Dòng chảy Phương Bắc 2: công ty Naftogaz của Ukraine được tham gia quá trình cấp giấy chứng nhận
Cơ quan quản lý của Đức vừa cho phép công ty cổ phần quốc gia Naftogaz của Ukraine và Hệ thống Vận chuyển Khí đốt Ukraine (GTS Ukraine) tham gia quy trình cấp giấy chứng nhận cho dự án Dòng chảy Phương Bắc 2.
"Cơ quan Mạng lưới Liên bang Đức (BNetzA) thông báo họ đã đồng ý cho phép công ty cổ phần quốc gia Naftogaz của Ukraine và Hệ thống Vận chuyển Khí đốt Ukraine (GTS Ukraine) tham gia quá trình cấp giấp phép hoạt động cho dự án Dòng chảy Phương Bắc 2” - tuyên bố được BnetzA đưa ra hôm 15/11 nêu rõ.
Trước đó, hôm 22/10, Reuters đưa tin công ty Naftogaz và GTS Ukraine đã nộp đơn đăng ký tham gia quá trình cấp giấy chứng nhận vận hành tuyến đường ống khí đốt Dòng chảy Phương Bắc 2 (Nord Stream 2 ) của Nga.
Cơ quan quản lý năng lượng của Đức hồi tháng 9 cho biết họ có bốn tháng để hoàn thành chứng nhận Nord Stream 2 sau khi nhận được tất cả các tài liệu cần thiết cho giấy phép hoạt động của Nord Stream 2 AG.
Phát biểu bên lề một hội nghị ở Abu Dhabi, Tổng giám đốc công ty Naftogaz Yuri Vitrenko nói rằng tuyến đường ống dẫn khí đốt của Nga không thể được chứng nhận, vì nó không đảm bảo tuân thủ đầy đủ các quy định luật pháp của Liên minh châu Âu (EU).
Ông Vitrenko cho biết Ukraine sẽ mất thiệt hại khoảng 2 tỷ USD mỗi năm, chiếm 1,5% GDP của nước này nếu dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 được chính thức vận hành.
Theo ông Vitrenko, việc cấp giấy chứng nhận cho Dòng chảy phương Bắc 2 sẽ gây tổn hại đến sự cạnh tranh tại thị trường châu Âu, cụ thể là ở các thị trường Đức, Slovakia, Hungary, CH Czech và Áo.
Nord Stream 2 AG - nhà điều hành dự án, hôm 18/10 thông báo, chuỗi đầu tiên của đường ống Dòng chảy Phương Bắc 2 đã hoàn tất việc lấp đầy 177 triệu mét khối khí để kiểm tra kỹ thuật.
Dòng chảy phương Bắc 2 là dự án hợp tác giữa tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga cùng các công ty châu Âu là Uniper và Wintershall. Tuyến đường ống dẫn khí đốt từ Nga qua biển Baltic đến Đức với chiều dài 1.234km được xây dựng với công suất 55 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm và tổng số tiền đầu tư ước tính khoảng 11 tỷ USD.
Chính quyền Mỹ từng kịch liệt phản đối dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 khi cho rằng việc xây dựng tuyến đường ống khí đốt này khiến làm gia tăng sự phụ thuộc của châu Âu vào năng lượng từ Nga.
Ba Lan và Ukraine cũng không đồng ý với việc thực hiện dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 của Nga với lý do lo ngại về an ninh năng lượng. Chính quyền Kievv lo ngại rằng việc vận hành tuyến đường ống khí đốt này sẽ khiến Ukraine thiệt hại kinh tế do mất nguồn thu từ việc trung chuyển khí đốt của Nga.
Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin và các nhà lập pháp tại Đức nhiều lần khẳng định Nord Stream 2 đơn thuần là một dự án kinh tế./.