Đồng bộ các giải pháp
Để cải thiện chất lượng không khí, cần có lộ trình và sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa. Trong đó, cùng với sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng với hệ thống giải pháp đồng bộ, mỗi người dân Thủ đô cần chung tay, thể hiện rõ trách nhiệm qua từng việc làm cụ thể.
Để kiểm soát tình trạng ô nhiễm không khí trên địa bàn, từ năm 2016, thành phố Hà Nội đã triển khai lắp đặt hệ thống quan trắc không khí. Đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đã quản lý vận hành hệ thống 35 trạm quan trắc không khí tự động. Ngoài ra, Sở đang triển khai dự án đầu tư 15 trạm quan trắc môi trường không khí cố định, tích hợp 3 thiết bị quan trắc phóng xạ; 5 trạm quan trắc môi trường nước, tích hợp 1 thiết bị quan trắc phóng xạ trên trạm quan trắc nước mặt tự động và 6 trạm quan trắc nước dưới đất; hoàn thiện mạng lưới quan trắc môi trường trên địa bàn thành phố trong năm 2021.
Hệ thống trạm quan trắc này được kết nối đồng bộ và truyền dữ liệu về Trung tâm Quản lý dữ liệu tại Chi cục Bảo vệ môi trường, đơn vị thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội để giám sát, theo dõi diễn biến chất lượng không khí. Trên cơ sở đó kịp thời có cảnh báo tới cộng đồng và phục vụ công tác quản lý nhà nước, tham mưu với Ủy ban nhân dân thành phố ban hành các cơ chế, chính sách, giải pháp nhằm bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đã hợp tác với một số tổ chức, chuyên gia trong và ngoài nước thực hiện việc kiểm kê nguồn thải gây ô nhiễm không khí. Qua đó, Sở đã xác định được 12 nguyên nhân và đề xuất 19 giải pháp.
Trong đó, nhóm nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường không khí là: Khí thải từ số lượng lớn phương tiện cơ giới tham gia giao thông; hoạt động xây dựng các công trình mới, cải tạo, sửa chữa đường giao thông không thực hiện nghiêm túc việc che chắn bụi; phương tiện chuyên chở nguyên vật liệu, phế thải xây dựng, không rửa xe trước khi ra khỏi công trường;
Khí thải phát sinh từ cơ sở sản xuất công nghiệp có đốt nhiên liệu hóa thạch; hoạt động đốt rơm rạ ngoài trời, đốt rác thải không đúng quy định tại một số địa phương; sử dụng bếp than tổ ong để đun nấu trong sinh hoạt, kinh doanh dịch vụ hằng ngày. Ngoài ra, còn nguyên nhân khách quan là do ảnh hưởng của thời tiết, khí hậu trong thời điểm giao mùa, có hiện tượng nghịch nhiệt và các nguồn ô nhiễm từ bên ngoài vào Hà Nội.
Nhiều chuyên gia cho rằng, ô nhiễm không khí có tính chất lan truyền và việc quản lý chất lượng không khí cần có giải pháp ngắn hạn, trung hạn, dài hạn được triển khai đồng bộ từ trung ương tới từng địa phương, từng vùng. Trước mắt, Hà Nội đã tập trung triển khai các giải pháp loại bỏ hoàn toàn việc sử dụng bếp than tổ ong và than cấp thấp trong đun nấu, sinh hoạt, kinh doanh dịch vụ; xóa bỏ tình trạng đốt rơm rạ vào năm 2021; đẩy nhanh tiến độ các dự án xử lý rác thải sinh hoạt.
Đặc biệt, thành phố sắp đưa vào vận hành nhà máy đốt rác phát điện 4.000 tấn/ngày tại Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn, huyện Sóc Sơn và tăng cường công tác thu gom rác thải về khu xử lý tập trung, xóa bỏ tình trạng tồn đọng rác thải, đốt rác thải tự phát ở khu vực ngoại thành...
