Dòng chảy nhạc Trịnh hôm nay
Mặc dù không có những đêm nhạc rầm rộ như mọi năm nhưng dịp 1/4 năm nay, vẫn có khá nhiều chương trình tưởng nhớ Trịnh Công Sơn qua hình thức phát trực tuyến qua mạng. Nhạc Trịnh vẫn chảy trong huyết quản của các thế hệ ca sĩ hôm nay theo những cách cảm nhận riêng của mỗi người. Tất cả đều ra sức sáng tạo trên cơ sở trân trọng những giá trị vừa đại chúng vừa riêng biệt mà nhạc sĩ đã tạo nên.
Làm mới nhạc Trịnh
Hà Lê là một gương mặt cấp tiến bước đầu thành công trong việc đưa nhạc Trịnh vào giới trẻ, đồng thời cũng được lòng khá đông đảo công chúng bởi những đột phá táo bạo nhưng vẫn tinh tế trong cách hát, cách phối khí. Sau khi ra 3 MV nhạc Trịnh, Hà Lê và ê-kip đang hoàn tất 4 bài tiếp theo cho album dự kiến cuối tháng Tư này. Anh cho hay: “Nếu muốn tôi có thể ra album được luôn nhưng vẫn còn quá nhiều tiểu tiết phải làm làm cho kỹ để tạo không gian hợp lý, khiến mọi người hình dung mọi thứ rõ ràng hơn”.
Dịch bệnh không cho phép đi diễn cũng tạo điều kiện cho anh có thời gian trau chuốt các bản thu và tiếp tục nghiền ngẫm, cảm nhận thêm xem những gì mình đã làm đã “đúng”, đã “đi vào lòng người” chưa. Anh chia sẻ: “Có những sáng tạo của mình hơi mới quá, cũng phải cân đối sao cho phù hợp.” Hiện anh đang băn khoăn với bản thu thử của Nhớ mùa thu Hà Nội. Tất nhiên người nghe vẫn nhận ra bài hát quen thuộc của Trịnh Công Sơn nhưng câu kết được hát đầu tiên sau đoạn Rap và trở thành điệp khúc, còn đầu bài lại biến thành kết, chưa kể những biến báo về giai điệu, tiết tấu... Những nhớ nhung về Hà Nội của người hát và tác giả sẽ được kết nối lồng ghép trong MV đã được lên ý tưởng.
Sau khi quay MV cả 7 bài hát, đến lượt liveshow. Trong liveshow sẽ giới thiệu một phần âm nhạc của dự án tiếp theo: nhạc kịch Trịnh Công Sơn. Mặc dù có hãng Sony hậu thuẫn, nhưng anh cho hay dự án này vẫn cần phải xin tài trợ để có thể tổ chức tuyển lựa và đào tạo diễn viên: “Ý tưởng có rồi, chúng tôi đang xây dựng kịch bản. Cách làm cũng có rồi, vấn đề chỉ phụ thuộc vào tài lực và con người.” Anh tiết lộ, nhạc kịch sẽ sử dụng trích đoạn những ca khúc nổi tiếng của Trịnh Công Sơn phù hợp với một kịch bản tươi mới, hiện đại, gần gũi với hôm nay.
Nhạc Trịnh trong thời điểm đặc biệt này cũng đem lại cho Hà Lê những chiêm nghiệm mới: “Khi làm Ở trọ, tôi mới thấy tại sao nhạc sĩ có một nhân sinh quan hay như thế mà lại rất tự nhiên. Hát bài đấy rồi thấy đúng là cuộc sống cũng vô thường, mình cũng không cần phải quá nặng nề nhiều vấn đề. Mình thấy nhẹ nhõm hơn nhiều”.
Thiền trong nhạc Trịnh
Ai từng xem Mạc Thủy trên sân khấu hẳn đều có ý nghĩ, cô sinh ra là để hát nhạc Trịnh. Trong tà áo dài giản dị, cô toát lên vẻ an nhiên hiếm có từ giọng hát đến phong thái. Vậy nhưng một số tín đồ nhạc Trịnh vẫn cho rằng cô cần phải lạnh hơn nữa, khàn hơn nữa… cho thật Khánh Ly thì mới ra chất nhạc Trịnh(?)
“Những yêu cầu chủ quan kiểu như vậy chứng tỏ mọi người mới nhìn thấy phần ngọn chứ không xuất phát từ gốc. Tôi sẽ hát với những gì hồn nhiên nhất có thể để mọi người nghe thấy đúng là Mạc Thủy. Cách hát của tôi trước đây nếu có hơi theo lối mòn thì cũng là đương nhiên, vì mình phải dựa trên cơ sở tiền bối”, để chuyển hóa nhạc Trịnh thành cái của mình, Thủy tâm niệm: “Ngày xưa Trịnh Công Sơn sáng tác cho Khánh Ly hát. Còn bây giờ tôi coi như ông sáng tác cho tôi, để tôi hát bằng cuộc đời và suy nghĩ của tôi”.
