Đồng bộ nhiều giải pháp
(HNM) - Vụ xuân có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với Hà Nội nói riêng và Đồng bằng Bắc Bộ nói chung - một khu vực đông dân, có nhu cầu rất lớn về lương thực, thực phẩm. Tuy nhiên, những năm gần đây, sản xuất vụ xuân phải đối mặt với nhiều thách thức do thời tiết bất thuận, nguy cơ hạn hán…
Thách thức lớn nhất với vụ xuân năm nay theo các chuyên gia nông nghiệp chính là nguồn nước. Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia đưa ra cảnh báo: Từ tháng 1 đến tháng 6-2020, nguồn nước trên các sông, suối khu vực Bắc Bộ tiếp tục thiếu hụt so với trung bình nhiều năm...
Để bảo đảm nguồn nước, hiện tại, Bộ NN&PTNT đã thông báo kế hoạch lấy nước phục vụ gieo cấy lúa vụ xuân 2020 tới các tỉnh, thành phố khu vực trung du và Đồng bằng Bắc Bộ gồm 3 đợt - tổng cộng 18 ngày (đợt 1 từ 0h ngày 20-1 đến 24h ngày 23-1; đợt 2 từ 0h ngày 5-2 đến 24h ngày 12-2; đợt 3 từ 0h ngày 19-2 đến 24h ngày 24-2). Với kế hoạch này, về cơ bản, các địa phương có thể hoàn thành việc lấy nước phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, vẫn có khoảng 2,5% diện tích, tương ứng 11.000ha ở Hà Nội, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc và Phú Thọ sẽ phải đối mặt với tình trạng khô hạn. Do vậy, Bộ NN&PTNT khuyến cáo các địa phương chủ động lấy nước ngay từ đợt đầu, tăng cường lấy nước ngược và sử dụng nguồn nước từ các hồ thủy lợi…
Chủ động đối phó với tình trạng thiếu nước sản xuất vụ xuân, những năm gần đây, Hà Nội đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng cải tạo hệ thống kênh mương, xây dựng các trạm bơm lấy nước ở các hệ thống sông, hồ trên địa bàn. Thời điểm này, thực hiện chỉ đạo của thành phố, các doanh nghiệp thủy lợi đã khẩn trương nạo vét kênh mương, sửa chữa, vận hành thử trạm bơm và hoàn thành lắp đặt trạm bơm dã chiến sẵn sàng tiếp nhận nguồn nước hồ thủy điện ngay từ đợt 1 để tích trữ vào hệ thống sông ngòi, ao hồ phục vụ người dân làm đất, gieo mạ…
Một thách thức lớn khác với vụ xuân là biến đổi khí hậu đang diễn ra nhanh hơn, mạnh hơn. Để ứng phó với thời tiết bất thuận, ngành Nông nghiệp Thủ đô đã chủ động chỉ đạo các địa phương giảm tối đa các giống dài ngày nhóm xuân sớm, mở rộng diện tích giống ngắn ngày, trà xuân muộn. Hiện tại, với những thành quả trong nghiên cứu, chọn tạo, chúng ta đã có bộ giống ngắn ngày với khả năng kháng bệnh, năng suất cao, chất lượng tốt. Trong đó phải kể đến giống lúa Japonica, các loại giống Bắc Thơm số 7, Kim Cương 111... được nông dân Hà Nội lựa chọn cho vụ xuân với kỳ vọng mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Mặt khác, cùng với việc đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng như khuyến khích ứng dụng kỹ thuật cấy lúa theo phương pháp SRI (kỹ thuật canh tác lúa cải tiến), khung thời vụ cũng đặc biệt được chú trọng. Dựa trên các nghiên cứu về khung thời vụ và hệ thống số liệu khí tượng những năm gần đây, ngành Nông nghiệp Thủ đô đã khuyến cáo nông dân, với vụ xuân năm nay, việc gieo cấy lúa tập trung sau Tết Nguyên đán, bắt đầu sau tiết lập xuân (từ ngày 3-2 đến 5-3-2020), còn với rau màu, tập trung gieo trồng trong tháng 2 và đầu tháng 3-2020…; đồng thời yêu cầu các địa phương nắm vững tiến độ và tình hình sản xuất, tăng cường dự báo tình hình sâu, bệnh…
Ở thời điểm này, một việc không kém quan trọng là các cơ quan chức năng cần kiểm tra, hướng dẫn cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp để bảo đảm chất lượng, chủng loại giống, vật tư phục vụ cho sản xuất vụ xuân.
Với sự chủ động của ngành chức năng, địa phương trong việc triển khai đồng bộ các giải pháp như kể trên; cùng sự vào cuộc tích cực của bà con nông dân trong việc tích trữ nước, làm đất, gieo mạ, chuẩn bị sẵn sàng vật tư nông nghiệp..., hy vọng vụ xuân năm nay sẽ thắng lợi.
Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/luan-ban-hanh-dong/955614/dong-bo-nhieu-giai-phap