Đồng bộ các giải pháp ngăn chặn thuốc lá nhập lậu
Theo đánh giá của Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam (VTA), nạn buôn lậu thuốc lá từ lâu đã trở thành vấn đề nhức nhối của xã hội, gây nhiều hệ lụy nghiêm trọng đến nền kinh tế và sức khỏe cộng đồng. Dù các lực lượng chức năng đã và đang quyết liệt ngăn chặn, nhưng mỗi năm các đối tượng tìm mọi thủ đoạn đưa hàng triệu bao thuốc lá lậu vào thị trường nội địa tiêu thụ.

Lực lượng chức năng tỉnh Bình Phước thực hiện tiêu hủy thuốc lá nhập lậu thu giữ trên địa bàn. (Ảnh: LƯU QUYÊN)
Điều này đặt ra không ít thách thức cho các lực lượng chức năng trong việc tìm ra giải pháp hữu hiệu nhằm ngăn chặn triệt để vấn nạn buôn lậu thuốc lá qua biên giới.
Thực trạng đáng lo ngại
Theo báo cáo của VTA, trong giai đoạn năm 2017-2020, số vụ bắt giữ thuốc lá nhập lậu trung bình khoảng 13.800 vụ/năm (giảm dần 0,6%/năm), nhưng số lượng bao thuốc lá tịch thu tăng bình quân 21,4%/năm (từ 7,8 triệu bao lên 14 triệu bao). Trong giai đoạn năm 2021-2024, số vụ bắt giữ khoảng 10 nghìn vụ/năm (giảm 7,4%/năm), số lượng tịch thu giảm từ 6,3 triệu bao xuống 4,1 triệu bao, giảm 13,1%/năm.
Dù số vụ và số lượng giảm, nhưng trên thực tế đây chỉ là một phần rất nhỏ (khoảng 1%-2%) so với lượng thuốc lá nhập lậu đang được buôn bán và sử dụng tại Việt Nam.
Theo Trung tá Nguyễn Minh Tiến, thuộc Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an thành phố Hà Nội, tại khu vực biên giới phía bắc, các đối tượng thường ngụy trang thuốc lá lậu trong các lô hàng nông sản hoặc hàng tiêu dùng, lợi dụng địa hình phức tạp tại các khu vực biên giới, nơi có nhiều đường mòn, lối mở để thẩm lậu vào thị trường trong nước. Còn tại khu vực biên giới Tây Nam, các đối tượng sử dụng phương tiện nhỏ như xe máy, thuyền bè để vận chuyển qua sông, kênh rạch ở những khu vực hẻo lánh, nơi lực lượng tuần tra khó tiếp cận. Một yếu tố khác làm trầm trọng thêm tình hình do sự thiếu ý thức của một bộ phận người tiêu dùng với tâm lý chuộng hàng rẻ và nhập ngoại, sẵn sàng mua thuốc lá lậu không quan tâm đến nguồn gốc hay chất lượng sản phẩm. Điều này tạo ra một thị trường tiêu thụ ổn định, thúc đẩy các hoạt động buôn lậu phát triển, nhất là trên không gian mạng.
Cùng với đó, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng thuốc lá điếu tăng lên 75% từ năm 2019 đã khiến giá bán lẻ thuốc lá tăng mạnh, buôn bán thuốc lá lậu trở thành hoạt động siêu lợi nhuận khi “né” được 135% thuế nhập khẩu, 75% thuế tiêu thụ đặc biệt, 10% thuế giá trị gia tăng cùng 2% Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá.
Theo báo cáo của VTA, trong giai đoạn năm 2017-2020, số vụ bắt giữ thuốc lá nhập lậu trung bình khoảng 13.800 vụ/năm (giảm dần 0,6%/năm), nhưng số lượng bao thuốc lá tịch thu tăng bình quân 21,4%/năm (từ 7,8 triệu bao lên 14 triệu bao). Trong giai đoạn năm 2021-2024, số vụ bắt giữ khoảng 10 nghìn vụ/năm (giảm 7,4%/năm), số lượng tịch thu giảm từ 6,3 triệu bao xuống 4,1 triệu bao, giảm 13,1%/năm.
Ngoài ra, do chính quyền một số nước bạn không cấm buôn lậu thuốc lá nên họ xây dựng nhiều kho bãi, điểm tập kết giáp biên giới nước ta, rồi thuê cư dân bản địa đeo vác, vận chuyển băng qua đường biên giới vào trong nước tiêu thụ. Điều này dẫn tới nhiều khó khăn trong công tác kiểm soát và ngăn chặn vì đường biên giới nước ta rất phức tạp với nhiều đường mòn lối mở, trong khi lực lượng chức năng còn mỏng.
