Đồng chí Lê Thị Diệu Muội, người con ưu tú của quê hương Quảng Trị

Ngày 8/1/2021 (Nhằm ngày 26/11 năm Canh Tý), đồng chí Lê Thị Diệu Muội, nguyên Quyền Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị từ giã cõi trần, đi vào cõi vĩnh hằng.

Đồng chí Lê Thị Diệu Muội sinh ngày 1/1/1922 tại làng Tường Vân, xã Triệu An, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Xuất thân từ một gia đình giàu truyền thống yêu nước và đấu tranh cách mạng, đồng chí đã sớm giác ngộ và tham gia phong trào đấu tranh cách mạng từ những năm 1932. Đây là thời kỳ phong trào cách mạng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị gặp nhiều khó khăn. Nhiều đồng chí đảng viên cộng sản và hội viên các hội quần chúng cách mạng bị địch bắt trong các đợt khủng bố và đưa đi giam cầm tại các nhà tù, nhà đày đế quốc. Tháng 3/1939, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương tại Huế.

Những tháng cuối năm 1940, phong trào cách mạng sôi sục trong cả nước. Đế quốc Pháp đầu hàng phát xít Đức; Nhật nhảy vào đánh chiếm Lạng Sơn, Nhân dân Bắc Sơn, Nam Kỳ khởi nghĩa. Tin tức dồn dập lay động mọi tầng lớp nhân dân, cổ vũ mạnh mẽ các chiến sĩ yêu nước. Để đẩy mạnh phong trào cách mạng của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, Tỉnh ủy Quảng Trị chủ trương rải truyền đơn với nội dung nêu rõ tình hình mới, kêu gọi toàn dân hưởng ứng phong trào Bắc Sơn, đánh đuổi phát xít Nhật, Pháp.

Trước việc truyền đơn xuất hiện ở nhiều nơi ở Quảng Trị, Giám đốc Sở Mật thám Trung Kỳ ra lệnh mở cuộc khủng bố kéo dài 3 tháng. Mật thám, lính khố xanh, lính lê dương cùng với lực lượng cường hào, phản động ra sức lùng sục, bắt bớ. Tránh sự truy lùng của kẻ địch, đồng chí Lê Thị Diệu Muội tiếp tục thoát ly, chuyển địa bàn hoạt động.

Khi bọn mật thám đến nhà vây bắt thì đồng chí Diệu Muội vắng nhà. Mật thám hỏi Diệu Muội đi đâu, để đánh lạc hướng, người nhà trả lời: “Diệu Muội đi thăm bố ở Lao Bảo”. Nhận tin báo, cai ngục nhà đày Lao Bảo gọi Lê Thế Tiết (nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị) đang bị giam cầm ở đây đến tra hỏi về Diệu Muội, Lê Thế Tiết trả lời: “Tôi bị bắt đã lâu và bị giam cầm ở đây, con gái tôi ở nhà, làm thế nào tôi biết được”. Tên cai ngục cho rằng Lê Thế Tiết biết nơi ở của con mà không chịu nói liền đánh Lê Thế Tiết. Bị đánh bất ngờ, đồng chí hy sinh. Tin đồng chí Lê Thế Tiết hy sinh nhanh chóng lan truyền đi khắp mọi phòng giam. Không thể làm ngơ trước tội ác của địch, ngay chiều hôm đó, tù chính trị ở nhà đày Lao Bảo tổ chức đấu tranh làm reo, tuyệt thực kéo dài 1 tuần đã gây tiếng lớn.

Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 8 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa I), tháng 8/1941, Tỉnh ủy Quảng Trị mở hội nghị tại làng An Nha (Gio Linh) và quyết định đẩy mạnh hoạt động của Đảng ở Triệu Phong, Hải Lăng, gây dựng phong trào công nhân trong các đồn điền dọc Đường 9; tăng cường củng cố tổ chức, đề phòng địch cài tay chân vào nội bộ đảng, cử cán bộ ra hoạt động ở Quảng Bình, gây dựng cơ sở ở Thừa Thiên. Hội nghị quyết định chấn chỉnh Ban Tỉnh ủy, đồng chí Lê Thị Diệu Muội được bổ sung vào Tỉnh ủy, phụ trách địa bàn Hải Lăng.

 Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải trao Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng cho đồng chí Lê Thị Diệu Muội - Ảnh: TL

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải trao Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng cho đồng chí Lê Thị Diệu Muội - Ảnh: TL

Được giao phụ trách địa bàn đang gặp nhiều khó khăn, đồng chí nhanh chóng tìm bắt liên lạc với một số đồng chí đảng viên còn lại trong phủ, vận động Nhân dân đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống địch vơ vét thóc, gạo, tổ chức rải truyền đơn (của Đảng bộ tỉnh), kêu gọi Nhân dân cùng đoàn kết đấu tranh đánh đuổi Pháp - Nhật giành lại độc lập. Dưới sự chỉ đạo của đồng chí, phong trào cách mạng ở Hải Lăng dần phục hồi. Một số làng đã thành lập Ủy ban Việt Minh và tổ chức được các đoàn thể như: Hội Nông dân cứu quốc, Hội Phụ nữ cứu quốc, Đoàn Thanh niên cứu quốc. Các văn kiện Tuyên ngôn Việt Minh, Thư của đồng chí Nguyễn Ái Quốc gửi đồng bào toàn quốc, điều lệ các đoàn thể cứu quốc… được đảng viên và quần chúng cách mạng ở cơ sở trong phủ chuyền tay nhau đọc và tuyên truyền trong Nhân dân. Cùng thời gian này, trên địa bàn tỉnh, phong trào cứu nước phát triển mạnh, các cơ sở đảng được phục hồi, tổ chức đảng được gây dựng khắp các phủ.

