Đóng BHXH thấp hơn mức lương, người lao động thiệt thòi
Không được đóng BHXH theo đúng quy định, người lao động sẽ bị ảnh hưởng đến mức hưởng một số chế độ như trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp thai sản, lương hưu…
Thời gian qua, Pháp Luật TP.HCM nhận được phản ánh của một số bạn đọc thông tin về trường hợp người lao động (NLĐ) làm việc tại một số doanh nghiệp (DN) với mức lương cao nhưng DN lại ký hợp đồng lao động và đóng BHXH thấp hơn rất nhiều so lần với mức lương thực lãnh hằng tháng.
Điều này đã ảnh hưởng đến quyền lợi của NLĐ khi hưởng một số chế độ liên quan đến BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).
Lương 20 triệu, doanh nghiệp đóng BHXH mức lương 5 triệu đồng
Anh PTH (ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM) cho biết trước đây anh làm việc tại một công ty ở quận 10, TP.HCM.
Theo thỏa thuận thì mức lương của anh là 26 triệu đồng/tháng. Trong quá trình làm việc, hằng tháng anh cũng được công ty đóng bảo hiểm đầy đủ.
Làm việc tại công ty này được hai năm thì anh H nghỉ việc. Sau khi nghỉ việc, anh H làm thủ tục nhận trợ cấp thất nghiệp.
Lúc này, anh mới biết mức lương hằng tháng mà công ty làm căn cứ đóng BHTN cho anh chỉ có 5 triệu đồng. Theo quy định thì mức hưởng trợ cấp thất nghiệp bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHTN của sáu tháng liền kề, trước khi thất nghiệp. Do đó, hằng tháng anh chỉ nhận mức trợ cấp thất nghiệp là 3 triệu đồng.
“Giá như công ty đóng BHTN cho tôi bằng hoặc gần bằng mức lương thực lãnh thì tôi sẽ được nhận mức trợ cấp BHTN cao hơn, đỡ gánh nặng về tài chính trong khoảng thời gian thất nghiệp” - anh H chia sẻ.
Tương tự, chị TTL (ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) thông tin chị làm chuyên viên kinh doanh cho một công ty ở TP.HCM với mức lương thực lãnh là 30 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, khi chị L sinh con và hưởng chế độ thai sản thì rất thấp. Nguyên nhân vì khi làm việc, công ty chỉ đóng cho chị ở mức 6 triệu đồng.
“Tôi không biết hiện nay luật quy định như thế nào, đối với mức lương làm căn cứ đóng BHXH cho NLĐ. Với trường hợp như tôi nhận lương cao, mà chỉ đóng BHXH mức thấp thì quá thiệt thòi. Ngoài ra, đóng BHXH thấp thì cũng đồng nghĩa sau này mức lương hưu của tôi cũng thấp” - chị L nêu ý kiến.
Phản ánh đến cơ quan BHXH để kiểm tra mức đóng BHXH
Về mức lương tính đóng BHXH, BHTN… hằng tháng, luật sư Trịnh Ngọc Hoàn Vũ, Đoàn Luật sư TP.HCM, phân tích: Tại Điều 168 BLLĐ năm 2019 quy định người sử dụng lao động, NLĐ phải tham gia BHXH, BHYT, BHTN.
Mức đóng các khoản bảo hiểm này được quy định tại Công văn 2525/VBHN-BHXH của BHXH Việt Nam (văn bản hợp nhất về quy trình thu BHXH, BHYT, BHTN, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp).
Theo đó, tiền lương tính đóng BHXH hằng tháng, NLĐ phải đóng 8% vào hai quỹ Hưu trí và Tử tuất (công ty đóng thêm 14%), 1,5% đóng vào Quỹ BHYT (công ty đóng thêm 3%) và 1% đóng vào Quỹ BHTN (công ty đóng thêm 1%).
Ngoài ra, công ty sẽ đóng thêm 0,5% trên tiền lương đóng BHXH của NLĐ cho bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp và 3% vào quỹ ốm đau và thai sản. Như vậy, tổng tỉ lệ đóng BHXH bắt buộc là 32%. Trong đó, NLĐ tại DN đóng 10,5% tiền lương, người sử dụng lao động đóng 21,5% quỹ tiền lương tháng đóng BHXH.
Tại khoản 2 Điều 5 Luật BHXH có quy định về mức đóng BHXH bắt buộc được tính trên cơ sở tiền lương tháng của NLĐ.
Tại khoản 2 Điều 89 Luật BHXH cũng quy định về tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc. Cụ thể, đối với NLĐ đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương và phụ cấp lương theo quy định của pháp luật về lao động.
Từ ngày 1-1-2018 trở đi, tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động.
Trường hợp tiền lương tháng cao hơn 20 lần mức lương cơ sở thì tiền lương tháng đóng BHXH bằng 20 lần mức lương cơ sở (mức lương cơ sở hiện tại là 1,8 triệu đồng/tháng).
Trao đổi với PV về tình hình đóng BHXH không đúng với mức đóng theo quy định, ông Trần Dũng Hà, Phó Giám đốc BHXH TP.HCM, cho biết trong quá trình tham gia BHXH hằng tháng, NLĐ nếu thấy mức đóng BHXH thấp hơn mức đóng BHXH theo quy định thì có thể phản ánh đến cơ quan BHXH hoặc Sở LĐ-TB&XH. Sau khi nhận được đơn phản ánh, hai cơ quan này sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra và có hướng xử lý, chấn chỉnh.
“Việc một số DN đóng BHXH không đúng với mức lương theo quy định, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của NLĐ như hưởng các chế độ liên quan nên NLĐ phải giám sát việc đóng BHXH trên hệ thống VssID. Mặt khác, để cơ quan BHXH phát hiện DN vi phạm đóng BHXH không đúng với mức đóng theo quy định cho NLĐ thì rất khó” - ông Hà chia sẻ.
Mức phạt hành vi đóng BHXH không đúng quy định
Tại điểm b khoản 5 Điều 39 Nghị định 12/2022 quy định phạt tiền 12%-15% tổng số tiền phải đóng BHXH bắt buộc, BHTN tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây: Đóng BHXH, BHTN không đúng mức quy định mà không phải là trốn đóng.
Ông TRẦN DŨNG HÀ, Phó Giám đốc BHXH TP.HCM
VÕ HÀ
Nguồn PLO: https://plo.vn/dong-bhxh-thap-hon-muc-luong-nguoi-lao-dong-thiet-thoi-post790168.html