Về các giải pháp trung hạn, dài hạn, thành phố Hà Nội tập trung hoàn thiện hệ thống quan trắc chất lượng không khí tự động vào năm 2021, bảo đảm cung cấp chuỗi dữ liệu liên tục, đầy đủ phục vụ công tác dự báo, cảnh báo ô nhiễm, xác định nguồn gây ô nhiễm... Thành phố tiếp tục triển khai chương trình trồng cây xanh trên địa bàn;
Thực hiện kiểm định, kiểm soát khí thải xe máy, áp dụng theo tiêu chuẩn khí thải euro 4, 5, nâng cao chất lượng nhiên liệu xăng dầu. Bên cạnh đó là thực hiện nghiên cứu, đánh giá, giám sát các nguồn ô nhiễm vận chuyển từ khu vực khác vào Hà Nội, ô nhiễm xuyên biên giới để có giải pháp phối hợp liên khu vực xây dựng phương án bảo vệ môi trường không khí.
Tuy nhiên, dù đã có các giải pháp, ngắn, trung thậm chí dài hạn nhưng điều quan trọng nhất là “lan tỏa” sự đồng lòng chung tay bảo vệ môi trường từ phía người dân thì vẫn còn hạn chế. Trong những năm qua, Thành phố đã đẩy mạnh tuyên truyền vận động cán bộ, nhân dân trên địa bàn tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường.
Đã có nhiều mô hình, cách làm sáng tạo trong công tác đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn như: Mô hình nông dân tham gia bảo vệ môi trường nông thôn, đoạn đường tự quản bảo vệ môi trường, mô hình “Thu gom phân loại rác thải tại nguồn, hướng dẫn xử lí rác thải hữu cơ làm phân bón cho cây trồng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi”, mô hình “Cánh đồng không đốt rơm rạ”, vệ sinh đường làng, ngõ xóm vào thứ 7, chủ nhật hàng tuần…
Đây là những mô hình, cách làm sáng tạo, hiệu quả góp phần cải thiện môi trường trên địa bàn nông thôn nói riêng và toàn Thành phố nói chung. Tuy nhiên, những mô hình, cách làm sáng tạo này mới được triển khai trên quy mô còn hạn chế, do đó, chúng ta cần tổ chức phát động Cuộc vận động “Toàn dân tham gia đảm bảo vệ sinh, môi trường xây dựng Thủ đô xanh- sạch- đẹp” trên địa bàn Thành phố không chỉ ở khu vực thành thị mà cả khu vực nông thôn để thu hút toàn thể, cán bộ và các tầng lớp nhân dân tham gia. Người dân cần hiểu rõ, trách nhiệm bảo vệ môi trường không khí không chỉ của các cơ quan chức năng mà thuộc về tất cả mọi công dân Thủ đô.
Trước mắt, mọi người dân cần tích cực hạn chế, tiến tới không sử dụng bếp than tổ ong và đốt các nhiên liệu than cấp thấp; không đốt rơm rạ, không đốt các phụ phẩm trong hoạt động sản xuất nông nghiệp; đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định, không đốt rác bừa bãi; hạn chế đốt vàng mã; tích cực tham gia hưởng ứng phong trào trồng cây xanh tại các cơ quan, đơn vị, địa phương, tạo không gian xanh trong các gia đình... Các phương tiện chở vật liệu xây dựng, phế thải phải có biện pháp che chắn không để rơi vãi, gây ô nhiễm môi trường.
Bên cạnh đó, mỗi người dân cần phát huy tối đa vai trò giám sát, tố giác các hành vi gây ô nhiễm môi trường để cơ quan chức năng xử lý theo quy định. Tin tưởng rằng, khi mỗi người dân có nhận thức đúng, chung tay bảo vệ môi trường từ những việc làm hằng ngày sẽ hình thành sức mạnh to lớn, mang lại bầu không khí trong lành cho Thủ đô./.
Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/dong-bo-cac-giai-phap-117564.html