Đồng bào Xơ Đăng lên núi chống hạn cho cây sâm Ngọc Linh

Để giúp cây sâm Ngọc Linh sống qua mùa hạn, người dân đồng bào Xơ Đăng huyện Tu Mơ Rông lặn lội lên rừng già gánh nước tưới sâm. Những giọt nước mát lành giúp đất tươi xốp, cây đâm chồi.

 Người dân tưới nước chống hạn cho sâm Ngọc Linh

Người dân tưới nước chống hạn cho sâm Ngọc Linh

Những ngày này, song song với việc sửa soạn tết, đồng bào Xơ Đăng vùng cao Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum còn tất bật lên núi chống hạn cho cây sâm Ngọc Linh.

 Người dân gánh nước tưới sâm

Người dân gánh nước tưới sâm

Ở huyện Tu Mơ Rông, sâm Ngọc Linh là cây trồng được người dân tín nhiệm trao gửi kỳ vọng giúp dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Diện tích sâm của bà con trồng tập trung ở các cánh rừng xã Măng Ri, Tê Xăng, Ngọc Lây. Sâm được trồng dưới tán rừng, nơi có độ cao từ 1.500m trở lên so với mực nước biển.

 Người dân nhổ cỏ dại trên luống sâm trước khi tưới

Người dân nhổ cỏ dại trên luống sâm trước khi tưới

Theo những người trồng sâm Ngọc Linh, cây sâm cần độ ẩm để sinh trưởng nhưng không chịu được úng.

Từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau là mùa hạn, đất khô cằn. Đây là thời điểm cây sâm thiếu nước nên phải tưới để đảm bảo độ ẩm. Mỗi tuần tưới 1 đến 2 lần.

 Người dân dùng bình chứa tưới nước cho sâm

Người dân dùng bình chứa tưới nước cho sâm

Riêng mùa khô năm nay, khu vực Tu Mơ Rông nắng khốc liệt. Các vườn sâm thiếu nước. Người dân buộc phải tiếp nước chống hạn cho sâm.

Theo ghi nhận, tại vạt rừng trồng sâm Ngọc Linh ở xã Măng Ri, từng đoàn người gùi bình chứa ra khe núi múc nước và gánh về các luống sâm để tưới. Đất được tưới nước trở nên dịu mát, lá sâm từ khô sang ướt sũng. Bên những luống sâm đã được tưới nước, chồi bắt đầu nở, xanh ngắt.

 Dòng nước mát lành phun xuống luống sâm

Dòng nước mát lành phun xuống luống sâm

Ở một quả đồi cạnh đó, một tốp người dân khác cũng tưới sâm. Tuy nhiên, họ không vất vả phải trèo đèo, lội suối mà đã biết vận dụng khoa học kỹ thuật, sử dụng ống nhựa để dẫn nước, bắt hệ thống tưới phun sương, vừa giúp giảm nhân công lao động, vừa đảm bảo cho cây sâm phát triển ổn định vào mùa khô.

 Do địa hình phức tạp, người dân phải dùng thùng nước tưới bằng tay

Do địa hình phức tạp, người dân phải dùng thùng nước tưới bằng tay

Một nguyên tắc luôn áp dụng khi chống hạn cho cây sâm là trước khi tưới, người dân sẽ kiểm tra kỹ độ ẩm của đất. Điều này sẽ giúp kiểm soát nước tưới, tránh tình trạng tưới nhiều làm úng cây. Khi tưới, cần tưới nhẹ, tưới phun sương để tránh làm gãy thân, trôi gốc cây sâm.

 Nhiều vị trí thuận lợi, người dân kéo nước bằng ống, rồi cầm vòi phun

Nhiều vị trí thuận lợi, người dân kéo nước bằng ống, rồi cầm vòi phun

Bà Hoàng Thị Thùy Dung, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Tu Mơ Rông cho biết, cây sâm Ngọc Linh đang giúp người dân đồng bào Xơ Đăng thay da đổi thịt, đón tết no ấm. Để giúp bà con trồng sâm đạt hiệu quả cao, tránh bị chết do thiếu nước mùa khô, trung tâm đã cử cán bộ hướng dẫn dân cách tưới phù hợp; làm mái che nắng. Định kỳ, trung tâm đi kiểm tra vườn sâm để có phương án tư vấn cho bà con cách phòng bệnh cho cây sâm. Dù tết nhưng cán bộ trung tâm vẫn đang bám sát trên các vườn sâm của dân nhằm giúp cây sâm chống chọi qua mùa khô hạn. Đến nay, nhờ triển khai nhiều biện pháp chăm sóc nên chưa có cây sâm nào chết do khô hạn.

 Dòng nước mát lành xoa dịu cái nắng gắt, giúp đất mềm, tơi xốp

Dòng nước mát lành xoa dịu cái nắng gắt, giúp đất mềm, tơi xốp

 Đất được tưới nước đã giúp cây sâm con sinh trưởng

Đất được tưới nước đã giúp cây sâm con sinh trưởng

 Cây sâm được tưới nước, phát triển tốt tươi

Cây sâm được tưới nước, phát triển tốt tươi

 Cứ mỗi tuần, vườn sâm sẽ được tưới 1 đến 2 lần, giúp cây sâm chống chọi vượt qua mùa hạn

Cứ mỗi tuần, vườn sâm sẽ được tưới 1 đến 2 lần, giúp cây sâm chống chọi vượt qua mùa hạn

HỮU PHÚC

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/dong-bao-xo-dang-len-nui-chong-han-cho-cay-sam-ngoc-linh-post725264.html