Đồng bộ các chính sách an sinh xã hội

Hộ nghèo ở huyện Sông Hinh nhận gạo hỗ trợ từ các nhà hảo tâm. Ảnh: KIM CHI

Ngày 22/1/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 112/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển công tác xã hội (CTXH) giai đoạn 2021-2030. Mục tiêu chung của chương trình này nhằm tiếp tục đẩy mạnh phát triển CTXH tại các ngành, các cấp, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo từng giai đoạn; đảm bảo nâng cao nhận thức của toàn xã hội về CTXH; đẩy mạnh xã hội hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ CTXH trên các lĩnh vực, đáp ứng nhu cầu cung cấp dịch vụ CTXH của người dân, hướng tới mục tiêu phát triển xã hội công bằng và hiệu quả.

Thời gian qua, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đã tác động đến nhiều mặt trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội cũng như công tác an sinh và trợ giúp xã hội. Tuy nhiên, với việc thực hiện đồng bộ các chính sách an sinh xã hội, sự chăm sóc, hướng dẫn tận tâm của các nhân viên, cộng tác viên CTXH, các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn được hưởng trợ cấp xã hội cũng như các cá nhân, gia đình bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ kịp thời.

Nhiều đối tượng cần giúp đỡ

Ông Đinh Viết Hậu, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội (Sở LĐ-TB-XH), cho biết: Đối tượng bảo trợ xã hội và hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn hiện sinh sống đều khắp ở các địa phương trên địa bàn tỉnh. Tỉ lệ các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, các xã nghèo, vùng khó khăn thường xảy ra thiên tai lũ lụt cao hơn so với các xã ở vùng đồng bằng và thành thị. Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh hiện có hơn 300.000 người đang được hỗ trợ các dịch vụ xã hội, chiếm hơn 35% dân số. Ngoài ra, còn có hàng chục nghìn cá nhân, gia đình, nhóm xã hội nảy sinh các vấn đề phức tạp như ly hôn, bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em… Đây là những đối tượng rất cần được tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ CTXH và rất cần sự trợ giúp xã hội.

KSor Hờ Rưng, xã Ea Lâm (huyện Sông Hinh), gia đình thuộc diện hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, chia sẻ: “Tôi năm nay đã hơn 50 tuổi, nhà nghèo, hàng ngày chỉ biết chăn bò thuê để kiếm sống. Lúc trước, không có thẻ BHYT nên việc khám bệnh tôi ít để ý đến. Sau nhờ có nhân viên CTXH của xã hướng dẫn, hỗ trợ tư vấn làm thẻ BHYT miễn phí nên nay có bệnh là tôi đến trạm y tế để khám và được cấp phát thuốc miễn phí. Nhờ đó mà sức khỏe được cải thiện, yên tâm lo cuộc sống”.

Còn bà Nguyễn Thị Liên, năm nay 85 tuổi, ở một mình trong căn chòi lụp xụp ở thôn Chí Thán, xã Đức Bình Đông, huyện Sông Hinh, nói: “Tôi già rồi, không làm gì được nữa. Thời gian qua nếu không có bà con hàng xóm cùng nhân viên CTXH tới thăm khám sức khỏe, cấp phát thuốc, hỗ trợ tiền rồi bánh trái, mì tôm… thì tôi không biết xoay xở như thế nào để sống qua ngày. Các cô chú rất tận tình, ân cần hỏi thăm rất nhiều, tôi rất biết ơn”.

Không chỉ chăm lo đối tượng bảo trợ xã hội, theo Sở LĐ-TB-XH, năm 2021, tỉnh đã hỗ trợ, cấp đến tận tay 123.511 người dân gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19 có nguy cơ thiếu đói hơn 1.852 tấn gạo cứu đói của Chính phủ. Sở cũng đã phối hợp cùng các ngành chăm lo đời sống vật chất, thăm và tặng quà các hộ nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội; chi trả trợ cấp xã hội hàng tháng tại cộng đồng cho hơn 51.500 đối tượng BTXH với kinh phí thực hiện hơn 261 tỉ đồng.

Đa dạng hóa các dịch vụ CTXH

Bà Phạm Thị Minh Hiền, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH, khẳng định: Thời gian qua, tỉnh luôn quan tâm thực hiện tốt công tác chăm sóc người có công với cách mạng, nâng cao hiệu quả công tác bảo trợ xã hội; kịp thời tổ chức thăm tặng quà hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và cứu trợ đột xuất các hộ có nguy cơ thiếu đói giáp hạt.

Đặc biệt, sau hơn 10 năm triển khai đề án Phát triển nghề CTXH trên địa bàn tỉnh, thông qua hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức, đến nay, nghề CTXH đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. 100% xã, phường, thị trấn đã có cộng tác viên, nhân viên CTXH với hơn 800 người. Hệ thống chính sách an sinh xã hội từng bước hoàn thiện, bảo đảm các nhu cầu cơ bản của đối tượng về trợ giúp, nuôi dưỡng, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, dạy nghề và hòa nhập cộng đồng. Các đối tượng có cơ hội tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản ngày càng tốt hơn. Đây là sự nỗ lực rất lớn của các cấp, ngành và cả hệ thống chính trị của tỉnh.

“Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về nghề CTXH cho các cấp chính quyền và người dân. Tiếp tục nâng cao và đa dạng hóa các dịch vụ CTXH tại các cơ sở trợ giúp xã hội. Dù có khó khăn, nhưng để phát triển nghề CTXH, tỉnh phấn đấu năm 2022, 100% đối tượng gặp khó khăn đột xuất được trợ giúp kịp thời; thực hiện mở rộng diện người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn, không có lương hưu và trợ cấp của Nhà nước sống ở vùng miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được hưởng trợ cấp xã hội theo quy định của Trung ương. Đồng thời phấn đấu 50% người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội phù hợp với nhu cầu, trong đó tối thiểu 10% đối tượng được cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội toàn diện”, bà Phạm Thị Minh Hiền cho biết thêm.

KIM CHI

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/141/271505/dong-bo-cac-chinh-sach-an-sinh-xa-hoi.html