Đồng chí Đỗ Ngọc Du - Bí thư đầu tiên của Đảng bộ Hà Nội
90 năm qua, Đảng bộ Hà Nội đã rèn luyện được nhiều thế hệ chiến sĩ cách mạng kiên cường, mẫu mực, luôn trung thành với Đảng, với dân tộc. Trong đó, đồng chí Đỗ Ngọc Du, Bí thư đầu tiên của Ban Chấp hành lâm thời Đảng bộ Hà Nội là người như thế. Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Đỗ Ngọc Du tuy không dài, nhưng gắn liền với giai đoạn phong trào cách mạng Hà Nội đứng trước nhiều cam go, thử thách, đòi hỏi tài thao lược lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức đấu tranh cách mạng của Đảng, mà đồng chí là tấm gương điển hình.
Nhà số 5D, phố Hàm Long, Hà Nội - nơi đồng chí Đỗ Ngọc Du cùng các đồng chí có tư tưởng tiên tiến trong Kỳ bộ Bắc Kỳ và Tỉnh bộ Hà Nội đã bí mật họp và thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở Việt Nam. Ảnh: Viết Thành
1. Đồng chí Đỗ Ngọc Du sinh ngày 20-12-1907 tại Hải Dương, nguyên quán xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông (nay thuộc Hà Nội). Khi hoạt động, đồng chí lấy bí danh là Phiếm Chu. Vốn thông minh, hiếu học, năm 1922, tròn 15 tuổi, sau khi học hết tiểu học, đồng chí Đỗ Ngọc Du thi đậu vào Trường Trung học Bảo hộ (Trường Bưởi).
Cùng học ở Trường Bưởi hồi ấy với Đỗ Ngọc Du có nhiều học sinh giàu lòng yêu nước, như: Ngô Gia Tự, Nguyễn Phong Sắc, Trịnh Đình Cửu… Đỗ Ngọc Du đã cùng các đồng chí đó tham gia phản đối viên hiệu trưởng vì mỗi lần lên lớp giảng bài thường khinh miệt học sinh bản xứ. Cũng vào giai đoạn đó, nhiều sách báo tiến bộ từ nước ngoài được đưa về Hà Nội, đã kích thích mạnh mẽ tinh thần yêu nước của lớp thanh niên học sinh, trong đó có Đỗ Ngọc Du.
Tuổi thanh niên sôi nổi, nhạy bén với tư tưởng mới, tiến bộ, đồng chí Đỗ Ngọc Du đã tham gia phong trào của thanh niên học sinh bãi khóa đòi thực dân Pháp ân xá cụ Phan Bội Châu, để tang cụ Phan Chu Trinh. Bị nghi là một trong những người cầm đầu “phiến loạn” trong trường, đồng chí bị đuổi học. Khoảng tháng 10-1926, Đỗ Ngọc Du cùng các đồng chí Nguyễn Danh Đới, Phạm Văn Đồng sang Quảng Châu (Trung Quốc) học lớp huấn luyện chính trị khóa II do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc mở và được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên - một tổ chức cách mạng theo khuynh hướng Mác xít do Nguyễn Ái Quốc thành lập tháng 6-1925. Kết thúc khóa huấn luyện, đầu năm 1927, đồng chí Đỗ Ngọc Du được tổ chức phân công về hoạt động ở Hải Phòng.
Ngày 28-9-1928, Hội nghị Kỳ bộ thanh niên Bắc Kỳ lần thứ nhất được tổ chức. Dự hội nghị có 20 đại biểu, trong đó có Đỗ Ngọc Du (cùng đồng chí Nguyễn Đức Cảnh) là đại biểu của Hải Phòng. Đồng chí Đỗ Ngọc Du được bầu vào Ban Chấp hành Kỳ bộ thanh niên Bắc Kỳ.
Sự phát triển nhanh chóng của phong trào công nhân và phong trào yêu nước những năm cuối thập niên 20 của thế kỷ XX đặt ra đòi hỏi cấp bách về việc cần có sự lãnh đạo của một Đảng Cộng sản mới có thể đưa phong trào tiếp tục tiến lên. Đỗ Ngọc Du cùng các đồng chí trong Kỳ bộ là một trong những người sớm nhận thức được đòi hỏi khách quan này, nên đã bàn việc lập chi bộ cộng sản. Tháng 3-1929, tại ngôi nhà số 5D Hàm Long (Hà Nội), Đỗ Ngọc Du cùng các đồng chí có tư tưởng tiên tiến trong Kỳ bộ Bắc Kỳ và Tỉnh bộ Hà Nội đã bí mật họp và tuyên bố thành lập Chi bộ cộng sản đầu tiên.
