Đồng bộ các giải pháp giảm thiểu sụt lún đất ở ngoại thành Hà Nội
10 năm trở lại đây, tại các huyện: Mỹ Đức, Quốc Oai, Ứng Hòa, Ba Vì, Chương Mỹ đã xảy ra nhiều vụ sụt lún đất, làm sập, lún, nứt một số nhà dân, tạo nên hố lớn trên đường, cản trở việc đi lại của người tham gia giao thông…
Hố sụt lún đất ở thôn 2, xã Quảng Bị, huyện Chương Mỹ (ảnh chụp ngày 7-4-2021).
Nhiều nơi xảy ra sụt lún đất
Mới đây nhất, chiều 6-4, tại khu vực thôn 2, xã Quảng Bị (huyện Chương Mỹ) xảy ra vụ sụt lún đất nghiêm trọng. Sau vài ngày, diện tích hố sụt từ gần 10m2 đã mở rộng lên hơn 100m2, khiến 4 ngôi nhà bị lún, nứt, một phần mặt đường 419 trở thành hố sâu...
Chủ tịch UBND xã Quảng Bị Vũ Văn Mạnh cho biết: Gia đình ông Đặng Đình Nhâm ở thôn 2, thuê thợ khoan giếng đến độ sâu 47m thì giàn khoan bị nghiêng, sau đó lọt thỏm xuống hố. Sự cố không gây thiệt hại về người. Thời điểm hiện tại, các cơ quan chức năng đang tập trung khắc phục sự cố.
Cũng do khoan giếng nước, tháng 5-2020, tại địa bàn thôn Hòa An, xã Hòa Xá (huyện Ứng Hòa) xuất hiện hố sụt rộng gần 15m, dài 40m, chỗ lún sâu hơn 2,5m, gây rạn nứt sân, tường nhà của 8 hộ dân ở xung quanh vị trí khoan.
Không liên quan đến việc khoan giếng, nhưng khu vực đồng Cổng Treo, thôn Phú Thứ, xã Khánh Thượng (huyện Ba Vì) cũng xuất hiện 2 hố sụt lún đất (ngày 15-1-2019), có bán kính lần lượt là 22m và 25m, sâu 13 và 16m, xung quanh các miệng hố có nhiều vết nứt dài khoảng 3-4m. Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Thượng Nguyễn Văn Thành cho biết, hố sụt lún không gây thiệt hại về người và tài sản…
Hố sụt lún đất ở khu đồng Cổng Treo (xã Khánh Thượng, huyện Ba Vì) đang chờ được khảo sát, xử lý.
Tiến sĩ Vũ Ngọc Bình (chuyên gia Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam) giải thích nguyên nhân gây sụt lún đất ở huyện Chương Mỹ và một số huyện như Quốc Oai, Ứng Hòa, Mỹ Đức là do trong lớp đá vôi ở lòng đất tiềm ẩn các hang hốc nứt nẻ, các phễu ngầm cùng sự tồn tại lớp đất loại cát sạn, sỏi, cuội, khi các vật liệu này bị trôi đi, hoặc do địa tầng đất yếu, sẽ tạo thành hang karst. Cụ thể như ở hố sụt lún đất tại thôn 2, xã Quảng Bị là do lòng đất có hang karst và việc khoan sâu vào lòng đất để khai thác nước ngầm đã thúc đẩy quá trình sụt lún…
Trưởng phòng Tài nguyên nước (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) Đào Thị Anh Điệp cho biết thêm: Theo phân tích của các chuyên gia về địa chất, phần lớn các vụ sụt lún nền đất ở khu vực ngoại thành có nguyên nhân từ cấu tạo địa chất đá vôi, xuất hiện hang động dạng karst dưới tác động của các yếu tố tự nhiên (sự phong hóa của đá vôi, nước dưới đất trong các tháng mùa khô giảm) và yếu tố chủ quan như khoan khai thác nước dưới đất. Hầu hết các vụ sụt lún đều xảy ra vào mùa khô từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau, do thời gian này, nguồn nước ngầm ở các hang động karst trong tầng đá vôi không được bổ cập, mực nước bị hạ thấp, cát, cát pha vận động trong các hang động karst tạo ra thấu kính rỗng. Tác động của trọng lực, tải trọng, cộng hưởng rung chấn (máy khoan, các phương tiện vận tải chạy trên bề mặt…) đã phá vỡ các kết cấu của lớp đất phía trên thấu kính rỗng, gây ra sụt lún.
Khoan thăm dò, xác định nguyên nhân sụt lún đất ở xã An Tiến (huyện Mỹ Đức).
Đồng bộ các giải pháp khắc phục
Để hạn chế và tránh xảy ra tình trạng sụt lún đất khu vực ngoại thành, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Minh Mười cho biết: Sở đã đề xuất UBND thành phố chỉ đạo các địa phương tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân trước khi tiến hành xây dựng công trình dân dụng và nhà ở, cần thực hiện khoan khảo sát địa chất công trình để có đánh giá nền địa chất và giải pháp xử lý nền móng phù hợp, tránh sụt lún, biến dạng các công trình. Với trường hợp khoan giếng khai thác nước dưới đất để sử dụng, cần phải được thực hiện bởi những đơn vị có chức năng, được cơ quan có thẩm quyền cấp phép...
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Mười cũng đề xuất thành phố khẩn trương triển khai các dự án cấp nước sạch tập trung cho người dân. Các địa phương, đơn vị có trách nhiệm thông báo, tuyên truyền đến các tổ chức, cá nhân không được tự ý khai thác, sử dụng nước ngầm để phòng, tránh sự cố sụt lún...
Cũng về vấn đề này, Chủ tịch UBND xã Quảng Bị (huyện Chương Mỹ) Vũ Văn Mạnh cho biết: Đây là lần đầu tiên trên địa bàn xuất hiện tình trạng sụt lún đất do khoan giếng đụng phải hang karst. Xã Quảng Bị chưa có hệ thống cấp nước sạch, dẫn đến người dân buộc phải dùng nước giếng khoan, nước mưa trong sinh hoạt hằng ngày. Do đó, địa phương mong các cấp có thẩm quyền quan tâm, tạo điều kiện sớm triển khai dự án cấp nước sạch, để người dân không phải lo khoan giếng tìm nguồn nước ngầm phục vụ sinh hoạt, góp phần hạn chế xảy ra tình trạng sụt lún đất.
Về lâu dài, theo Tiến sĩ Vũ Ngọc Bình, Hà Nội cần có nghiên cứu, đánh giá khoa học về địa chất tại khu vực ngoại thành để xác định được các hang động hoặc các tầng chứa nước, nhằm khắc phục, hạn chế, giảm thiểu hiện tượng sụt lún...