Đóng bảo hiểm xã hội 10 năm vẫn có cách được hưởng lương hưu từ 1/7/2025

Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định nhưng còn thiếu không quá 5 năm đóng bảo hiểm xã hội thì được đóng một lần cho đủ 15 năm để hưởng lương hưu.

Theo quy định hiện hành, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện khi đủ tuổi nghỉ hưu mà còn thiếu tối đa không quá 10 năm (120 tháng) đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện (điều kiện về số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu là 20 năm (240 tháng)) thì được đóng một lần cho số năm (tháng) còn thiếu để được hưởng lương hưu ngay.

Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đã đủ tuổi nghỉ hưu nhưng còn thiếu 5 năm đóng bảo hiểm xã hội thì được đóng một lần cho đủ 15 năm để hưởng lương hưu. Ảnh minh họa.

Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đã đủ tuổi nghỉ hưu nhưng còn thiếu 5 năm đóng bảo hiểm xã hội thì được đóng một lần cho đủ 15 năm để hưởng lương hưu. Ảnh minh họa.

Tại Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội có nêu: “Sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm với mức hưởng được tính toán phù hợp nhằm tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi, có số năm tham gia bảo hiểm xã hội thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm xã hội”.

Như vậy, theo định hướng thì tiến tới sửa đổi quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội về điều kiện số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu là 10 năm (120 tháng). Do đó, phương thức đóng một lần cho những năm còn thiếu để hưởng lương hưu ngay nhằm khắc phục những hạn chế trong giai đoạn hiện nay khi chưa điều chỉnh được số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu là 10 năm (120 tháng). Những người tham gia bảo hiểm xã hội khi đến tuổi nghỉ hưu có đủ 10 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên nhưng chưa đủ số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng lương hưu thì được đóng một lần cho những năm còn thiếu để được hưởng ngay lương hưu.

Do vậy, khi xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội tự nguyện, Bộ LĐTB&XH đề xuất điều chỉnh đóng một lần cho thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu để đủ điều kiện hưởng lương hưu.

Theo đó, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại khoản 2 Điều 169 Bộ luật Lao động nhưng thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu không quá 5 năm (60 tháng) thì được đóng một lần cho đủ 15 năm để hưởng lương hưu.

Bộ LĐTB&XH cũng nhấn mạnh, người lao động vẫn phải đảm bảo điều kiện khi đến tuổi nghỉ hưu có từ đủ 10 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên theo đúng quan điểm tại Nghị quyết số 28-NQ/TW.

Mức đóng một lần cho thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu được tính bằng tổng mức đóng của các tháng còn thiếu, áp dụng lãi gộp bằng lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân tháng của năm trước liền kề với năm đóng do Bảo hiểm xã hội Việt Nam công bố.

Theo Bộ LĐTB&XH, phương án đề xuất này không tác động đối với Ngân sách Nhà nước. Đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, do số năm còn thiếu tối đa được đóng một lần giảm từ 10 năm (120 tháng) xuống còn 5 năm (60 tháng), cho nên số tiền phải đóng một lần cho những năm còn thiếu sẽ giảm đi. Do đó, người lao động sẽ dễ tiếp cận và thực hiện. Còn đối với quỹ hưu trí và tử tuất đảm bảo được cân đối thu, chi và hiệu quả của việc đầu tư quỹ.

Thủy Trúc

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/dong-bao-hiem-xa-hoi-10-nam-van-co-cach-duoc-huong-luong-huu-tu-1-7-2025.html