Đồng bộ nhiều giải pháp trong thực hiện tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát biển Việt Nam
Sáng 29-1, Bộ tư lệnh Cảnh sát biển tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết Đề án 'Tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát biển Việt Nam giai đoạn 2019-2023'. Trung tướng Bùi Quốc Oai, Chính ủy Cảnh sát biển chủ trì hội nghị.
Báo cáo tại hội nghị do Đại tá Lê Huy, Phó chủ nhiệm Chính trị Cảnh sát biển đánh giá: Sau 5 năm triển khai thực hiện Đề án, nội dung cơ bản của Luật Cảnh sát biển Việt Nam và Nghị định số 61/2019/NĐ-CP ngày 10-7-2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cảnh sát biển Việt Nam đã được quán triệt, tuyên truyền đến đa số cán bộ, chiến sĩ và nhân dân; nhận thức về đường lối chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quản lý bảo vệ chủ quyền biển, đảo; nhận thức về vị trí, vai trò chức năng, nhiệm vụ của Cảnh sát biển Việt Nam của cán bộ, chiến sĩ và các tầng lớp nhân dân đã có chuyển biến tích cực, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, động viên ngư dân hăng hái vươn khơi, bám biển, tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh, trật tự, an toàn trên biển...
Qua 5 năm, toàn lực lượng Cảnh sát biển đã biên soạn, in, phát hành đến các đối tượng được hơn 176.000 cuốn Luật Cảnh sát biển Việt Nam; có hơn 829.000 lượt người tham gia thi trực tuyến và hơn 2.000 bài thi trực tiếp cuộc thi “Đưa luật Cảnh sát biển Việt Nam vào cuộc sống”; tổ chức 420 hội nghị tuyên truyền Luật Cảnh sát biển Việt Nam cho hơn 8.400 lượt người; duy trì 120 tủ sách pháp luật với hơn 450 đầu sách, tài liệu có nội dung tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật.
Toàn lực lượng đã phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền các địa phương tổ chức 334 chương trình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” cho hơn 16.700 người tham gia; tổ chức 84 cuộc thi “Em yêu biển đảo quê hương” tại 283 trường với 113.400 lượt học sinh tham gia...
Các tham luận tại hội nghị cũng tập trung nêu bật những thuận lợi, khó khăn và kinh nghiệm trong thực hiện Đề án đó là: Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của cấp ủy, chỉ huy các cấp trong triển khai thực hiện Đề án; phát huy vai trò của hội đồng phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp trong xây dựng, triển khai kế hoạch tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát biển Việt Nam sâu rộng, toàn diện ở các cấp...
Các tham luận cũng cho rằng, quá trình tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát biển Việt Nam cần phải xác định, lựa chọn, phân loại đối tượng, xác định nội dung trọng tâm, tổ chức biên soạn tài liệu phù hợp với tình hình thực tế từng địa bàn, từng đối tượng tuyên truyền. Phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương chủ động cử báo cáo viên, tuyên truyền viên đến trực tiếp các khu dân cư, âu thuyền, bến tàu để tuyên truyền cho ngư dân, kết hợp tổ chức các hoạt động an sinh xã hội...
Tại hội nghị, Bộ tư lệnh Cảnh sát biển đã khen thưởng 46 tập thể, 61 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Đề án tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát biển Việt Nam giai đoạn 2019-2023.
Tin, ảnh: CHU ANH
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.