Trước tình hình đó, địch tăng cường vây ráp, khủng bố. Phong trào cách mạng trong tỉnh tiếp tục gặp khó khăn. Từ tháng 5 đến tháng 7/1942, cơ sở đảng ở các huyện Triệu Phong, Gio Linh, Hải Lăng bị vỡ, nhiều đồng chí bị địch bắt. Đảng bộ Quảng Trị bị mất liên lạc với cấp trên. Trong bước ngoặt khó khăn này, tháng 8/1942, Tỉnh ủy Quảng Trị được củng cố, đồng chí Lê Thị Diệu Muội đươc cử làm quyền Bí thư Tỉnh ủy.

Do bị chỉ điểm, ngày 21/11/1942, đồng chí bị địch bắt ở Triệu Phong trong lúc từ cơ quan Tỉnh ủy đến huyện Gio Linh để củng cố lại phong trào, thành lập lại Huyện ủy Gio Linh.

Đồng chí kể lại rằng: “Trong thời gian bị địch giam cầm, bị tra tấn đủ mọi cực hình. Không khai thác được gì, chúng đưa tôi về nhốt ở xà lim, còng hai tay ra sau lưng và bắt cắn một chiếc đũa giữa hai hàm răng và lấy dây buộc chiếc đũa ra sau cổ...”.

Cuối năm 1942, địch mở phiên tòa xét xử những người yêu nước, những chiến sĩ cộng sản mà chúng cho là chống lại nhà nước bảo hộ.

Trước phiên tòa xét xử của địch, đồng chí dõng dạc tuyên bố: “Thưa tòa, tôi là người không có tội. Ở đây cũng rất nhiều người không có tội, họ cũng như tôi là những người yêu nước. Nếu yêu nước mà có tội, thì 25 triệu đồng bào Việt Nam đều có tội, vì rằng không có một người Việt Nam nào mà không yêu nước của mình”.

Hoảng sợ và bất ngờ trước một người con gái mới 20 tuổi, tên Tuần vũ Quảng Trị vội vàng đứng dậy ngắt lời, không cho đồng chí nói tiếp. Đồng chí bị kết án 20 năm tù khổ sai, 20 năm quản thúc, bị đày đi biệt xứ.

Truyên án xong, chúng đưa đồng chí về nhà lao. Trên đường đi, đồng chí hô vang khẩu hiệu “Đả đảo quan tòa bất công”. Chúng tiếp tục nhốt đồng chí vào xà lim. Đồng chí kể lại: “Đầu tóc dài của thời con gái bị tung ra, chấy rận khắp người. Những lúc ngứa quá, tôi phải dúi đầu vào tường để chà xát cho đỡ ngứa, tóc xỏa ra rối tung như người rừng. Đến giờ ăn, được mở còng, hai tay tê dại, cố hết sức búi lại tóc, làm vệ sinh, bụng đói nhưng phải làm hết việc cần thiết mới nuốt vội nắm cơm gạo hẩm và chút mắm thối”.

Sau 2 tuần tuyên án, đồng chí bị đày đến nhà tù Quy Nhơn. Biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng, tại đây, đồng chí đã cùng những cựu tù chính trị đẩy mạnh tuyên truyền, vận động binh lính, học tập văn hóa, dạy chữ quốc ngữ cho tù thường phạm. Sau ngày Nhật đảo chính Pháp, đồng chí được tự do, tiếp tục móc nối, hoạt động cách mạng.

Sau Cách mạng Tháng 8 năm 1945 đến năm 1981, đồng chí làm Phó Chủ nhiệm Việt Minh, Bí thư Phụ nữ tỉnh Quảng Trị, Vụ trưởng Vụ Lao động tiền lương và Tổ chức cán bộ, Thứ trưởng Bộ Nội thương, thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao, đại biểu Quốc hội khóa IV và V.

Trọn cả cuộc đời theo Đảng, từng lăn lộn trong đấu tranh với kẻ thù từ những năm 30 của thế kỷ XX và giữ trọng trách lớn được Đảng giao, dù ở bất kỳ cương vị công tác nào, hay sau khi về sinh hoạt tại địa phương, đồng chí cũng luôn trung thành với Đảng, với Tổ quốc và Nhân dân; giữ vững phẩm chất cách mạng của người đảng viên Đảng Cộng sản, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trong quá trình công tác, đồng chí Lê Thị Diệu Muội đã được tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất; Huân chương chống Pháp hạng Nhì; Huân chương chống Mỹ hạng Nhất; Huân chương Hồ Chí Minh; Huy hiệu Bác Hồ; Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng; Huy chương Vì sự nghiệp Thương mại; Huy chương Vì sự nghiệp giải phóng Phụ nữ; Huy chương Vì sự nghiệp xây dựng Thủ đô; Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp thống nhất đất nước.

Một nén hương thơm kính cẩn nghiêng mình vĩnh biệt đồng chí.

Nguyễn Thị Thu Hà

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=154724