Đồng bộ hạ tầng đô thị
Với vai trò là đô thị trung tâm, hạt nhân của tỉnh, năm 2024 TP. Huế tiếp tục huy động mọi nguồn lực, triển khai nhanh các dự án (DA) để đầu tư hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thông minh góp phần cùng với cả tỉnh đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Chỉnh trang hạ tầng
Cùng với việc đầu tư hoàn thiện hạ tầng, năm 2024 TP. Huế tăng cường công tác quản lý nhà nước về đô thị theo hướng văn minh, hiện đại; đầu tư chỉnh trang hạ tầng đô thị, trong đó chú trọng nâng cao chất lượng theo hướng đồng bộ, hiện đại, thân thiện với môi trường góp phần phát triển du lịch, dịch vụ và kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố nói riêng và tỉnh nói chung.
Theo đó, chỉ đạo các ban ngành tiếp tục nâng cao chất lượng công tác quy hoạch (QH) và quản lý QL, tăng tỷ lệ phủ kín QH phân khu; tập trung phối hợp các sở, ban, ngành cấp tỉnh triển khai thực hiện các QH, kế hoạch, đề án trọng tâm của tỉnh, như: QH tỉnh giai đoạn 2021- 2030, định hướng đến năm 2050; QH chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045 và tầm nhìn đến 2065; đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở địa giới hành chính tỉnh.
Để thực hiện các nhiệm vụ trên, ngay từ đầu năm thành phố chủ động đề xuất, tìm kiếm, tạo điều kiện tối đa cho việc huy động các nguồn lực để đầu tư, chỉnh trang xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị Huế đồng bộ, văn minh, hiện đại, thông minh và bền vững. Trong đó, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện các DA nâng cấp đô thị Huế, DA trọng điểm, chỉnh trang đô thị của tỉnh, thành phố, đặc biệt là các DA di dời, giải phóng mặt bằng khu vực I di tích Kinh thành Huế; DA Cải thiện môi trường nước thành phố, các DA chỉnh trang công viên hai bờ sông Hương, nâng cấp mở rộng đường Bà Triệu...
Theo lãnh đạo UBND TP. Huế, năm 2024 thành phố tập trung huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để xây dựng, phát triển đô thị Huế theo mục tiêu xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; trong đó tập trung triển khai hiệu quả kế hoạch đầu tư công, đôn đốc, hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ và đưa vào sử dụng hiệu quả, đầu tư hoàn chỉnh, đồng bộ theo hướng hiện đại kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là hệ thống giao thông đô thị, kết nối liên vùng, có tính lan tỏa, tạo động lực phát triển.
Theo đó, tiếp tục xây dựng và triển khai thực hiện các đề án, kế hoạch về khai thác các cơ sở nhà đất trên địa bàn, kế hoạch xúc tiến thu hút nguồn lực đầu tư; đẩy mạnh việc đấu giá quyền sử dụng đất tạo nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng; tiếp tục cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh xã hội hóa xúc tiến thu hút mọi nguồn lực đầu tư. Mặt khác, rà soát các tiêu chuẩn của đơn vị hành chính cấp phường để thực hiện các DA đầu tư nâng cấp hạ tầng cho các xã để đủ điều kiện thành lập phường; tăng cường quản lý nhà nước về đô thị theo hướng văn minh, ứng dụng công nghệ thông tin, quản lý tổ chức giao thông, điểm đỗ xe các tuyến đường nội thị, đảm bảo trật tự an toàn giao thông.
Nhiều dự án được triển khai
Năm 2024, TP. Huế tiếp tục triển khai thực hiện công tác đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB) các DA, gồm DA di dời dân cư, GPMB khu vực 1 di tích thuộc quần thể di tích Cố đô Huế (phần mở rộng); Green City, tuyến đường bộ ven biển qua tỉnh và cầu qua cửa biển Thuận An, đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương...; DA Cải thiện môi trường nước (phần kết dư); DA TP. Huế Văn hóa và Du lịch thông minh; nâng cấp mở rộng đường Bà Triệu; các DA đầu tư hạ tầng kỹ thuật tạo nguồn quỹ đất…
Theo lãnh đạo UBND TP. Huế, năm 2024 có 94 danh mục DA theo chương trình công tác của thành phố, trong đó: QH gồm 19 danh mục DA; các DA trọng điểm gồm 7 danh mục DA; các DA khởi công mới gồm 23 danh mục DA; các DA dự kiến hoàn thành năm 2024 gồm 6 danh mục DA; các DA chuyển tiếp hoàn thành sau năm 2024 gồm 25 danh mục DA và các DA hạ tầng kỹ thuật đô thị khác gồm 14 danh mục DA.
Để thực hiện nhiệm vụ trên, thành phố tiếp tục đầu tư đồng bộ, chất lượng, hiệu quả sử dụng và đảm bảo mỹ quan đô thị cho từng DA, hạng mục, trong đó tập trung đầu tư các khu trung tâm thành phố, trung tâm các xã, phường và các trục nối từ trung tâm thành phố về trung tâm các xã, phường; nâng cao năng lực, chất lượng công tác thiết kế, lập quy hoạch.
Đối với công tác bồi thường hỗ trợ và tái định cư, tập trung hơn nữa công tác quản lý đầu tư xây dựng, đặc biệt là công tác đền bù GPMB, trong đó đẩy nhanh tiến độ thực hiện các DA trọng điểm của tỉnh, thành phố, ưu tiên các DA Cải thiện môi trường nước thành phố, các DA chỉnh trang hai bờ sông Hương và chỉnh trang đô thị Huế đã được UBND tỉnh phê duyệt, các DA có khối lượng GPMB lớn, phức tạp, như DA mở rộng đường Bà Triệu; đường dọc sông Như Ý thuộc khu B Đô thị mới An Vân Dương, đường dọc sông Nhất Đông thuộc khu B Đô thị mới An Vân Dương, DA hạ tầng khu tái định cư B5 phục vụ đường ven biển…