Đồng chí Lê Toàn Thư với sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc
Đồng chí Lê Toàn Thư, cán bộ lão thành cách mạng, người chiến sĩ cộng sản kiên trung đã kinh qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước hào hùng của dân tộc, người lãnh đạo tài năng, người cán bộ Mặt trận đầy nhiệt huyết được Đảng, Nhà nước tin tưởng giao phó nhiều trọng trách. Cả cuộc đời ông, dù ở bất kỳ vị trí công tác và trong hoàn cảnh nào, ông đều tận tâm, tận lực cống hiến, hy sinh cho Tổ quốc, cho Nhân dân và có đóng góp to lớn cho sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc.
Người chiến sĩ cộng sản kiên cường
Lê Toàn Thư tên thật là Nguyễn Tất Văn, sinh ngày 26/11/1921 tại xã Bạch Cừ, huyện Gia Khánh (nay là huyện Hoa Lư), tỉnh Ninh Bình. Ông là con đầu lòng trong một gia đình có bố làm nghề giáo (Hiệu trưởng Trường tiểu học Hòn Gai, Quảng Ninh), sau chuyển lên Cao Bằng làm Đốc học. Mẹ bán cửa hàng tạp hóa ở thị xã Ninh Bình. Thuở nhỏ, ông học ở quê, sau đó nghe lời bố lên Hà Nội thi đỗ vào Trường Bưởi. Sớm giác ngộ cách mạng, năm 1938 - 1939, ông tham gia hoạt động trong nhóm nghiên cứu chủ nghĩa Mác của học sinh Trường Bưởi. 19 tuổi, ông được vinh dự kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương rồi từ đó tích cực hoạt động trong Ban cán sự Thanh niên cứu quốc Hà Nội.
Năm 1942, ông làm Thư ký cho đồng chí Hoàng Văn Thụ rồi Thư ký cho Tổng Bí thư Trường Chinh ở Ban Tuyên truyền Trung ương. Năm 1943, đồng chí Trường Chinh và đồng chí Hoàng Quốc Việt mở lớp huấn luyện cán bộ ở Bắc Giang nhưng ngụ tại một gia đình cơ sở cách mạng ở Phúc Yên (nay là Sóc Sơn, Hà Nội). Ông được phân công giữ tài liệu của lớp học. Gần sáng, khi có tin báo mật thám đến, ông đã nhanh chóng quấn tài liệu huấn luyện quanh bụng nhưng không kịp trốn thoát. Ông bị địch bắt. Bọn mật thám trói giật cánh khuỷu, treo ông lên xà nhà, tra tấn nhưng ông một mực không khai báo, cương quyết bảo vệ bí mật cho các đồng chí lãnh đạo. Chúng giải ông lên huyện. Bằng vốn tiếng Pháp học được, ông giảng giải cho bọn Tây rằng: Việt Minh là những người yêu nước, chiến đấu vì độc lập dân tộc, vì lý tưởng cộng sản chứ không phải là giặc như chúng gọi. Không khai thác được gì từ ông, chúng giải ông về Hỏa Lò, Hà Nội giam cầm và tuyên án 20 năm tù khổ sai.
Trong thời gian bị giam ở nhà tù Hỏa Lò, ông tham gia nhóm trung kiên, tiếp tục cùng các tù nhân chính trị đấu tranh quyết liệt bằng “Hò la” chống cùm kẹp, chống chế độ ăn uống hà khắc. Ông được tin tưởng giao nhiệm vụ đại diện anh em tù nhân giao dịch với Tây, đề đạt nguyện vọng của tập thể mỗi khi đấu tranh đòi cải thiện chế độ cho người tù và tuyên truyền, vận động các viên gác người Việt để nhờ mua giấy bút, thuốc men bị cấm và thu lượm tin tức chiến tranh lúc bấy giờ.
Sau đó, ông bị đày đi Côn Đảo. Ở nhà tù Côn Đảo, ông bị nhốt vào phòng dành cho những tù nhân sắp chết rồi chuyển sang “Phòng những tên nguy hiểm” hòng làm lung lạc ý chí chiến đấu của người cộng sản. Với bản lĩnh kiên cường, ông tiếp tục đoàn kết anh em tù nhân chiến đấu. Chế độ nhà tù hà khắc cấm tù nhân đọc sách báo và tịch thu tất cả sách báo mà tù nhân đang có. Không đầu hàng trước nghịch cảnh, ông đã tình nguyện làm thầy giáo dạy tiếng Pháp cho anh em tù nhân. Mảnh gạch trở thành cây bút viết, bảng là nền xi măng giữa phòng giam. Học trò làm bài viết ra sàn bằng mẩu phấn vôi hay những mẩu san hô được khéo léo đem vào trong tù.
