Đồng bộ giải pháp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Để công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được thực thi có hiệu quả trong thực tế, cần có những giải pháp đồng bộ cả từ phía cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và sự thông thái từ chính người tiêu dùng.
Vi phạm vẫn tiếp diễn
Thời gian qua, với những nỗ lực hoàn thiện các quy định pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của nước ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực: nhận thức của cộng đồng về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được nâng lên rõ rệt; hệ thống cơ quan, tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được hình thành và không ngừng củng cố… Bên cạnh những kết quả đạt được, hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng vẫn diễn ra. Các hành vi vi phạm quyền của người tiêu dùng chủ yếu là sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng hết hạn sử dụng, vi phạm an toàn thực phẩm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không niêm yết giá bán và không bán theo giá niêm yết... gây thiệt hại về tài sản, ảnh hưởng tới sức khỏe của người tiêu dùng.
Thực tế, nhiều người tiêu dùng còn tâm lý e ngại, sợ va chạm, sợ phiền hà, rắc rối, chưa dám khiếu nại, khiếu kiện, dẫn đến quyền lợi của người tiêu dùng thường bỏ qua khi bị xâm hại. Nhất là tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng cao, nhận thức của người tiêu dùng vẫn còn hạn chế do thiếu thông tin, thiếu kiến thức và kỹ năng tiêu dùng cũng như hiểu biết về pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để có thể tự bảo vệ mình. Công tác bảo vệ quyền của người tiêu dùng khi mua hàng bằng phương thức thương mại điện tử cũng khó kiểm soát và xử lý hiệu quả, không ít người lúc nhận hàng thất vọng vì khác xa với rao bán; khi yêu cầu đổi hàng thì bên bán đưa ra nhiều lý do, thậm chí chặn số điện thoại.
Các đối tượng thường lợi dụng những thời điểm nhu cầu hàng hóa tăng cao, như dịp Tết Nguyên đán, Tết Trung thu, lợi dụng địa bàn vùng sâu, vùng xa, nhận thức của đa số người tiêu dùng còn hạn chế, địa bàn rộng để đối phó với lực lượng chức năng.Năm 2023, cơ quan chức năng đã kiểm tra 71.910 vụ, phát hiện, xử lý 52.349 vụ vi phạm (tăng 16% so với năm 2022). Đơn cử, tại TP. Hồ Chí Minh, tháng 12.2023, Cục Quản lý thị trường thành phố phối hợp Công an TP. Hồ Chí Minh khám xét hai kho hàng nghi nhập lậu trên đường Thành Thái, Quận 10. Qua kiểm tra ban đầu, cơ quan chức năng phát hiện hàng trăm nghìn sản phẩm các loại từ sữa, đến thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, cùng hàng trăm đôi giày nhãn hiệu Gucci, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, ước tính trị giá nhiều tỷ đồng.
Đẩy mạnh tuyên truyền đưa pháp luật vào cuộc sống
Với 7 chương, 80 điều, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 có nhiều điểm mới, đã quy định rõ hơn về quyền của người tiêu dùng. Theo đó, người tiêu dùng được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, bảo vệ thông tin. Quyền và lợi ích hợp pháp khác khi tham gia giao dịch, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp.
Tuy nhiên, bên cạnh chính sách đã được hoàn thiện, sửa đổi, các chuyên gia cho rằng: để công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được thực thi có hiệu quả trong thực tế, cần có những giải pháp đồng bộ cả từ phía cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và sự thông thái từ chính người tiêu dùng. Đặc biệt, cần đẩy mạnh tuyên truyền đưa pháp luật vào cuộc sống; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm những vi phạm; thiết lập và công khai số điện thoại đường dây "nóng", phát huy thế mạnh không gian mạng để tiếp nhận phản ánh, kiến nghị, yêu cầu của người tiêu dùng; tư vấn để người tiêu dùng có thể tự bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. Công khai các tổ chức, cá nhân vi phạm cho người tiêu dùng biết để tránh, thậm chí tẩy chay, loại bỏ những đối tượng làm ăn kiểu chộp giật, thiếu văn hóa trong sản xuất, kinh doanh.
Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam Vũ Văn Trung: Người tiêu dùng cần nâng cao nhận thức được quyền và trách nhiệm của mình. Bởi, khi người tiêu dùng hiểu biết chưa rõ ràng về quyền lợi của mình sẽ dễ dàng để đối tượng kinh doanh không đứng đắn gây tổn hại cho người tiêu dùng, mà bản thân họ không biết đến.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi cho rằng: Cần xác định rõ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, chứ không chỉ tập trung vào một cơ quan, một đơn vị. Cụ thể, bên cạnh công tác thực thi của các cơ quan Chính phủ thì các đơn vị của Quốc hội có trách nhiệm giám sát để kịp thời phát hiện, kiến nghị và có giải pháp điều chỉnh về mặt chính sách, lập pháp để không ngừng nâng cao hiệu lực của các quy định. Đặc biệt, quá trình thực thi Luật, các cơ quan, đơn vị cần thường xuyên đối thoại với doanh nghiệp, người dân để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện.