóng BHXH
Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề về xã hội, nếu chỉ giảm thuần túy số năm đóng BHXH xuống để hạn chế việc rút BHXH một lần thì người lao động khó yên tâm.
Để thực hiện lộ trình giảm thời gian đóng BHXH, ông Lợi cho rằng “không có gì khó”, song cần thay đổi nhận thức của người lao động để họ hiểu rõ bản chất vấn đề. Bên cạnh đó, phải công khai, minh bạch để người lao động kiểm soát được tiền đóng BHXH, giúp họ yên tâm.
Ngoài ra, mức đóng BHXH phải tối thiểu bằng 70% thu nhập về tiền lương, vì Nghị quyết 27 về cải cách chính sách tiền lương nêu rõ phần lương cứng thấp nhất phải chiếm 70% của tổng quỹ tiền lương.
Theo ông Lợi, việc nâng mức đóng BHXH lên 70% sẽ giải quyết hai vấn đề. Một là thể hiện đúng bản chất của quỹ tiền lương là lương phần cứng phải lớn hơn phần mềm (chiếm 70%). Nhưng quan trọng hơn, việc này đảm bảo quỹ hưu trí trong tương lai, giải quyết vấn đề hiện nay mức đóng BHXH mới bằng bình quân 50% tổng thu nhập tiền lương.
Ngoài ra, nâng mức đóng BHXH cũng giải được bài toán mà nhiều người đang lo ngại, đó là nếu giảm số năm đóng BHXH thì mức lương hưu người lao động được hưởng sẽ thấp.
“Đóng trên mức 70% sẽ giảm bớt gánh nặng, đồng thời còn tạo cơ hội cho những người cao tuổi, những người tham gia vào thị trường lao động muộn có cơ hội để đóng BHXH”, ông Lợi phân tích.
Mở rộng đối tượng tham gia BHXH
Trong khi đó, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Phạm Minh Huân cho biết lộ trình thực hiện chính sách mới cần xem xét nhiều vấn đề, trong đó quan trọng nhất là việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH.
Cần cải cách sản xuất nhằm kéo được người ở khu vực phi chính thức sang khu vực chính thức.
Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Phạm Minh Huân
Hiện, các chính sách BHXH chỉ áp dụng đối với những khu vực lao động chính thức (có quan hệ lao động), còn những người làm trong lĩnh vực lao động phi chính thức (tự kinh doanh, buôn bán...) chưa thể hưởng các chế độ từ hệ thống an sinh xã hội này.
Ông Huân cho biết để giải quyết việc này, cần cải cách sản xuất nhằm kéo được cả những người ở khu vực phi chính thức sang khu vực chính thức, để họ trở thành đối tượng bắt buộc tham gia BHXH. Còn tại khu vực phi chính thức, Nhà nước có thể hỗ trợ một phần để người dân sẵn sàng tham gia bảo hiểm tự nguyện.
Ngoài ra, theo ông Huân, xu hướng của nhiều người vẫn là sống cho hiện tại, dùng khoản tiền lương để chi trả cho các khoản trong cuộc sống, còn tích lũy chỉ là phần nhỏ. Khi kinh tế phát triển, mặt bằng thu nhập cao lên, mọi người mới nghĩ đến việc tích lũy.
"Do đó, các chính sách bảo hiểm sẽ còn phải thay đổi liên tục để phù hợp với sự phát triển kinh tế, xã hội", ông Huân nói.