Đồng bộ các giải pháp, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị
Với chủ đề công tác 'Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị', trong hai năm qua, bằng những giải pháp cụ thể, các cấp, các ngành của TP Hà Nội đã tạo được chuyển biến rõ nét trên nhiều lĩnh vực công tác.
Lấy công tác cán bộ làm trọng tâm
Trước đây, nội bộ xã Mỹ Lương (huyện Chương Mỹ) xảy ra tình trạng mất đoàn kết, tình hình kinh tế - xã hội, an ninh khó khăn; tình trạng lấn chiếm đất công phức tạp. Nhằm khắc phục hạn chế, Ban Thường vụ Huyện ủy Chương Mỹ đã tập trung khắc phục khâu yếu là công tác cán bộ. Huyện quyết định cho thôi chức Chủ tịch UBND xã Mỹ Lương, đồng thời bố trí lại một số chức danh chủ chốt, như: Luân chuyển Phó Trưởng phòng Tư pháp huyện Chương Mỹ về làm Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Lương; đồng chí Bí thư Đảng ủy xã giữ vị trí Chủ tịch UBND xã. Nhờ đó, xã Mỹ Lương từng bước chuyển biến tích cực, vươn lên. Tháng 11-2019, xã Mỹ Lương đã chính thức được công nhận là xã nông thôn mới.
Tại quận Long Biên, Trưởng Ban Tuyên giáo Quận ủy Nguyễn Thế Thạch cho biết, một trong những kinh nghiệm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị mà quận đã thực hiện hiệu quả là chấm dứt luân chuyển cán bộ từ phường yếu lên công tác ở quận; kiên quyết không bổ nhiệm lại cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ. Nhờ đó, chất lượng đội ngũ cán bộ từ phường đến quận không ngừng được nâng lên.
Bên cạnh công tác cán bộ, hai năm qua, công tác kiểm tra, giám sát đã được các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị chú trọng. Tại quận Hoàn Kiếm, trong năm 2019, UBND quận đã kiểm tra việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính ở 11 phòng, ban, qua đó phê bình, rút kinh nghiệm đối với chín cá nhân. Tại huyện Gia Lâm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Nguyễn Ngọc Thuần cho biết, ngay trong đợt kiểm tra đầu tiên của Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị 2018, 42 cán bộ các xã: Dương Hà, Kim Lan, Trung Mầu, Văn Đức, Yên Thường đã bị hạ thi đua. Nhờ sự nghiêm khắc đó, hiện nay, trong giờ hành chính, công chức của huyện tuyệt đối không tự ý vắng mặt không có lý do.
Theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Chí Đoàn, năm 2018, các đoàn kiểm tra công vụ của UBND thành phố đã phát hiện năm trường hợp vi phạm quy định. Năm 2018, toàn thành phố có 277 cán bộ, công chức vi phạm chính sách, pháp luật và quy tắc ứng xử bị kỷ luật. Năm 2019, các đoàn kiểm tra của UBND thành phố cũng đã phát hiện 10 trường hợp vi phạm.
Bên cạnh đó, hàng loạt những bài học kinh nghiệm quan trọng khác như việc tất cả các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố đã thực hiện “Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan TP Hà Nội”; tổ chức thực hiện hệ thống lập kế hoạch và đánh giá định kỳ (tuần, tháng, quý, năm) tới từng cá nhân theo vị trí việc làm; xây dựng bộ chỉ số đánh giá cải cách hành chính cấp xã, cấp phòng; tổ chức các phiên giải trình của HĐND các cấp...
Tiếp tục đột phá cải cách hành chính
Cùng với việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, các cấp, các ngành của thành phố còn chủ động xây dựng và triển khai đồng bộ, toàn diện, nhất là đổi mới quy chế làm việc, quy trình công tác; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; phát huy trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; đổi mới công tác cán bộ, đánh giá kết quả công tác theo tháng và đào tạo, bồi dưỡng theo chức danh, vị trí việc làm...
Trong năm 2019, Thành ủy Hà Nội đã triển khai sắp xếp tổ chức bộ máy một số ban Đảng, cơ quan, đơn vị trực thuộc. Khi hoàn thành, thành phố sắp xếp, chuyển giao 178 tổ chức cơ sở đảng với gần 7.000 đảng viên; giảm năm phòng, một bí thư và năm trưởng phòng. Thành ủy cũng đã chỉ đạo khối chính quyền thực hiện bảy đợt tinh giản biên chế, giảm 240 biên chế, trong đó có 219 trường hợp nghỉ hưu trước tuổi, 21 trường hợp cho thôi việc.
Hà Nội cũng là một trong những địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành Quy định khung tiêu chí đánh giá hằng tháng đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng trong hệ thống chính trị thành phố. Theo đó, các cơ quan, đơn vị thực hiện đánh giá đa chiều, liên tục và lượng hóa được kết quả thực hiện nhiệm vụ của từng cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng gắn với kết quả công tác của từng bộ phận, cơ quan, đơn vị. Sau một năm thực hiện, qua ghi nhận từ cơ sở cho thấy, việc đổi mới công tác đánh giá cán bộ của thành phố đã giúp phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác lãnh đạo, quản lý, siết chặt kỷ cương, chuẩn hóa và xây dựng phong cách làm việc chuyên nghiệp; nâng cao ý thức, trách nhiệm, tính tự giác trong thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng; tạo môi trường sáng tạo, đổi mới, phát triển, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của từng địa phương, đơn vị.
Trong công tác cải cách hành chính, thành phố đã quyết liệt chỉ đạo với tinh thần lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm thước đo. Lãnh đạo Sở Nội vụ cho biết, năm 2019, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành 25 quyết định công bố thủ tục hành chính, trong đó bãi bỏ 914 thủ tục; sửa đổi, bổ sung 43 thủ tục; đơn giản hóa 71 thủ tục hành chính... Đến nay, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 của thành phố đạt gần 80%. Chỉ số cải cách hành chính của thành phố năm 2018 tiếp tục xếp thứ 2 trong 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) năm 2018 đạt 83%, tăng 16 bậc so với năm 2017, sớm hơn hai năm so với chỉ tiêu của Chính phủ về “Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020”.
Những kết quả đạt được trong nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị sẽ là tiền đề để TP Hà Nội hoàn thành những nhiệm vụ quan trọng của năm 2020 và tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025.