Đồng chí Lê Duẩn với việc ra đời của các tổ chức Mặt trận miền Nam trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược
Nguyễn Túc - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt NamLần đầu tiên tôi được gặp đồng chí Lê Duẩn là vào dịp chuẩn bị Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng diễn ra từ ngày 5 đến ngày 10.9.1960.
Hồi đó tôi là giảng viên trường Đại học Bách Khoa Hà Nội. Một hôm, vào cuối tháng 6 tôi được lãnh đạo nhà trường gọi lên thông báo quyết định: bàn giao công việc đang làm, được nghỉ phép một tuần để sau đó đi nhận công tác đặc biệt.
Hết thời gian nghỉ phép, tôi khoác ba lô đạp xe đến địa điểm ghi trong giấy triệu tập. Đó là khu nhà số 8 và số 10 đường Chu Văn An hiện nay.
Sau ít ngày ổn định tổ chức và học tập nội quy, mọi người biết là mình được điều đi phục vụ Đại hội lần thứ III của Đảng. Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước lần lượt lên lớp cho chúng tôi về tình hình thế giới và trong nước. Trong số các báo cáo viên có đồng chí Trần Quốc Hoàn - Bộ trưởng Bộ Công an nói về trật tự - an ninh và âm mưu của địch chống phá ta; đồng chí “Sao Đỏ” tức Nguyễn Lương Bằng - nguyên đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước ta tại Liên bang Xô Viết giới thiệu về thành tựu mọi mặt của Liên Xô, về phong cách tiếp cận, thái độ phục vụ khách quốc tế cũng như một số thủ tục, nghi thức ngoại giao; đại sứ ta tại Trung Quốc nói về mối quan hệ ta - bạn, về sự giúp đỡ to lớn của bạn đối với cách mạng Việt Nam; đồng chí Ung Văn Khiêm - Trưởng Ban đối ngoại Trung ương nói về tình hình quốc tế và đường lối đối ngoại của Đảng ta. Một ngày, trước khi Bác Hồ đến nói chuyện, đồng chí Lê Duẩn đến lên lớp về “Đề cương đường lối cách mạng miền Nam” và “Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 15” khóa II.
Học tập chính trị xong, tôi được Ban Tổ chức phân công cùng anh Đậu Ngọc Xuân và anh Trịnh Ngọc Thái phụ trách bộ phận phiên dịch các văn kiện và dịch hội trường. Vì vậy, chúng tôi có nhiều dịp được gặp đồng chí Ba Duẩn - người cùng đồng chí Trường Chinh phụ trách nội dung các văn kiện Đại hội dưới sự chủ trì của Bác Hồ. Năm 1970, tôi được Trung ương điều động về làm thư ký cho đồng chí Hoàng Quốc Việt - Chủ tịch Tổng Công đoàn, Trưởng Ban Dân vận - Mặt trận Trung ương, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và thay bác Tôn Đức Thắng lo công việc của Mặt trận và sau đó tôi là cán bộ Mặt trận chuyên trách.
Do công việc buộc phải đi sâu nghiên cứu về công tác Mặt trận, đặc biệt, được Đảng đoàn giao cho cùng tập thể biên soạn cuốn “Lược sử Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam” và sau này là bộ “Lịch sử Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam”, tôi mới nhận thức sâu và thấy rõ ý nghĩa to lớn của “Đề cương đường lối cách mạng miền Nam” do đồng chí Lê Duẩn chắp bút và được Xứ ủy Nam Bộ thảo luận, góp ý và thông qua vào cuối năm 1956 và sau này trở thành cơ sở để Trung ương Đảng ra Nghị quyết 15 về cách mạng miền Nam.
Nội dung, tinh thần của bản Đề cương và Nghị quyết 15 của Trung ương được thể hiện rõ trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng.
Những văn kiện trên đã soi sáng con đường tiến lên của cách mạng miền Nam, đồng thời cũng đặt cơ sở cho việc xây dựng tổ chức Mặt trận.
