Đồng bộ từ cơ chế, chính sách đến nhân sự
Năm 2022, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, GDP nước ta tăng 8,02% - mức tăng cao nhất kể từ năm 2011. Quy mô nền kinh tế nâng lên mức 409 tỷ USD; kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân cả năm tăng 3,15%...
Cũng trong năm 2022, đã có 148.500 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 27,1%. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động cũng tăng 38,8% so với năm 2021, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong năm 2022 lên 208.300 doanh nghiệp, tăng 30,3% so với năm 2021...
Năm nay, theo dự báo của Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kinh tế nước ta có thể diễn ra theo 2 kịch bản. Thứ nhất, tăng trưởng có thể chỉ ở mức 6 - 6,2% nếu các yếu tố rủi ro lấn át xu hướng phục hồi đã thiết lập trong năm 2022. Kịch bản thứ hai được đánh giá khả quan hơn đó là tăng trưởng có thể đạt mức 6,5 - 6,7% trong điều kiện quá trình phục hồi diễn ra thuận lợi hơn, các tác động từ bối cảnh quốc tế không quá lớn.
Thực tế trong quá trình phục hồi và phát triển luôn có cả thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức. Cho nên, điều quan trọng là phải nắm bắt cơ hội, đánh giá kỹ lưỡng, khoa học những khó khăn, thách thức để có giải pháp phù hợp.
Với nước ta, để làm được điều này, nhiều ý kiến cho rằng, trước tiên Chính phủ cần có giải pháp đồng bộ từ cơ chế, chính sách đến bộ máy nhân sự. Tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế cũng như tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh.
Cùng với đó, chính sách tiền tệ phải được điều hành chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng và các chính sách khác. Các công cụ chính sách vĩ mô phải được điều hành kịp thời, cân bằng, hợp lý, hiệu quả giữa tỷ giá với lãi suất, giữa kiểm soát lạm phát với thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phù hợp với thực tiễn.
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số. Xây dựng, hoàn thiện thể chế và nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật. Cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Thực hiện thực chất, hiệu quả cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, tính độc lập, tự chủ, khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế.
Ngoài ra, phải đặc biệt chú trọng đến phát triển, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu, hạ tầng số. Tập trung bảo vệ môi trường, quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên. Chú trọng phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao.
Những kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 là tiền đề, là nền tảng quan trọng để tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ trong năm 2023 và những năm tiếp theo. Tuy nhiên, để tăng trưởng nhanh, bền vững, cần sự quyết tâm, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành. Đồng thời tập trung xử lý hiệu quả các nhiệm vụ thường xuyên, các vấn đề tồn đọng kéo dài. Kịp thời ứng phó và ứng phó hiệu quả với những vấn đề cấp bách, bất ngờ phát sinh trong ngắn hạn, thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp mang tính căn cơ trong trung và dài hạn.