Dòng chảy Phương Bắc 2 sẽ được thực hiện dù Đan Mạch có thể không cấp phép
Tuyến đường ống khí đốt Dòng chảy Phương Bắc 2 đang bị trì hoãn do Đan Mạch chưa cấp phép đặt ống trong vùng đặc quyền kinh tế nước này.
Chủ tịch hội đồng quản trị tập đoàn năng lượng Gazprom Victor Zubkov cho biết, dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 của Nga chạy dưới biển Baltic sẽ được hoàn thành dù được phép đi qua vùng lãnh hải của Đan Mạch hoặc không cần đi qua vùng biển Đan Mạch nếu cần thiết.
Tuyến đường ống đưa khí đốt từ Nga sang châu Âu hiện đã hoàn thành được 83% trong chiều dài đường ống hơn 2.000 km và đang chờ chính phủ Đan Mạch “bật đèn xanh” chạy qua vùng lãnh hải nước này.
“Hiện tại, Gazprom chưa nhận được quyết định cấp phép thực hiện tuyến đường ống từ chính phủ Đan Mạch sau 2 năm gửi đề nghị” - ông Zubkov cho biết tại Tuần lễ năng lượng Nga giữa tuần qua.
Ông Zubkov lưu ý rằng vấn đề chậm trễ cấp phép cho Dòng chảy Phương Bắc 2 của Đan Mạch liên quan đến vấn đề địa chính trị. “Đan Mạch nên hiểu rằng không có lý do khách quan nào để từ chối cấp phép cho Dòng chảy Phương Bắc 2. Nếu họ không cấp giấy phép xây dựng, chúng tôi sẽ bỏ qua vùng đặc quyền kinh tế của Đan Mạch.
“Thời gian thực hiện dự án sẽ dài hơn, tốn kém hơn nhưng đây là nguồn cung khí đốt tự nhiên quan trọng cho châu Âu”, ông Zubkov nói.
Dự án Dòng chảy Phương Bắc đã bị trì hoãn do thiếu sự cho phép đặt ống trong vùng đặc quyền kinh tế của Đan Mạch. Ngoài cản trở từ Đan Mạch, Dòng chảy Phương Bắc 2 có thể sẽ phải đối mặt với các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Trước đó, hôm 3/10, Tổng thống Nga Vladimir Putin kêu gọi Đan Mạch bỏ qua áp lực của Mỹ và cần chứng tỏ chủ quyền bằng cách cho phép tuyến đường ống Dòng chảy Phương Bắc 2 đi qua lãnh thổ của mình.
Việc dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 bị trì hoãn trong bối cảnh thỏa thuận vận chuyển khí đốt của Nga với Ukraine sẽ hết hạn vào cuối năm nay, làm dấy lên mối lo ngại về nguồn cung của châu Âu trong mùa đông này. Châu Âu đã cùng với Nga và Ukraine tham gia các vòng đàm phán về việc tiếp tục cung cấp quá cảnh khí đốt từ Nga sang Đức qua nước này sau năm 2019./.