Tổng Thư ký VTA Nguyễn Chí Nhân chia sẻ, với dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đang tiếp tục đề xuất phương án bổ sung thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá với mức rất cao, giữ nguyên mức thuế tuyệt đối theo tỷ lệ 75% và tăng ngay 5.000 đồng/bao từ năm 2026, tăng liên tục đến năm 2030 bảo đảm đạt 10 nghìn đồng/bao sẽ đặt ra nhiều thách thức cho ngành thuốc lá. Nếu không có những giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn thuốc lá nhập lậu, chỉ áp dụng tăng thuế sẽ khó đạt hiệu quả cao trong việc giảm tỷ lệ người hút thuốc lá, vô hình trung đẩy người tiêu dùng sẽ tìm đến các sản phẩm thuốc lá nhập lậu giá rẻ, không rõ nguồn gốc chất lượng để đáp ứng nhu cầu; kích thích các hành vi buôn lậu thuốc lá do khoảng cách chênh lệch thuế suất ngày càng lớn.
Cần giải pháp hữu hiệu
Trước thực trạng đáng lo ngại của nạn buôn lậu thuốc lá và để công tác chống buôn lậu đạt hiệu quả, theo các chuyên gia, việc chậm trễ ban hành các văn bản hướng dẫn, chế tài xử lý cụ thể với các hành vi vi phạm bị cấm tại Nghị quyết số 173/2024/QH15 do Quốc hội khóa XV ban hành vừa qua đang khiến các lực lượng chức năng lúng túng, thiếu sự thống nhất trong thực thi công vụ. Tình trạng buôn bán thuốc lá lậu trong các hội nhóm kín cũng khiến công tác quản lý thị trường trên không gian mạng trở nên phức tạp.
Do đó, việc tăng cường kiểm soát tại các cửa khẩu và khu vực biên giới là ưu tiên hàng đầu, nhất là tại các “điểm nóng” của buôn lậu thuốc lá. Cần ứng dụng công nghệ hiện đại như hệ thống camera giám sát, máy quét hàng hóa và công nghệ truy vết điện tử để phát hiện và ngăn chặn kịp thời các lô hàng lậu. Đồng thời, tăng cường phối hợp giữa các lực lượng hải quan, biên phòng, công an và quản lý thị trường, tránh tình trạng “mạnh ai nấy làm” vẫn tồn tại ở một số địa phương, dẫn đến việc bỏ lọt các vụ buôn lậu lớn.
Việc thành lập các đội liên ngành chuyên trách, tổ chức tuần tra định kỳ và đột xuất tại các tuyến biên giới trọng điểm sẽ góp phần tạo ra mạng lưới phòng thủ chặt chẽ hơn. Đồng thời, cần xử lý nghiêm các đường dây buôn lậu quy mô lớn, triệt phá tận gốc các tổ chức đứng sau hoạt động này.
Trưởng bộ phận phòng chống buôn lậu thuộc Tập đoàn Philip Morris International (PMI), Rodney Van Dooren cho biết, cần chủ động nâng cao nhận thức cộng đồng thông qua việc đẩy mạnh các chiến dịch truyền thông và các buổi sinh hoạt cộng đồng, nhấn mạnh về mối nguy từ thuốc lá lậu đối với sức khỏe và kinh tế quốc gia. Bên cạnh đó, việc hợp tác với các tổ chức phi chính phủ, các quốc gia và doanh nghiệp sản xuất thuốc lá trong nước để cùng tìm giải pháp ngăn chặn nạn buôn lậu thuốc lá từ gốc cũng là một ưu tiên hàng đầu hiện nay.
Buôn lậu thuốc lá không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là thách thức lớn đối với an ninh, sức khỏe và trật tự xã hội tại Việt Nam. Để giải quyết triệt để vấn nạn này, Chính phủ cùng các cơ quan liên quan cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp đã đề ra. Trong đó, tăng cường kiểm soát biên giới, cải thiện khung pháp lý với mức xử phạt nghiêm khắc hơn, tạo sức răn đe mạnh mẽ; nâng cao hợp tác quốc tế với các nước láng giềng sẽ giúp ngăn chặn triệt để nguồn cung thuốc lá nhập lậu; đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân về tác hại của thuốc lá nhằm dần thay đổi hành vi và thói quen sử dụng,...
Chỉ khi những giải pháp này được triển khai quyết liệt với sự quyết tâm và đồng lòng từ cả hệ thống chính trị đến toàn dân, Việt Nam mới có thể đẩy lùi vấn nạn buôn lậu thuốc lá, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, lợi ích quốc gia và nguồn thu ngân sách một cách bền vững
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/dong-bo-cac-giai-phap-ngan-chan-thuoc-la-nhap-lau-post874783.html