Sau khi Chi bộ cộng sản đầu tiên ra đời, số lượng đảng viên tăng nhanh chóng; việc chuẩn bị thành lập Đảng Cộng sản càng được bí mật tiến hành khẩn trương. Vì vậy, sau một thời gian ngắn, ngày 17-6-1929, tại nhà số 312 phố Khâm Thiên, các đồng chí cách mạng trung kiên trong Chi bộ cộng sản 5D Hàm Long triệu tập hội nghị, quyết định thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng. Đồng chí Đỗ Ngọc Du được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương lâm thời.
Ở Hà Nội, Thành bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Hà Nội cũng được thành lập sau đó. Đồng chí Đỗ Ngọc Du giữ chức Bí thư Xứ ủy Đông Dương Cộng sản Đảng Bắc Kỳ kiêm Bí thư Thành bộ Hà Nội. Sau sự ra đời của Thành bộ, dưới sự lãnh đạo của đồng chí Đỗ Ngọc Du, phong trào cách mạng của Hà Nội phát triển rất mạnh. Tiếp nối cuộc bãi công của công nhân xưởng sửa chữa ô tô Avia, một loạt các cuộc bãi công khác nổ ra tại Sở ươm cây Lapho, Nhà máy Gạch Hưng Ký, Hãng Dệt Tếchxo... Sự phát triển của phong trào đấu tranh và tổ chức cách mạng ở Hà Nội đã góp phần tích cực thúc đẩy quá trình chuyển biến về chất của phong trào cách mạng Việt Nam.
Ngày 3-2-1930, tại Hương Cảng (Trung Quốc) diễn ra hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, mở ra bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử cách mạng nước ta. Sau sự kiện trên, ngày 17-3-1930, tại nhà số 42 phố Hàng Thiếc, Ban Chấp hành lâm thời Đảng bộ Hà Nội được thành lập gồm 3 đồng chí: Đỗ Ngọc Du, Nguyễn Ngọc Vũ và Lều Thọ Nam, do đồng chí Đỗ Ngọc Du làm Bí thư.
Việc thành lập Đảng bộ Hà Nội là sự kiện lịch sử có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với phong trào cách mạng ở Thủ đô. Đây là kết quả trực tiếp của sự thâm nhập sâu rộng chủ nghĩa Mác - Lênin; sự phát triển mạnh mẽ của phong trào công nhân và phong trào yêu nước ở Hà Nội, đánh dấu thời kỳ đấu tranh mới của quần chúng nhân dân dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ Hà Nội.
2. Vừa ra đời, Đảng bộ Hà Nội dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của đồng chí Đỗ Ngọc Du đã đẩy mạnh công tác xây dựng và củng cố tổ chức Đảng, cơ sở cách mạng và công tác vận động quần chúng. Quá trình đó diễn ra trong bối cảnh ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế (1929-1933) làm cho đời sống nhân dân ngày càng khó khăn. Lo sợ trước phong trào đấu tranh của quần chúng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản lên cao, nhất là sau cao trào cách mạng 1930-1931, thực dân Pháp tăng cường đàn áp. Không khí khủng bố bao trùm khắp cả nước đã tác động mạnh đến phong trào cách mạng ở Hà Nội.
Trong tình hình đó, dưới sự chỉ đạo của Đảng bộ Hà Nội, trực tiếp là đồng chí Đỗ Ngọc Du và sự hoạt động tích cực của những đảng viên kiên trung, tổ chức Đảng vẫn không ngừng được mở rộng, làm nòng cốt, hạt nhân lãnh đạo phong trào cách mạng trên địa bàn Hà Nội. Thực hiện chủ trương của Trung ương và Xứ ủy Bắc Kỳ về việc đẩy mạnh đấu tranh, củng cố phát triển tổ chức, chống địch khủng bố và hưởng ứng cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh, trên cương vị Bí thư Đảng bộ Hà Nội, đồng chí Đỗ Ngọc Du tập trung sự lãnh đạo vào công tác vận động công nhân, nông dân và các giới trong thành phố.
Hầu hết các nhà máy, xí nghiệp (Điện Yên Phụ, Xe lửa Gia Lâm, xưởng sửa chữa ô tô Avia, Ga Hàng Cỏ...) đã có tổ chức Công hội đỏ. Vùng nông thôn có nhiều tổ chức Nông hội đỏ được thành lập ở các làng, xã: Ngọc Hà, Bưởi, Mọc, Khương Thượng, Vân Canh, Đông Phù... Tổ chức Học sinh hội có cơ sở ở các trường Cao đẳng Thương mại, Cao đẳng Sư phạm, Trường Bưởi, Sinh Từ, Đỗ Hữu Vị, Mạc Đĩnh Chi... Công tác vận động quần chúng đi sâu và mở rộng ra các khu phố, vào cả những cơ quan đầu não, quan trọng của chính quyền thực dân, như: Phủ Toàn quyền, Nha Tổng Giám đốc tài chính Đông Dương...
