Đồng bộ các giải pháp ngăn chặn tín dụng đenTin khácTrải thảm đón nhà đầu tưChung tay phòng chống HIV/AIDS trong bối cảnh dịch COVID-19

Vấn nạn tín dụng đen đã được báo chí phản ánh nhiều, các lực lượng chức năng cũng tích cực vào cuộc triệt phá, khởi tố, xét xử nhiều tổ chức, cá nhân cho vay nặng lãi nhưng tình trạng này vẫn diễn biến hết sức phức tạp, tinh vi, cần những giải pháp đồng bộ để ngăn chặn.Tại Hội thảo 'Nhận diện tín dụng đen dưới góc nhìn pháp luật và các giải pháp phát triển tín dụng khu vực nông thôn' do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam), Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an), Tòa án nhân dân TP Hà Nội tổ chức mới đây, Thiếu tướng Trần Ngọc Hà, Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự cho biết: Trong năm thứ hai thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25-4-2019 của Thủ tướng Chính phủ về 'Tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen', riêng về hành vi cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự, lực lượng công an đã phát hiện, tiếp nhận 539 vụ/884 đối tượng, trong đó đã khởi tố 314 vụ/541 bị can; xử phạt hành chính 153 vụ/249 đối tượng.Các đối tượng hoạt động tín dụng đen bị Công an huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa bắt giữ tháng 11-2021. Ảnh: Công an huyện Hậu Lộc.

“Nguyên nhân dẫn đến vi phạm liên quan đến tín dụng đen chủ yếu do nguồn thu lợi bất chính từ hoạt động cho vay nặng lãi rất cao; tâm lý nhẹ dạ cả tin, thiếu hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân trong các giao dịch dân sự; các văn bản quy phạm pháp luật còn bất cập, chưa đủ sức mạnh, đủ sức răn đe để phòng ngừa; người dân chưa được tiếp cận thuận lợi với các tổ chức tín dụng hợp pháp…”, Thiếu tướng Trần Ngọc Hà phân tích.

Còn theo ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã ban hành 85 văn bản quy phạm pháp luật để người dân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận các nguồn vay chính thống nhưng tín dụng đen vẫn phát triển, đặc biệt là ở các vùng nông thôn, miền núi-nơi người dân còn thiếu thông tin, hiểu biết.

Nguyên nhân là nhiều người lao động bị mất việc làm, giảm thu nhập do tác động tiêu cực của dịch Covid-19. Bên cạnh đó, người dân tìm đến tín dụng đen còn để chơi cờ bạc, mua ma túy, kinh doanh phi pháp nên không muốn tìm đến các tổ chức tín dụng hợp pháp dù được đơn giản hóa thủ tục vay và có nhiều sản phẩm tín dụng tiêu dùng.

Trước thực trạng này, ông Nguyễn Văn Tất, Phó vụ trưởng Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án trật tự xã hội (Viện Kiểm sát nhân dân tối cao) cho rằng, các cơ quan chức năng phải đặt việc thực hiện nhiệm vụ ngăn chặn và đẩy lùi tín dụng đen thành một yêu cầu cấp thiết hiện nay nhằm lành mạnh hóa thị trường tín dụng, ổn định cuộc sống của người dân, giữ gìn an ninh, trật tự.

Để ngăn chặn, đẩy lùi tín dụng đen thì các cơ quan cần phối hợp chặt chẽ, có giải pháp trước mắt và lâu dài. Trước hết là tuyên truyền để người dân hiểu rõ các hình thức, thủ đoạn và hệ lụy của tín dụng đen; quản lý chặt hoạt động của các tổ chức, cá nhân hoạt động tín dụng núp dưới vỏ bọc “hỗ trợ tài chính”. Song song với đó, các ngân hàng, tổ chức tín dụng nhân dân cần mở rộng các khoản vay tiêu dùng, có thêm nhiều sản phẩm cho vay nhỏ, ngắn hạn. Về lâu dài, cần sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến hoạt động cho vay theo hướng đơn giản về thủ tục, chặt chẽ hơn về trách nhiệm thực hiện quy trình của cán bộ tín dụng; tăng chế tài xử lý về hình sự, hành chính…

Tiến sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế ước tính, quy mô tín dụng phi chính thức ở nước ta hiện nay chiếm khoảng 15% đến 20% tổng tín dụng của nền kinh tế. Trong đó, tín dụng đen chiếm khoảng 30% đến 35% tổng tín dụng phi chính thức, tương đương 6% đến 8% tổng dư nợ nền kinh tế.

Đây chưa phải con số quá lớn nhưng gây hệ lụy xã hội thì rất lớn, phức tạp và cần lưu tâm xử lý. Trong đó, giải pháp quan trọng là tăng khả năng tiếp cận tín dụng, vốn chính thức cho người dân và doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; tạo điều kiện pháp lý thuận lợi để phát triển kinh tế số, tài chính số; nâng cao nhận thức, hiểu biết của người dân và doanh nghiệp về dịch vụ tài chính ngân hàng. Tiến sĩ Cấn Văn Lực nhấn mạnh: “Các ngân hàng, tổ chức tín dụng cần hết sức chú trọng khâu thực thi cơ chế, chính sách; tập trung xóa điểm nghẽn, phối hợp giữa các cơ quan chức năng, tổ chức tài chính, hiệp hội ngành nghề; triển khai đồng bộ các biện pháp mạnh đối với hành vi tín dụng đen. Điểm quan trọng nữa là nâng cao ý thức, kiến thức phòng, chống tín dụng đen đối với người dân, doanh nghiệp để họ tìm đến nguồn thông tin chính thức từ các tổ chức tài chính, website tin cậy, tham khảo ý kiến tư vấn chính thống trước khi quyết định vay vốn”.

Theo Quandoinhandan

THANH PHONG - TRANG NINH

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/phap-luat/467955-dong-bo-cac-giai-phap-ngan-chan-tin-dung-den.html