Bằng chính sách đàn áp dã man và khủng bố đi đôi với lừa bịp, Mỹ - Diệm không thể dập tắt nổi phong trào đấu tranh của nhân dân, chúng đã phải tiến hành một cuộc chiến tranh đơn phương chống lại các lực lượng yêu nước. Chúng đã đẩy nhân dân vào thế phải vùng lên bảo vệ sinh mệnh và tài sản, xóa nỗi đau nô lệ và cảnh nước nhà bị chia cắt để mang hòa bình, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Cuộc đồng khởi mãnh liệt cuối năm 1959 đã chuyển thế và lực cách mạng miền Nam lên một bình độ mới. Phong trào cách mạng đã phân hóa nội bộ kẻ thù. Nguyễn Chánh Thi tiến hành đảo chính ngày 11.11.1959. Trong bối cảnh đó, phát huy truyền thống “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết” của dân tộc, theo sáng kiến của những người cộng sản, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập do luật sư Nguyễn Hữu Thọ làm chủ tịch với Lời kêu gọi: “Tất cả hãy đứng lên, tất cả hãy đoàn kết lại! Mặt trận dân tộc giải phóng đánh đổ ách thống trị của đế quốc Mỹ và Ngô Đình Diệm”[1]. Mục tiêu đấu tranh của Mặt trận được cô đọng lại một cách ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu là: “Phải hòa bình! Phải độc lập! Phải dân chủ! Phải cơm no, áo ấm! Phải hòa bình, thống nhất Tổ quốc”[2].
Với sự ra đời của Mặt trận dân tộc giải phóng, cách mạng miền Nam đã có danh nghĩa chính thức, phương hướng và mục tiêu cách mạng được công khai, rõ ràng để tập hợp lực lượng. Mặt trận thực sự trở thành người đại diện chân chính duy nhất của nhân dân miền Nam Việt Nam.
Đánh giá về sự kiện trọng đại này, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Một Mặt trận của nhân dân đoàn kết chặt chẽ và rộng rãi là một lực lượng tất thắng. Hiện nay trong cuộc đấu tranh anh dũng chống chế độ tàn bạo của Mỹ - Diệm, đồng bào ta ở miền Nam cũng có “Mặt trận dân tộc giải phóng” với chương trình hoạt động thiết thực và phù hợp với nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Do đó có thể đoán rằng đồng bào miền Nam nhất định sẽ thắng lợi, nước nhà nhất định sẽ thống nhất, Nam - Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà”[3].
Với Cương lĩnh thích hợp, Liên minh đã đoàn kết và tranh thủ thêm số trí thức, tư sản dân tộc yêu nước, tiến bộ ở thành thị có xu hướng hòa bình trung lập nhưng chưa tham gia Mặt trận dân tộc giải phóng.
Đánh giá ý nghĩa ra đời của Liên minh, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Sự ra đời và hoạt động tích cực của Liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ và hòa bình Việt Nam là một thắng lợi rực rỡ của lòng yêu nước và sức mạnh toàn dân đoàn kết chống Mỹ cứu nước”[4].
Ngày 6.6.1968 Liên minh cùng Mặt trận dân tộc giải phóng, đại diện cho các giai cấp, các tầng lớp xã hội, các chính đảng, đoàn thể cử ra Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Hội đồng cố vấn của Chính phủ.
Sự ra đời của Chính phủ Cách mạng lâm thời có sức cổ vũ mạnh mẽ nhân dân miền Nam, đánh trực tiếp và mạnh mẽ vào âm mưu của Mỹ cố bám giữ ngụy quyền Sài Gòn, đồng thời giúp cho cuộc kháng chiến chống Mỹ có tư cách pháp lý để tập hợp lực lượng cách mạng, thực hiện hòa hợp dân tộc, “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào” giải phóng hoàn toàn miền Nam.
Tôi có một kỷ niệm sâu sắc đối với đồng chí Ba Duẩn, đó là ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng.
Hồi đó, tôi là thư ký của đồng chí Hoàng Quốc Việt - Chủ tịch Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Tổng Công đoàn. Còn về Nhà nước, đồng chí là Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Khoảng 11h30 hay 11h45 gì đó, trong lúc anh em phục vụ chúng tôi gồm thư ký, bác sĩ, bảo vệ, cần vụ đang ăn cơm trưa thì chuông điện thoại bên phòng làm việc đổ liên hồi. Tôi chạy vội sang nghe. Một giọng “rất lính” ở đầu dây bên kia lớn tiếng:
- Xin lỗi, đồng chí là ai?
- Tôi Nguyễn Túc - Thư ký của đồng chí Hoàng Quốc Việt.
- Chấp hành Chỉ thị của Võ Đại tướng - Bộ trưởng Quốc phòng - Tổng Tư lệnh quân đội nhân dân Việt Nam, tôi yêu cầu đồng chí báo cáo với Thủ trưởng là quân đội đã giải phóng Sài Gòn lúc 11h30. Chiến dịch Hồ Chí Minh đã toàn thắng. Hết.
