Đồng chí Lê Hoài Trung, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương: Quân đội nhân dân Việt Nam với công tác đối ngoại của Đảng
Quân đội ta trong 80 năm qua, với bản chất là đội quân chính trị, đã có những đóng góp to lớn trong mặt trận ngoại giao dưới sự lãnh đạo của Đảng. Nội dung về quốc phòng - quân sự cũng luôn là những ưu tiên, trọng tâm lớn trong hoạt động đối ngoại của Đảng.
Ngay từ những ngày đầu thành lập Đảng, hoạt động đối ngoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các lãnh đạo tiền bối đều có nhiều nội dung liên quan tới Quân đội, từ việc tổ chức đưa các đoàn cán bộ Quân đội đi bồi dưỡng, đào tạo tại nước ngoài cho tới vận động sự ủng hộ của các Đảng, đối tác nước ngoài cho Quân đội nhân dân Việt Nam. Các thành quả đối ngoại đó có sự đóng góp trực tiếp của Quân đội.
Chủ trương của Đảng ta về sự kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh quân sự và đấu tranh ngoại giao ngày càng được hoàn thiện, cụ thể hóa. Những thắng lợi to lớn, có ý nghĩa chiến lược của Quân đội ta trên chiến trường đã tạo nền tảng chiến lược cho đấu tranh ngoại giao; chiến thắng quân sự giữ vai trò quyết định, có ý nghĩa là tiền đề hậu thuẫn cho đấu tranh ngoại giao.
Trong mỗi giai đoạn cách mạng, chiến thắng của Quân đội ta đều đem lại những bước ngoặt lớn cho tổng thể cục diện kháng chiến, tiêu biểu là những thắng lợi ban đầu của ta trong kháng chiến chống Pháp đã giúp các nước xã hội chủ nghĩa thấy được giá trị chiến lược và thế đi lên của cách mạng Việt Nam, từ đó thiết lập quan hệ với ta, mở ra cục diện đối ngoại mới. Những thắng lợi của Chiến cuộc Đông - Xuân và các chiến dịch quân sự lớn giai đoạn 1950-1954, đặc biệt là Chiến thắng Điện Biên Phủ đã khiến Pháp phải ngồi vào bàn đàm phán và chấp nhận Hiệp định Geneva; tiếp đến là nhiều thắng lợi của ta trong đánh bại các chiến lược chiến tranh của Mỹ, nhất là chiến thắng Mậu Thân 1968, đã buộc Mỹ phải đi vào đàm phán, xuống thang chiến tranh ở miền Bắc…
Quân đội không chỉ góp phần tạo thuận lợi to lớn cho đấu tranh ngoại giao mà còn phất cao ngọn cờ chính nghĩa của cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, qua đó góp phần xây dựng hình ảnh đất nước, con người Việt Nam yêu chuộng hòa bình. Hình ảnh Quân đội nhân dân Việt Nam với ý chí đấu tranh kiên cường, bất khuất trở thành biểu tượng gắn liền với chủ nghĩa yêu nước nồng nàn của Đảng và nhân dân ta trong tình cảm của bạn bè quốc tế. Chiến thắng quân sự của Việt Nam là tượng trưng cho khát vọng tự do, độc lập dân tộc, giải phóng đất nước, giải phóng con người của nhiều quốc gia trên thế giới. Chính vì lẽ đó, chúng ta đã huy động được mặt trận nhân dân thế giới rộng rãi ủng hộ mạnh mẽ cuộc đấu tranh của Quân đội và nhân dân Việt Nam trong suốt 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cũng như các cuộc chiến đấu bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ sau này.
Không chỉ trong chiến đấu, vai trò của Quân đội và mối quan hệ gắn bó giữa quốc phòng và đối ngoại tiếp tục được kế thừa và phát huy trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Trong thời kỳ kháng chiến trước đây, cũng như trong công cuộc đổi mới gần 40 năm qua, Quân đội ta tiếp tục trở thành một lực lượng nòng cốt trong triển khai đối ngoại dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đối ngoại quốc phòng luôn là hướng ưu tiên hàng đầu trong triển khai quan hệ đối ngoại của Đảng và Nhà nước.
Trong thời kỳ đổi mới, công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế về quốc phòng trở thành kênh hợp tác quan trọng, có ý nghĩa thúc đẩy quan hệ đối ngoại của ta với các nước đi vào chiều sâu, hiệu quả. Việc gia tăng các loại hình và mức độ về đối ngoại quốc phòng đồng thời tiếp tục góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, cho thấy hình ảnh một nước Việt Nam mới, phát triển hơn, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, nhất là thông qua tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, các hoạt động giao lưu hữu nghị biên giới, cử lực lượng thăm viếng lẫn nhau với Quân đội các nước...