Đồng bộ hạ tầng, phát triển thương mại, dịch vụ
Thời gian qua, thành phố Việt Trì đã chú trọng xây dựng, phát triển hạ tầng thương mại đồng bộ, theo hướng văn minh, hiện đại. Đây là điều kiện thuận lợi, thúc đẩy lĩnh vực dịch vụ, đáp ứng nhu cầu mua sắm, vui chơi, giải trí của người dân trên địa bàn và các khu vực lân cận.
Siêu thị Coop.mart Việt Trì bày bán đa dạng các loại hàng hóa, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân.
Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 3 trung tâm thương mại đạt tiêu chuẩn, 8 siêu thị, 32 cửa hàng Winmart+, 22 cửa hàng có quy mô lớn, trên 27.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ. Chất lượng các ngành dịch vụ được cải thiện, thị trường hàng hóa đa dạng, chủng loại phong phú, giá cả ổn định. Thêm vào đó, thói quen mua sắm của người dân cũng dần thay đổi, các thông số kỹ thuật, hạn sử dụng, chế độ bảo hành và tính minh bạch về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa được người tiêu dùng quan tâm hơn.
Cùng với hạ tầng thương mại hiện đại, trên địa bàn Việt Trì có 18 chợ, trong đó có 2 chợ do doanh nghiệp quản lý, 16 chợ do UBND phường, xã quản lý. Hiện nay, các chợ: Bạch Hạc, Dữu Lâu, Tân Dân đang được các nhà đầu tư khảo sát, nghiên cứu đầu tư xây dựng. Nhờ tăng cường huy động, thu hút các nguồn vốn cho đầu tư phát triển chợ, qua các năm, diện mạo các chợ ngày càng thay đổi, nhiều chợ được chỉnh trang, cải tạo, nâng cấp về cơ sở hạ tầng, dụng cụ, thiết bị bảo quản, sơ chế, chế biến sản phẩm. Hệ thống thoát nước, điện, phòng cháy, chữa cháy được các doanh nghiệp, tiểu thương kinh doanh tại chợ trang bị, sửa chữa theo đúng quy định, đồng thời chú trọng sắp xếp các ngành, nhóm hàng khoa học, tạo điểm nhấn, thu hút tiểu thương và người dân đến trao đổi hàng hóa
Đồng chí Nguyễn Anh Dũng - Phó trưởng phòng Kinh tế thành phố Việt Trì cho biết: Từ sự đầu tư đồng bộ về hạ tầng đã tạo điều kiện cho lĩnh vực thương mại, dịch vụ phát triển, đảm bảo tính chuyên nghiệp trong phương thức, cách thức quản lý, vận hành và đặc biệt hơn là sự văn minh trong phong cách phục vụ. Trên cơ sở đó, hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn thành phố ngày càng phát triển, có mức tăng trưởng khá, tập trung ở ngành bán lẻ hàng hóa và các dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch, vận tải. Năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng toàn xã hội của thành phố ước đạt trên 26.600 tỷ đồng, bằng 114% so với cùng kỳ.
Có được kết quả trên là nhờ mạng lưới phân phối hàng hóa rộng khắp, chất lượng dịch vụ tăng cùng với sự phát triển của thương mại điện tử đã góp phần thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ hàng hóa trong và ngoài thành phố. Đồng thời, hiệu quả từ chính sách kích cầu tiêu dùng của Chính phủ, sự phục hồi và phát triển của du lịch, các dịch vụ cùng với hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại được tổ chức trên địa bàn, đặc biệt là trong dịp lễ, Tết.
Công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát thị trường, giá cả tại các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ trên địa bàn thành phố được thực hiện nghiêm túc. Trong năm 2024, thành phố đã phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành các đợt kiểm tra liên ngành về an toàn vệ sinh thực phẩm, hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại... với 214 cơ sở sản xuất, kinh doanh, trong đó phát hiện, xử lý 187 cơ sở có hành vi vi phạm. Số tiền phạt nộp ngân sách Nhà nước trên 880 triệu đồng, buộc tiêu hủy hàng hóa hơn 175 triệu đồng.
Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt trên 28.000 tỷ đồng, tăng bình quân 10%/năm trong giai đoạn 2021-2025, thành phố tiếp tục phát triển các ngành dịch vụ, nhất là dịch vụ phục vụ du lịch theo hướng ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại gắn với định hướng xây dựng thành phố lễ hội; tiếp tục duy trì, tạo điều kiện thuận lợi để các hộ kinh doanh nâng cao chất lượng dịch vụ tại các tuyến phố ẩm thực. Tăng cường thu hút đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng dịch vụ, du lịch đồng bộ; mời gọi các nhà đầu tư đủ năng lực khảo sát, xây dựng một số chợ trên địa bàn; tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư hoàn thành các dự án để đưa vào khai thác sử dụng trong thời gian sớm nhất.
Đồng thời, làm tốt công tác quản lý thị trường, chú trọng kiểm tra, giám soát hàng giả, hàng kém chất lượng, phát triển thị trường theo hướng ổn định và bền vững gắn với nhu cầu người tiêu dùng; tuyên truyền, vận động thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”...
Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/dong-bo-ha-tang-phat-trien-thuong-mai-dich-vu-225358.htm