Tôi ngỡ ngàng, không tin vào tai mình và yêu cầu người truyền đạt nhắc lại một cách thật chậm để tôi ghi lại. Không kìm nổi vui mừng, tôi thét vang: “miền Nam đã hoàn toàn được giải phóng” để mọi người cùng biết, cùng vui. Tất cả kéo lên báo cáo Thủ trưởng. Ông rất vui và gọi cả nhà tập trung tại phòng khách để liên hoan đột xuất mừng đại thắng bằng những ly rượu thuốc tự ngâm. Ông nói: “Thế là ý chí thống nhất đất nước, khát vọng hòa bình của nhân dân ta đã thành hiện thực”.
Đang vui, tôi bỗng nhớ đến bài diễn văn của Thủ trưởng sẽ đọc chiều nay tại cuộc mít tinh kỷ niệm Ngày Quốc tế lao động 1.5. Hồi đó, những bài phát biểu quan trọng của các đồng chí lãnh đạo thường được Ban Bí thư và đồng chí Trường Chinh xem trước. Bài phát biểu trong buổi mít tinh chiều nay đã được duyệt từ ba ngày trước. Phần nói về cuộc chiến đấu chống Mỹ - Thiệu vẫn viết theo hướng quen thuộc là lên án mạnh mẽ cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai. Rõ ràng là điều đó không còn phù hợp trong bối cảnh hiện nay.
Tôi nêu vấn đề, và Thủ trưởng nói luôn:
- Ta sang xin ý kiến anh Năm ngay để kịp sửa[5].
Sau một hồi đàm đạo về chiến thắng, đồng chí Trường Chinh nêu ý kiến:
- Đây là vấn đề quá lớn, đến có phần đột ngột, tôi không đủ thẩm quyền góp ý. Tôi đề nghị ta sang xin ý kiến anh Ba[6].
Do ba Thủ trưởng ở gần nhà nhau (đồng chí Trường Chinh ở nhà số 3, đồng chí Hoàng Quốc Việt ở nhà số 5, đồng chí Lê Duẩn ở ngõ số 7 Nguyễn Cảnh Chân) nên ít phút đi bộ đã gặp nhau. Ấn tượng sâu sắc in đậm trong tôi đó là sự vui mừng khôn xiết của ba đồng chí lão thành cách mạng, ba vị lãnh đạo tầm cỡ của Đảng, những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh - ở tuổi 70 trước chiến thắng vĩ đại của dân tộc. Do đã báo cáo trước bài Diễn văn, đồng chí Lê Duẩn cho ý kiến:
- Tôi đề nghị anh Việt chuyển buổi mít tinh chiều nay sang sáng ngày mai 1.5. Tôi đã mời các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư có mặt ở Hà Nội và mời anh Việt cùng dự để xem xét một số việc trong đó có bài Diễn văn.
Gần 6 giờ chiều cuộc họp mới tan. Thủ trưởng thông báo lại nội dung cuộc họp. Riêng về Diễn văn, về cách xử sự với Mỹ, đề nghị sửa như sau: “Với thắng lợi này, nhân dân Việt Nam gửi lời chào hữu nghị đến nhân dân Mỹ; nhân dân Việt Nam cảm ơn những người Mỹ có lương tri đã đồng tình ủng hộ cuộc chiến đấu chính nghĩa của nhân dân Việt Nam và mong rằng từ nay quan hệ giữa hai nước bước sang một trang sử mới”.
Qua những câu trên, ai cũng tìm thấy chính sách cầu hòa của tổ tiên ta, nền ngoại giao hòa hiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh; nó thể hiện nguyện vọng thiết tha của nhân dân ta đối với hòa bình, muốn làm bạn với tất cả các nước, các dân tộc.
___________
[1] Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, NXB Sự thật, Hà Nội, trang 9 và 13
[2] Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, NXB Sự thật, Hà Nội, trang 9 và 13
[3] Hồ Chí Minh “Về Mặt trận dân tộc thống nhất”, NXB Sự thật, Hà Nội, trang 1972, 92, 121
[4] Hồ Chí Minh “Về Mặt trận dân tộc thống nhất”, NXB Sự thật, Hà Nội, trang 1972, 92, 121
[5] Anh Năm là tên gọi thân mật của đồng chí Trường Chinh
[6] Anh Ba là tên gọi thân mật của đồng chí Lê Duẩn