Đồng bộ các giải pháp

Thời gian qua, hạ tầng thoát nước khu vực nội đô luôn được thành phố Hà Nội đặc biệt quan tâm đầu tư, trong đó phải kể đến hệ thống thoát nước khu vực sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét và sông Kim Ngưu; cụm công trình đầu mối Yên Nghĩa (giai đoạn 1); cụm công trình Trạm bơm Yên Sở...

Đặc biệt, thành phố đã, đang tích cực đầu tư cải tạo đồng bộ hệ thống thoát nước trên các tuyến phố khu vực nội thành. Với tính chất phân bố rộng khắp, mạng lưới kênh tiêu này có thể phủ kín đến các khu dân cư để tiêu thoát nước một cách nhanh nhất.

Đáng chú ý, một giải pháp khá hiệu quả đã được triển khai ở Hà Nội, đó là xây bể điều tiết ngầm chống úng ngập. Với hiệu quả bước đầu được khẳng định, đây có thể coi là một hướng đi mới để giải quyết triệt để các điểm úng ngập ở nội đô Hà Nội.

Tuy nhiên, có một thực tế là, thời gian vừa qua, hệ thống thoát nước ở khu vực nội đô thành phố dù đã đáp ứng cơ bản việc tiêu thoát nước theo thiết kế, nhiều điểm úng ngập cố hữu được xử lý, nhưng khi đối mặt với những trận mưa có cường độ dồn dập trong thời gian ngắn thì vẫn xảy ra úng ngập cục bộ, kể cả những điểm không được coi là cố hữu. Đây là vấn đề cần được xem xét thấu đáo, toàn diện và yêu cầu có tầm nhìn xa hơn trong công tác đầu tư, xây dựng hệ thống thoát nước đô thị. Bởi có một thực tế là, biến đổi khí hậu đã, đang và sẽ diễn biến rất khó lường; việc xảy ra những trận mưa lớn, dồn dập trong thời gian ngắn là khó tránh khỏi.

Theo đó, nhiệm vụ trước mắt là các đơn vị, ngành chức năng của thành phố cần đẩy nhanh tiến độ các công trình đang thi công, bảo đảm chất lượng để đưa vào sử dụng trong thời gian sớm nhất cho mùa mưa bão năm nay. Với những dự án thoát nước đã có chủ trương đầu tư cũng cần sớm hoàn thành các thủ tục liên quan để có thể triển khai thực hiện.

Đặc biệt, các đơn vị thực hiện nhiệm vụ tiêu thoát nước cần tăng cường công tác quản lý vận hành, duy tu, nạo vét hệ thống thoát nước; chủ động các phương án chống úng ngập, sẵn sàng đối phó với các trận mưa lớn theo từng tình huống cụ thể; triển khai nhân lực ứng trực 24/24 giờ giải quyết thoát nước khi có mưa lớn, nhất là những khu vực trọng điểm ngập lụt.

Cùng với đó, các địa phương cần tích cực phối hợp với các cấp, ngành chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm về công trình thoát nước. Mỗi người dân Thủ đô cũng cần nâng cao ý thức trong việc bảo vệ hệ thống thoát nước, như: Không tập kết rác thải, phế thải xây dựng trên các rãnh thoát nước, ven hồ điều hòa...

Về lâu dài, nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt là tiếp tục thực hiện tốt Quy hoạch thoát nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tiến hành việc này cần kết hợp chặt chẽ, hài hòa với các quy hoạch xây dựng, quy hoạch chuyên ngành, dự án đầu tư đã được phê duyệt... Trong đó, cần đặc biệt quan tâm đến các khu vực vẫn chủ yếu tiêu thoát nước tự chảy như khu vực tả Nhuệ, hữu Nhuệ, khu vực Long Biên, quận Hà Đông, Nam Từ Liêm, một phần Bắc Từ Liêm và các khu có tốc độ đô thị hóa nhanh nhưng hệ thống hạ tầng thoát nước chưa đồng bộ. Ngoài ra, cần xem xét triển khai công nghệ thoát nước tiên tiến, phù hợp với đặc thù nơi có tốc độ đô thị hóa nhanh như xây dựng bể ngầm, lắp đặt hệ thống trạm bơm thoát nước cưỡng bức…

Triển khai đồng bộ các giải pháp mới có thể khắc phục tình trạng úng ngập tại khu vực nội đô Hà Nội, góp phần hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

Hoàng Hà

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/luan-ban-hanh-dong/977780/dong-bo-cac-giai-phap