Mặc dù phải lòng nhạc Trịnh ngay từ khi nghe Tuổi đá buồn qua giọng Khánh Ly khi mới bắt đầu bước chân vào học tại trường Nghệ thuật Quân đội, nhưng Thủy vẫn cân nhắc nhiều trước khi ra album nhạc Trịnh đầu tiên cho mình. Đây cũng sẽ là album nhạc Trịnh đầu tiên sau 1975 dưới dạng băng cối. Đĩa than nhạc Trịnh thì đã có Giang Trang và Đồng Lan (Lan còn là người đầu tiên hát nhạc Trịnh bằng tiếng Pháp). Mạc Thủy đã phát hành loạt băng cối tên Hoài niệm đánh số từ 1 đến 3 với các nhạc phẩm của Phạm Duy, Trần Thiện Thanh, Trúc Phương, Lam Phương… phát hành hạn chế trong cộng đồng chơi âm thanh.
Thủy nhớ lại: “Khi còn là sinh viên năm nhất, tôi đã hát Diễm xưa, Như cánh vạc bay… ở quán. Đầu tiên hát vì thích giai điệu. Về sau hiểu thêm ngôn ngữ trong bài hát, thường gắn với nhiều câu chuyện ý nghĩa như tiếng động nào gõ nhịp khôn nguôi, là tiếng gõ quan tài, hay vết mực viết nào xóa bỏ không hay là mực viết trên giấy khai sinh…”.
Cũng làm nên tên tuổi từ dòng nhạc xưa, cũng dè dặt chưa dám hát Trịnh Công Sơn một cách hệ thống là Tuấn Hiệp. “Nhạc Trịnh mênh mông, tôi chưa dám đụng tới,” anh nói. “Nhiều bài của các nhạc sĩ khác có thể hát theo phong cách thính phòng, bán cổ điển nhưng nhạc Trịnh đố hát được bài nào theo kiểu đó! Được đào tạo nhiều năm về opera như chúng tôi hướng tới sự đơn giản hát như trò chuyện trên khuông nhạc kiểu Khánh Ly đôi khi rất khó khăn. Tôi từng được mời hát nhạc Trịnh ở các chương trình lớn nhưng để khẳng định mình trong một dự án riêng thì vẫn còn phải suy tính”.
Anh nhận thấy, nhạc Trịnh Công Sơn đơn giản về cấu trúc, dễ nghe, dễ nhớ, dễ nhận diện. Nhưng tất nhiên để đạt được một loại những cái dễ như vậy phải là một tài năng lớn, tâm hồn lớn cùng một tư duy… phức tạp. Tuấn Hiệp cho rằng trong mỗi giai đoạn, Trịnh Công Sơn đều có những đóng góp lớn bằng âm nhạc. Anh đánh giá cao cách “tuyên truyền” rất riêng của nhạc sĩ qua những bài như Nối vòng tay lớn, Ta thấy gì trong đêm nay hay vệt Ca khúc Da vàng: “Ít người được như Trịnh Công Sơn, có thể truyền cảm hứng cho tất cả mọi người, ở bất kỳ thời kỳ nào”.
Livestream tưởng nhớ Trịnh Công Sơn
Hát cho những ai ở trong nhà là tên gọi “buổi livestream thân mật” của Đức Tuấn diễn ra 21h tối nay 1/4 tại fanpage của anh. Anh tiết lộ sẽ hát cùng một khách mời đặc biệt (hai người giữ đúng khoảng cách 2m) trong một không gian rất Trịnh. Ca sĩ sẽ hát hoàn toàn mộc (không tăng âm) trên nhạc nền có sẵn hoặc không cần nhạc. Tối qua, một đêm nhạc Trịnh không có khán giả tại chỗ khác cũng được livestream từ quán Trịnh Ca ở Tô Hiệu, Hà Nội với sự tham gia của các ca sĩ và ban nhạc tổng cộng dưới 10 người. Tại TPHCM, ca sĩ Tuấn Hiệp cũng đang lên kế hoạch cho lần đầu tiên livestream cùng một nghệ sĩ guitar vào tối 9/4 để tưởng nhớ cả Trịnh Công Sơn và Nguyễn Ánh 9.
“Đời sống của tôi có sự đồng điệu nhất định với Trịnh Công Sơn vì tôi cũng là cư sĩ theo Thiền tông. Tôi dễ dàng cảm nhận được những gì ông nói, như thể đồng môn, chứ cũng không mất thời gian để ngạc nhiên, ấn tượng. Nếu có tu tập, bạn sẽ thấy những điều ông nói bằng cái tôi và những cái không tôi rất hay, rất dễ hiểu”.
Ca sĩ MẠC THỦY
Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/van-hoa/dong-chay-nhac-trinh-hom-nay-1634411.tpo