Đồng chí Đàm Minh Viễn - Tấm gương sáng của thế hệ trẻ
Ngày 20/8, tại Cao Bằng, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phối hợp với Tỉnh Đoàn Cao Bằng tổ chức Tọa đàm khoa học kỷ niệm '100 năm Ngày sinh đồng chí Đàm Minh Viễn (Bí danh Đức Thanh) - Người phụ trách Đội đầu tiên, tấm gương sáng của thế hệ trẻ Việt Nam'.
Tọa đàm nhằm làm rõ hơn cuộc đời, sự nghiệp, vai trò của đồng chí Đàm Minh Viễn đối với tổ chức Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh nói riêng và sự nghiệp Cách mạng Việt Nam nói chung.
Bà Triệu Thị Trang, Phòng Lý luận chính trị và Lịch sử Đảng, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cao Bằng khẳng định, đồng chí Đàm Minh Viễn là người chiến sĩ cộng sản kiên trung, một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con ưu tú của quê hương Cao Bằng, người cán bộ Đoàn xuất sắc có nhiều đóng góp quan trọng đối với Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh và phong trào cách mạng Việt Nam.
Theo bà Trang, tài liệu viết về Đàm Minh Viễn không nhiều, dù chưa được phong hàm lần nào nhưng ông được xếp vào hàng ngũ sĩ quan, tướng lĩnh lỗi lạc của Quân đội nhân dân Việt Nam. Ngày 25/9/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký truy tặng Huân chương Chiến thắng hạng Nhất cho 5 liệt sỹ, trong đó có ghi: "Đàm Minh Viễn, Tư lệnh Phó Ủy ban Kháng chiến miền Nam Liên khu V"...
Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Hà Quảng (tỉnh Cao Bằng) Triệu Thanh Sơn nhấn mạnh, truyền thống đấu tranh bất khuất, kiên cường của quê hương và gia đình chính là nền tảng để đồng chí Đàm Minh Viễn tiếp bước trên con đường kháng chiến và trở thành người chiến sĩ cách mạng; là động lực để đồng chí vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Bác Hồ giao phó, hiến dâng sức lực, tuổi thanh xuân của mình vì độc lập, tự do cho dân tộc…
Phó Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương Nguyễn Phạm Duy Trang khẳng định, từ cuộc đời, sự nghiệp của đồng chí Đàm Minh Viễn, thế hệ trẻ hôm nay học được từ ông phương pháp làm việc, phương pháp tham mưu đa dạng, như việc ông đã lựa chọn ra những thiếu nhi ưu tú, khẳng định được tính cách riêng biệt trong hoạt động cách mạng để thành lập Đội Nhi đồng cứu quốc.
Đồng chí Đàm Minh Viễn còn có kiến thức tốt, sáng tạo, thông minh, không ngại gian khổ để thực hiện tốt nhiệm vụ mà Đảng yêu cầu (tham gia đoàn quân Nam tiến, Đông tiến...). Bên cạnh đó, đồng chí là người có tâm huyết, có tình yêu quê hương đất nước lớn lao.
Phó Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương đề nghị các cấp Đoàn cơ sở cần đẩy mạnh tuyên truyền về gương đồng chí Đàm Minh Viễn để thiếu nhi, nhi đồng cả nước học tập và noi theo. Tỉnh Đoàn Cao Bằng cần tích cực tập trung phối hợp với đơn vị liên quan trong việc tìm hiểu các tư liệu để củng cố, làm rõ hơn về cuộc đời, sự nghiệp của đồng chí Đàm Minh Viễn.
Đồng chí Đàm Minh Viễn tên thật là Đàm Văn Lân, dân tộc Tày, sinh ngày 18/9/1919 tại Nà Nghiềng, xã Sóc Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Xuất thân trong một gia đình có truyền thống yêu nước, cậu bé Đàm Văn Lân sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng, tham gia phong trào yêu nước khi mới 11 tuổi.
Năm 1940, Đàm Văn Lân vinh dự trở thành một trong 40 học trò được Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp rèn luyện tại Trung Quốc. Năm 1941, đồng chí Đàm Văn Lân được Bác Hồ giao nhiệm vụ tuyên truyền, giác ngộ cách mạng cho thanh niên khu vực Pác Bó và làng Nà Mạ, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng.
Thực hiện chỉ thị của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tại Hội nghị lần thứ 8 của Trung ương Đảng, ngày 20/4/1941, Chi Đoàn Thanh niên cứu quốc đầu tiên ra đời tại vùng Nà Mạ - Pài Cốc do Đức Thanh (tức Đàm Minh Viễn) làm Bí thư.
Ngày 15/5/ 1941, tại đồi Thoong Mạ, đồng chí Đàm Minh Viễn trực tiếp tổ chức thành lập Đội Nhi đồng cứu quốc gồm 5 thành viên do Nông Văn Dền (tức Kim Đồng) làm đội trưởng. Ngày 22/12/1942, đồng chí Đàm Minh Viễn được bầu là phụ trách Hội Thanh niên cứu quốc tỉnh - Bí thư đầu tiên của Tỉnh Đoàn thanh niên Cao Bằng. Tháng 1/1943, đồng chí Đàm Minh Viễn cùng các đồng chí phụ trách tổ chức Hội Thanh niên cứu quốc Cao Bằng tổ chức thành công Đại hội học sinh.
Giai đoạn 1942 - 1943, đồng chí Đàm Minh Viễn được cử tham gia cuộc Nam tiến lần thứ nhất, được giao nhiệm vụ chỉ huy đội quân du kích, tổ chức mở đường Đông tiến từ Cao Bằng xuống Lạng Sơn. Tháng 9/1945, đồng chí Đàm Minh Viễn tham gia đoàn quân Nam tiến.
Tháng 12/1945, đồng chí được cử giữ chức Chủ nhiệm Tham mưu quân sự của Ủy ban kháng chiến miền Nam. Năm 1946, đồng chí Đàm Minh Viễn hy sinh tại phòng tuyến mặt trận Gia Lai.