Mặc cho thực dân Pháp đàn áp, dưới sự chỉ đạo của Đảng bộ Hà Nội do đồng chí Đỗ Ngọc Du đứng đầu, nhiều cuộc đấu tranh của công nhân, tiểu thương, học sinh, sinh viên Hà Nội đã diễn ra sôi nổi: Chị em tiểu thương chợ Đồng Xuân có tổ chức chỉ đạo của Thành ủy đã đấu tranh đòi giảm thuế, chống dồn chỗ ngồi, chống đàn áp (ngày 24-4-1930); công nhân bán vé xe điện đình công đòi chủ không được đánh đập, cúp phạt (tháng 4-1930); công nhân Nhà máy Gạch Hưng Ký bãi công đòi tăng lương (ngày 25-4-1930)…
Truyền đơn được rải trên các đường phố với khẩu hiệu: Tăng tiền lương, giảm giờ làm, bỏ đánh đập, giảm sưu, hoãn thuế cho nông dân. Hà Nội - trung tâm đầu não cai trị của chính quyền thực dân Pháp cũng đồng thời là trung tâm nóng bỏng của phong trào yêu nước và cách mạng.
Đảm nhiệm cương vị Bí thư Đảng bộ Hà Nội được hơn một tháng, cuối tháng 4-1930, cơ quan tài chính ở 22 Bichaud (nay là phố Quán Sứ) bị mật thám đến khám xét, tịch thu và niêm phong. Địch truy nã ráo riết Đỗ Ngọc Du. Trước tình hình đó, Trung ương cử đồng chí Đỗ Ngọc Du sang Thượng Hải (Trung Quốc) hoạt động. Tuy ở nước ngoài nhưng Đỗ Ngọc Du cùng với các đồng chí khác vẫn bị địch theo dõi, truy lùng gắt gao. Tháng 6-1931, đồng chí bị địch bắt khi đang tuyên truyền cách mạng cho binh lính ở Vườn hoa Hồng Khẩu (Thượng Hải, Trung Quốc).
Tháng 7-1931, mật thám Pháp giải Đỗ Ngọc Du cùng đồng chí Nguyễn Lương Bằng (bị bắt tháng 5-1931) từ Thượng Hải về Sài Gòn. Cuối năm 1931, chúng đưa đồng chí Đỗ Ngọc Du ra xét xử ở Tòa án Hải Dương và kết án khổ sai chung thân. Năm 1932, giặc Pháp đày đồng chí lên Nhà tù Sơn La và cuối năm đó, đày ra Côn Đảo. Dù bị địch giam cầm, đày ải, nhưng trước sau như một, đồng chí vẫn giữ vững khí tiết của người cộng sản, không khai báo một lời. Biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng, đồng chí tham gia sinh hoạt bí mật trong chi bộ nhà tù; giảng dạy văn hóa và lý luận cách mạng giải phóng dân tộc cho anh em trong nhà tù.
Năm 1936, Chính phủ Mặt trận Nhân dân Pháp lên cầm quyền, Đỗ Ngọc Du được trả tự do. Về Hà Nội, mặc dù bị quản thúc chặt chẽ, nhưng đồng chí vẫn tìm mọi cách liên hệ với tổ chức Đảng để hoạt động. Nhưng do những năm tháng bị địch bắt tù đày, tra tấn dã man, sức khỏe của đồng chí giảm sút, bệnh lao phổi tăng nặng. Ngày 12-1-1938, đồng chí Đỗ Ngọc Du đã qua đời tại phố Châu Long, khi vừa tròn 31 tuổi.
Dù thời gian hoạt động cách mạng không dài, nhưng nét đặc sắc nhất trong cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi và phong phú của đồng chí Đỗ Ngọc Du là sớm có chí hướng yêu nước và cách mạng, tự nguyện dấn thân vào con đường cách mạng đầy gian khổ hy sinh. Đồng chí trở thành một trong những lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng bộ Hà Nội, là thế hệ đảng viên đầu tiên có nhiều đóng góp cho việc thành lập Đảng bộ thành phố Hà Nội và là một trong những học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Lịch sử vẻ vang của Đảng bộ Hà Nội trong 90 năm qua ghi nhận những cống hiến trọn đời của đồng chí Đỗ Ngọc Du đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc Việt Nam.