Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm dự Hội nghị Hội đồng điều phối vùng trung du, miền núi phía Bắc
Sáng 15-9, tại tỉnh Hòa Bình đã diễn ra Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Trung du và miền núi phía Bắc lần thứ nhất. Đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị.
Đại biểu tỉnh Tuyên Quang tham dự hội nghị có các đồng chí: Chẩu Văn Lâm, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Nguyễn Mạnh Tuấn, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Tham dự Hội nghị có lãnh đạo, đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo 14 tỉnh vùng Trung du và miền núi phía bắc, gồm: Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Phú Thọ, Bắc Giang, Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên.
Hội đồng điều phối được thành lập theo Quyết định số 975/QĐ-TTg ngày 19/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ, do Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang làm Chủ tịch, nhằm đổi mới cơ chế điều phối vùng, thúc đẩy phát triển xanh, bền vững và toàn diện vùng Trung du và miền núi phía bắc.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh, việc phát triển vùng hiện nay có thuận lợi hơn nhờ cơ sở chính trị và pháp lý là Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 81/2023/QH15 ngày 9/1/2023 của Quốc hội về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Phó Thủ tướng đề nghị các đại biểu từ các địa phương tập trung thảo luận 3 nhóm nội dung: Những vướng mắc liên quan đến việc kết nối, nhất là về giao thông giữa các địa phương; chia sẻ nguyên tắc trong việc thu hút đầu tư; hiến kế các giải pháp về thể chế để vùng vượt qua những khó khăn, vướng mắc. Trên cơ sở các ý kiến của địa phương, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành phản hồi về những nhóm cơ chế có thể giúp các địa phương khắc phục được ngay khó khăn, vướng mắc, hoặc gợi mở cách gỡ vướng để Hội nghị thu được kết quả thiết thực.
Tại hội nghị, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cơ quan Thường trực của Hội đồng điều phối trình bày báo cáo về một số nội dung liên quan đến cơ chế, chính sách đặc thù phát triển vùng Trung du và miền núi phía Bắc và kết quả hoạt động của Hội đồng điều phối những tháng cuối năm 2023.
Tham gia phát biểu thảo luận tại hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm khẳng định: Thực hiện những chủ trương, định hướng Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 96 của Chính phủ, tỉnh Tuyên Quang đã sớm ban hành chương trình hành động, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp với mục tiêu bao chùm, xuyên suốt là phát triển nhanh và bền vững, trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.
Trong đó có định hướng, mục tiêu, giải pháp về phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, phát triển nhanh, bền vững để thống nhất nhận thức, tạo sự đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, huy động sự tham gia tích cực, hiệu quả của toàn dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Cùng với đó, tỉnh tập trung nguồn lực đầu tư các hạ tầng kinh tế trọng điểm, trọng tâm là hạ tầng giao thông kết nối như: Đường cao tốc Phú Thọ - Tuyên Quang đấu nối với đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai; đường cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang; đường kết nối vùng Ba Bể - Bắc Kạn với Na Hang - Tuyên Quang... nhằm sớm hoàn thiện, đồng bộ hệ thống giao thông liên kết vùng, mở không gian phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu.
Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành Nghị quyết, đề án để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về phát triển nông, lâm nghiệp, công nghiệp, du lịch giai đoạn 2021-2025.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cho rằng, tiềm năng, lợi thế của vùng chưa được khai thác hiệu quả, quy mô kinh tế của vùng còn nhỏ, tăng trưởng kinh tế chưa bền vững, chất lượng chưa cao; trình độ phát triển và thu nhập bình quân đầu người so với cả nước còn thấp... Nguyên nhân chủ yếu là do, tư duy về phát triển, nhất là liên kết vùng còn chậm đổi mới. Cơ chế, chính sách cho phát triển vùng còn bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Quy hoạch vùng và quy hoạch từng địa phương trong vùng thiếu sự liên kết; đầu tư và hỗ trợ của Trung ương chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa tạo được sự đột phá, vốn đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông còn thấp....
Đồng chí đề nghị, Chính phủ, các bộ, ban, ngành quan tâm chỉ đạo đẩy nhanh việc lập và triển khai thực hiện quy hoạch, các chương trình, kế hoạch phát triển vùng Trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đảm bảo thống nhất, chặt chẽ giữa các địa phương trong vùng.
Trong đó, xác định cụ thể định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và lộ trình thực hiện phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn của vùng. Đồng thời, lãnh đạo, chỉ đạo phát huy thật tốt vai trò, hoạt động của Hội đồng điều phối vùng; ban hành các cơ chế, chính sách và cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ liên kết phát triển vùng, cơ cấu, tổ chức lại sản xuất theo định hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; về phân bổ nguồn lực, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực...
Đồng chí đề nghị Chính phủ quan tâm hỗ trợ nguồn lực đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội, trọng tâm là hạ tầng giao thông kết nối liên vùng, bao gồm các tuyến đường cao tốc, hệ thống giao thông trục dọc, trục ngang giữa các khu vực, các tỉnh để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế nông lâm nghiệp, du lịch, kinh tế biên mậu ở vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.