Đồng bộ các giải pháp, phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao nhất

Chiều 26-8, ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì phiên họp UBND tỉnh thường kỳ tháng 8 (mở rộng), đánh giá tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH) 8 tháng đầu năm, triển khai các nhiệm vụ, giải pháp nhằm khôi phục và phát triển KT-XH của tỉnh sau thời gian giãn cách xã hội. Tham dự có lãnh đạo đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đã tác động tiêu cực đến tình hình kinh tế - xã hội, nhưng trong 8 tháng đầu năm, một số chỉ tiêu kinh tế tăng khá với so cùng kỳ. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Punch Industry Manufacturing Việt Nam (KCN Mỹ Phước III, TX.Bến Cát)

Duy trì tăng trưởng

Dịch bệnh Covid-19 đã tác động tiêu cực đến tình hình KT-XH tháng 8 của tỉnh và dự kiến còn tiếp tục ảnh hưởng đến các mục tiêu phát triển của cả năm 2021. Trong tháng 8, một số chỉ tiêu phát triển sụt giảm so với tháng 7 và cùng kỳ, tuy nhiên những kết quả đạt được trong 8 tháng đầu năm vẫn mang lại những đóng góp quan trọng, các chỉ tiêu chủ yếu vẫn duy trì tăng trưởng. Theo đó, trong 8 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 4,3% so cùng kỳ; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 2,8%; kim ngạch xuất khẩu tăng 37,3%; tổng thu ngân sách ước tăng 16%...

Trước tình hình dịch bệnh, tỉnh và cộng đồng doanh nghiệp đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để tránh đứt gãy sản xuất như triển khai thực hiện phương án “3 tại chỗ” và “1 cung đường, 2 địa điểm”; đồng thời triển khai tiêm vắc xin cho công nhân, người lao động. Ông Bùi Minh Trí, Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, cho biết thời gian qua các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đã thực hiện nghiêm túc công tác phòng, chống dịch bệnh. Hiện nay, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp tiếp tục đăng ký thực hiện phương án “3 tại chỗ”, vừa phòng, chống dịch bệnh vừa sản xuất, kinh doanh. “Các doanh nghiệp thuộc ngành điện tử đang có xu hướng phục hồi nhanh, có mong muốn hoạt động trở lại bình thường với 100% công nhân. Thời gian tới tỉnh sẽ tranh thủ mọi nguồn vắc xin để tiêm cho công nhân, người lao động nhằm bảo đảm nguồn lao động cung ứng cho các doanh nghiệp sau thời gian giãn cách”, ông Trí cho hay.

Đồng lòng vượt khó

UBND tỉnh đánh giá, trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng theo kế hoạch đề ra trong những tháng cuối năm 2021 là rất khó khăn. Tuy nhiên, UBND tỉnh thống nhất không điều chỉnh kế hoạch phát triển KT-XH năm 2021 để giữ quyết tâm cao nhất nhằm huy động sức mạnh tổng lực của toàn bộ hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp cùng chung sức, đồng lòng phấn đấu để thực hiện từng chỉ tiêu, lĩnh vực ở mức cao nhất.

Thời gian tới, một số nhiệm vụ trọng tâm được tỉnh đặt ra và quyết tâm thực hiện là kiên định “mục tiêu kép” vừa phòng chống, kiểm soát dịch bệnh và vừa đẩy mạnh phát triển KT-XH; tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, cũng như không hoang mang, lo sợ; tiếp tục huy động mọi nguồn lực phòng, chống dịch bệnh với phương châm “bảo vệ vùng xanh, đánh vùng đỏ, thực hiện nghiêm giãn cách xã hội, chăm lo an sinh xã hội là trọng yếu, thường xuyên, xét nghiệm là then chốt, giảm tử vong là ưu tiên hàng đầu”. Mặt khác, tỉnh sẽ tổ chức hiệu quả, thiết thực công tác vận chuyển, phân phối hàng hóa thiết yếu, tiếp tục mở thêm các điểm bán hàng cố định và lưu động đến tại các khu phố, ấp, các khu dân cư; bình ổn thị trường hàng hóa, sách giáo khoa phục vụ năm học mới; điều hành thu chi ngân sách Nhà nước 2021 theo dự toán, huy động, khai thác tốt các khoản thu hợp pháp để tạm thời bù đắp các khoản hụt thu do tác động của dịch bệnh…

Ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: Yêu cầu các ngành, địa phương tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp đã đề ra để đạt được mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu tăng trưởng năm 2021. Trong đó, chủ động rà soát, tháo gỡ các khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh trên tinh thần kịp thời; tiếp tục thống kê tình hình lao động, xử lý, giải quyết các vướng mắc về lao động trong các doanh nghiệp, có giải pháp để động viên tinh thần của người lao động; nghiên cứu bổ sung các chính sách thuộc thẩm quyền và phù hợp với đặc điểm tình hình của tỉnh để hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động và các đối tượng yếu thế bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh trên địa bàn. Ngành hải quan, thuế triển khai chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tiếp tục tháo gỡ khó khăn, tạo mọi điều kiện thuận lợi về thủ tục hải quan, thuế, thương mại, thanh toán điện tử… cho các doanh nghiệp.

Ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Dịch bệnh đã tác động tiêu cực đến tình hình sản xuất và tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh. Giá cả hầu hết các loại sản phẩm chăn nuôi đều giảm, nhất là giá sản phẩm gia cầm giảm mạnh. Trước tình hình đó, ngành đã triển khai các giải pháp chủ động chỉ đạo sản xuất, lưu thông và cung ứng nông sản; xây dựng phương án bảo đảm cung ứng thực phẩm thiết yếu ngành nông nghiệp phục vụ phòng, chống dịch bệnh. Ngành tiếp tục phối hợp với Sở Công thương, Sở Giao thông - Vận tải để hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp vận chuyển nông sản thuận lợi hơn.

Ông Nguyễn Trường Thi, Phó Giám đốc Sở Công thương: Hiện các siêu thị trên địa bàn tỉnh luôn bảo đảm hàng hóa đầy đủ cung ứng cho người dân giá bình ổn. Sở đang tiếp tục triển khai mở rộng các điểm bán hàng thiết yếu và tăng cường chuyến xe lưu động, nhất là cung ứng thực phẩm cho 15 phường thực hiện “đông cứng, khóa chặt”. Trong thời gian tới, ngành xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch “Doanh nghiệp xanh, nhà trọ xanh và hệ thống thương mại - dịch vụ xanh” để tổ chức thí điểm sản xuất cho các doanh nghiệp trong khu, cụm công nghiệp và hệ thống chợ truyền thống trong tình hình mới.

THOẠI PHƯƠNG

Nguồn Bình Dương: http://baobinhduong.vn/dong-bo-cac-giai-phap-phan-dau-dat-muc-tang-truong-cao-nhat-a254829.html