Đồng bào miền núi tuân thủ tốt quy định không uống rượu, bia khi lái xe
Trong đợt cao điểm xử lý lái xe vi phạm quy định về nồng độ cồn, nhiều đồng bào Cơ Tu ở các vùng miền núi của các tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, thành phố Đà Nẵng đã chấp hành tốt quy định, từ đó, lan tỏa sâu rộng văn hóa 'đã uống rượu, bia không lái xe' trong đời sống xã hội.
Trong những ngày cao điểm xử lý lái xe vi phạm quy định về nồng độ cồn, các tuyến đường nhiều huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên Huế đã được các cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát giao thông (CSGT) phối hợp với lực lượng chức năng tổ chức tuần tra, kiểm soát, tuyên truyền về tình trạng uống rượu, bia khi lái xe. Xác định hành vi điều khiển phương tiện giao thông khi đã sử dụng rượu, bia, đồ uống có cồn là nguyên nhân gây ra những vụ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng, vì vậy, cùng với việc triển khai đồng bộ các giải pháp công tác, lực lượng CSGT Công an các tỉnh: Quảng Nam, Thừa Thiên Huế đã và đang thực hiện hiệu quả công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, góp phần tạo sự chuyển biến về ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là với vùng đồng bào dân tộc thiểu số các huyện miền núi nhằm ngăn ngừa và làm giảm thiểu TNGT.
Uống rượu, bia từ lâu đã trở thành nét văn hóa của đồng bào dân tộc ở vùng cao Tây Bắc. Trong mỗi dịp lễ, tết, cưới hỏi, đón khách đến nhà, hay thậm chí cả trong tang ma, người vùng cao đều mời nhau uống rượu, để chia ngọt, sẻ bùi, có khi là thể hiện tấm chân tình với bạn bè, khách quý. Sau một ngày lao động mệt mỏi, cánh đàn ông vẫn thường rót một chút rượu nhấm nháp cho “giãn gân cốt”. Còn mỗi khi có bạn bè, khách quý đến nhà, hay dịp lễ, tết, hiếu, hỉ... thì rượu là thứ không thể thiếu, chén chú, chén anh, mời nhau uống cạn là thể hiện tấm chân tình của cả chủ và khách.
“Không say, không về", không ít trường hợp còn chẳng nhớ sau đó sẽ lái xe đi về đâu. Khi Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực, quy định tất cả mọi người khi đã uống rượu, bia không được lái xe, người vùng cao ban đầu có chút “bối rối”, thậm chí “hẫng hụt”, song, hiểu được ý nghĩa của việc đảm bảo an toàn tính mạng cho mình và cộng đồng khi tham gia giao thông, nên ai nấy đều đã tự giác chấp hành.
Từng phải nằm viện điều trị 3 tháng do gãy xương, đa chấn thương vì điều khiển xe máy trong lúc say rượu và bị ngã, A Lăng Viên (người Cơ Tu, xã A Tiêng, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam) có lẽ thấu hiểu nhất tác hại của việc uống rượu, bia nhưng vẫn lái xe. “Tôi sợ lắm rồi, uống rượu say lái xe nguy hiểm lắm. Tôi bị gãy tay và chấn thương nhiều chỗ, không làm việc để nuôi gia đình được, còn phải tốn nhiều tiền để mua thuốc và chữa trị vết thương. Bây giờ, Chính phủ có quy định cấm lái xe khi đã uống rượu, nếu vi phạm sẽ bị phạt, tôi thấy đúng lắm. Làm đúng quy định như thế chắc chắn TNGT do rượu sẽ giảm!” - A Lăng Viên cho biết.
Tương tự, chị A Rất Thị Quynh (thị trấn P’Rao, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam) cũng cho biết, từ ngày có quy định cấm uống rượu, bia khi lái xe máy, xe ô tô, những người đàn ông không còn say sưa rượu chè nữa mà chí thú làm ăn và tuân thủ pháp luật về giao thông hơn. Dù biết không mấy dễ dàng, bởi từ lâu đã quen cái “văn hóa rượu” của đồng bào mình, song, vì sự an toàn khi tham gia giao thông, cánh đàn ông ở đây ai nấy đều bày tỏ sự đồng tình và quyết tâm hưởng ứng. Nhiều chị em khác trong làng ai cũng đồng tình vì trước nay đồng bào vùng cao thường hay uống rượu.
Theo ghi nhận, hầu hết người dân các huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên Huế khi tham gia giao thông đều chấp hành tốt các quy định của Luật Giao thông đường bộ, phối hợp tốt với tổ công tác trong việc kiểm tra nồng độ cồn và ma túy. Tuy nhiên, quá trình làm nhiệm vụ của lực lượng chức năng vẫn ghi nhận các trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Trong quá trình thực hiện chuyên đề tuần tra, kiểm soát, không ít lần, lực lượng làm nhiệm vụ gặp phải những trường hợp do sử dụng rượu, bia nhiều, mất kiểm soát dẫn đến tình trạng tranh cãi, đôi co với các chiến sĩ làm nhiệm vụ.
Tuy nhiên, thay vì cứng nhắc trong việc xử phạt vi phạm, thì với nhiều trường hợp, các cán bộ, chiến sĩ CSGT làm nhiệm vụ đã tiến hành nhắc nhở, tuyên truyền về quy định không uống rượu say khi lái xe, đồng thời, yêu cầu người dân ký vào cam kết không sử dụng rượu, bia khi lái xe. Bên cạnh giải pháp giáo dục và tuyên truyền cũng cần làm tốt công tác tuần tra, xử lý vi phạm. Các đơn vị cũng xử phạt một vài trường hợp nghiêm khắc và thông tin đó được truyền tải đến tất cả người dân ở thôn bản để giúp họ thay đổi hành vi.
Phụ trách Đội CSGT - trật tự cơ động, Công an huyện Nam Giang, Đại úy Phan Văn Quang chia sẻ: "Pháp luật phòng chống tác hại của rượu, bia đã đầy đủ, nhưng việc thực thi trong thực tế không hề dễ dàng, nhất là đối với người dân đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, bởi những thách thức về tập tục, văn hóa của bà con. Chúng ta cần tăng cường tuyên truyền tác hại của việc có nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện. Cách thức, công cụ, nội dung tuyên truyền phải phù hợp với phong tục, tập quán, thói quen, lối sống của đồng bào dân tộc".