Dòng chảy Phương Bắc 2: Nghị sĩ Mỹ muốn tiếp tục trừng phạt, Nga 'kiên nhẫn' chờ được vận hành
Một nhóm nghị sỹ đảng Cộng hòa gây sức ép để Tổng thống Mỹ áp lệnh trừng phạt mới với dự án Dòng chảy Phương Bắc 2, trong khi Nga vẫn đang 'ngóng' giấy chứng nhận từ Cơ quan Mạng lưới Liên bang Đức.
Hãng tin DW của Đức hôm 9/11 cho biết một nhóm nghị sỹ đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mỹ đã đề xuất sửa đổi đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) để buộc Tổng thống Joe Biden thực hiện các biện pháp trừng phạt đối với tuyến đường ống khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2.
Nhóm thượng nghị sỹ, do chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ Jim Risch dẫn đầu, cho rằng, dự án Dòng chảy phương Bắc 2, đưa khí đốt từ Nga sang Đức qua biển Baltic, sẽ gây tổn hại tới các đồng minh của Mỹ tại châu Âu, trong đó có Ukraine.
Tổng thống Joe Biden đã dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt đối với dự án này hồi đầu năm nay như một phần của thỏa thuận với Thủ tướng Đức Angela Merkel. Hồi tháng 10 vừa qua, tập đoàn năng lượng quốc gia Nga Gazprom thông báo rằng tuyến đường ống Dòng chảy Phương Bắc 2 đã hoàn thành và sẵn sàng cung cấp khí đốt cho châu Âu ngay sau khi được cấp phép.
Tuy nhiên, Thượng nghị sỹ Jim Risch nói rằng Nga đã dừng việc vận chuyển khí đốt qua Ukraine sau khi Tổng thống Biden dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt, đồng thời tăng cường hiện diện quân sự tại khu vực biên giới với Ukraine.
Thượng nghị sĩ Rob Portman của bang Ohio, người ủng hộ việc sửa đổi NDAA, nhấn mạnh rằng việc áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với dự án hợp tác khí đốt Nga - Đức sẽ giúp đảm bảo an ninh năng lượng của châu Âu.
Ngoài Ukraine, Ba Lan - một quốc gia thành viên khác của EU cũng cho rằng, dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 sẽ gây bất lợi cho an ninh năng lượng của châu Âu. Tuy nhiên, phía Đức khẳng định việc cấp phép cho dự án này sẽ không ảnh hưởng đến nguồn cung cấp năng lượng cho khu vực.
Trong một diễn biến liên quan, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 8/11 cho biết hiện chưa có mốc thời gian cụ thể để khai trương tuyến đường ống Dòng chảy Phương Bắc 2, đồng thời lưu ý rằng điều này cần phải có thời gian. “Đây là dự án quan trọng sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng của châu Âu”- ông Peskov cho hay.
Theo người phát ngôn Điện Kremlin, hiện nay cần phải chờ cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận cho tuyến đường ống khí đốt của Nga.
Trước đó, hôm 6/11, lãnh đạo đảng Liên minh xã hội Cơ đốc giáo (CSU), Thủ hiến bang Bavaria của Đức, ông Markus Söder đã bày tỏ tin tưởng việc đưa tuyến đường ống Dòng chảy Phương Bắc 2 vào hoạt động sớm sẽ giúp điều chỉnh giá khí đốt, vốn rất quan trọng đối với Đức trước thềm mùa đông lạnh giá.
Cơ quan quản lý của Đức đã bắt đầu quá trình chứng nhận cho tuyến đường ống dẫn khí đốt của Nga vào tháng 9 vừa qua. Theo Cơ quan Mạng lưới Liên bang Đức(BNetzA), việc này sẽ mất 4 tháng, sau đó dự án sẽ được gửi tới Ủy ban châu Âu.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết, Nga dự kiến dự án sẽ được chấp thuận vào đầu năm 2022.
Truyền thông phương Tây cho rằng quyết định khai trương tuyến đường ống dẫn khí đốt có thể được thông qua không sớm hơn đầu tháng 5/2022, vì Ủy ban châu Âu có thể xem xét dự án trong 4 tháng.
Trong khi đó, Ukraine đang yêu cầu tham gia vào quá trình cấp giấy chứng nhận cho tuyến đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2. Theo Thư ký báo chí của BNetzA Fiete Wulff, Ukraine đang yêu cầu tham gia vào quá trình cấp giấy chứng nhận cho dự án Dòng chảy Phương Bắc 2. Ông Wulff thông báo: “Cơ quan Mạng lưới Liên bang Đức có thể xác nhận Công ty cổ phần quốc gia Naftogaz của Ukraine và Hệ thống Vận chuyển Khí đốt Ukraine (GTS Ukraine) đã nộp đơn xin được mời tham gia quy trình (cấp giấy chứng nhận)”.
BNetzA hiện vẫn chưa quyết định liệu Ukraine có được tham gia vào quá trình cấp giấy chứng nhận cho Dòng chảy phương Bắc 2 hay không./.