Dòng chảy Phương Bắc 2: Mỹ áp lệnh trừng phạt mới với 3 thực thể và hàng chục tàu Nga
Mỹ vừa thông báo áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với các công ty và hàng chục tàu của Nga liên quan đến dự án Dòng chảy Phương Bắc 2.
Bộ Tài chính Mỹ hôm 21/5 cho biết, nước này tiếp tục áp đặt lệnh trừng phạt đối với 3 tổ chức và các tàu của Nga tham gia xây dựng tuyến đường ống Dòng chảy phương Bắc 2.
Theo đó, Bộ Tài chính Mỹ đã công bố danh sách đen gồm 13 tàu biển và 3 thực thể của Nga bị Washington trừng phạt vì tham gia dự án Dòng chảy Phương Bắc 2, đưa khí đốt từ Nga sang Đức, theo Đạo luật Bảo vệ an ninh năng lượng của châu Âu (PEESA) ban hành năm 2019.
Các tàu nằm trong danh sách đen gồm: Tàu rải ống Akademik Cherskiy, tàu hỗ trợ Artemis Offshore và tàu hậu cần Baltic Explorer; các tàu trục vớt Bakhtemir, Murman và Spasatel Karev của MorSpas; các tàu kéo Finval, Kapitan Beklemishev, Narval, Sivuch và Umka cũng như các tàu kéo xử lý neo Vladislav Strizhov và Yury Topchev.
Đồng thời, Bộ Tài chính Mỹ cho phép hoạt động của tàu “Morspasluzhba” vì không liên quan đến việc xây dựng Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ và Dòng chảy phương Bắc 2.
Ngoài ra, ba tổ chức của Nga Nga có liên quan đến việc thực hiện dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 cũng nằm trong danh sách bị áp đặt lệnh trừng phạt gồm: Dịch vụ Cứu hộ Hàng hải của Cơ quan Ngân sách Nhà nước Liên bang (Morspassluzhba), Dịch vụ Cứu hộ hàng hải Mortransservice, Quỹ Tài sản Nhiệt và Điện Samara.
Được biết, quyết định trừng phạt Nord Stream 2 được đưa ra sau cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và người đồng cấp Nga Sergey Lavrov ở Iceland.
Trước đó, Ngoại trưởng Antony Blinken hôm 19/5 xác nhận rằng Washington không áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nord Stream 2 AG - nhà điều hành Dòng chảy Phương Bắc 2 và giám đốc điều hành Matthias Warnig là vì "các lợi ích quốc gia của Mỹ".
Trong tuyên bố đưa ra hôm 19/5, Ngoại trưởng Blinken nói rằng Mỹ sẽ "tiếp tục phản đối việc hoàn thành tuyến đường ống khí đốt Dòng chảy Phương Bắc 2 - dự án sẽ làm suy yếu an ninh năng lượng của châu Âu, Ukraine và các nước NATO”.
Mỹ và một số nước châu Âu lo ngại rằng, dự án này sẽ khiến Đức và Liên minh châu Âu (EU) phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt từ Nga. Tuy nhiên, EU và đặc biệt là Đức, đã nhiều lần lên tiếng bảo vệ Dòng chảy Phương Bắc 2, bất chấp các biện pháp trừng phạt mà Mỹ đưa ra nhằm vào dự án này.
Nhiều nhân vật chính trị Đức lên án lệnh trừng phạt, cho rằng Washington không phải là người đưa ra quyết định về an ninh năng lượng của châu Âu.
Moscow coi các biện pháp đối phó với dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 là ví dụ điển hình về cạnh tranh không lành mạnh, đồng thời khẳng định nó hoàn toàn là một dự án kinh tế.