Trong thời gian này có thông tin ông đã hy sinh trong tù nên chi bộ của ông đã tổ chức lễ truy điệu. Năm 1947, đồng chí Hoàng Quốc Việt gặp ông ở Việt Bắc đã ôm chầm lấy ông và xúc động nói: “Bọn tôi đã làm lễ truy điệu cho anh rồi mà, anh còn sống, mừng quá!”1.
Cách mạng Tháng Tám thành công, Côn Đảo được giải phóng. Ngày 23/9/1945, ông cùng các tù nhân chính trị được chính quyền cách mạng đón về đất liền tiếp tục công tác.
Người lãnh đạo tài năng, đức độ
Tháng 9/1948, ông tham gia phái đoàn Trung ương do đồng chí Lê Đức Thọ dẫn đầu vào Nam Bộ công tác với chức vụ Bí thư chi bộ của đoàn và lấy tên là Lê Toàn Thư. Cuộc hành quân theo con đường Nam tiến đi bộ dọc đường Trường Sơn xuyên rừng, leo núi, trèo đèo, lội suối… liên tục 3 - 4 tháng đầy khó khăn, gian khổ.
Từ tháng 10/1954 đến năm 1960, ông là Ủy viên Thường vụ của Xứ ủy Nam Bộ, Trưởng ban Kiểm tra Quân - Dân - Chính Nam Bộ, Trưởng ban Tổ chức rồi Trưởng ban Tuyên huấn Xứ ủy Nam Bộ. Chiến đấu trong lòng địch, ông luôn giữ vững khí chất, sự thông minh, gan dạ, mưu trí. Cuối năm 1956, kẻ thù công khai ra mặt phản bội, phá hoại hiệp định Giơnevơ. Văn phòng Xứ ủy Nam Bộ bị lộ. Đồng chí Hoàng Như Khương - Thường trực Xứ ủy Nam Bộ bị bắt, đồng chí Nguyễn Đức Thuận được cử thay mặt Xứ ủy chỉ đạo công tác nội thành cũng đã ở trong tù. Trong hoàn cảnh khó khăn đó, ông đã gánh vác trọng trách Thường trực Xứ ủy với nhiệm vụ quan trọng: Di dời, gây dựng lại cơ sở Văn phòng Xứ ủy để lấy lại khí thế chỉ đạo, lãnh đạo phong trào đấu tranh chính trị của đồng bào trước tình hình phức tạp mới. Ông trăn trở, suy tính nhiều bề và nghĩ ra phương án gây dựng lại Văn phòng Xứ ủy bằng việc hình thành “một gia đình công tư chức” làm bình phong che giấu cho cơ sở cách mạng.
Ông đã mạnh dạn sử dụng vai trò của quần chúng ở ngay trong hàng ngũ của chính quyền Sài Gòn. Chị Nguyễn Thị Danh, một công chức thuế quan ở sân bay Tân Sơn Nhất và anh Trịnh Long Việt, một sĩ quan không quân vừa giải ngũ về làm ở một hãng buôn lớn ở Sài Gòn (hãng Olimpic) được vận động làm đầu mối gây dựng cơ sở cách mạng ở số nhà 29 Huỳnh Khương Ninh, Đa Kao (nay thuộc Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh) trong thời điểm lịch sử nóng bỏng.
Khi địch đang bủa lưới tình báo gián điệp hòng bắt cho được đồng chí Lê Duẩn, bất chấp nguy hiểm đến tính mạng, ông đã mưu trí, dũng cảm trực tiếp đưa đón người Bí thư Xứ ủy tài ba về số nhà 29 Huỳnh Khương Ninh trong đêm để tiếp tục hoàn thành dự thảo bản Đề cương đường lối cách mạng Việt Nam ở miền Nam.
Với vai trò là Trưởng ban Tổ chức rồi Trưởng ban Kiểm tra Xứ ủy Nam Bộ, ông đi sâu sát cơ sở Đảng ở các tỉnh Nam Bộ, giải quyết công việc có tình, có lý, có sức thuyết phục cao. Đặc biệt, ông luôn trăn trở, nhiệt tình, trách nhiệm đóng góp vào công tác tổ chức, công tác xây dựng và phát triển Đảng. Thông minh, nhạy bén, linh hoạt trong công tác chỉ đạo, lãnh đạo nên anh em thường gọi ông là “Con gà tre của Xứ ủy Nam Bộ”.
Khi công tác tại Ban Thống nhất Trung ương Đảng nhất là vào thời điểm quyết định cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ông cho mở các lớp bồi dưỡng cán bộ đưa vào miền Nam, mà trọng điểm là Sài Gòn. Những cán bộ đi vào B2 (Nam Bộ) được trang bị tốt để lên đường vượt Trường Sơn, ông còn lo cho các trang thiết bị kỹ thuật đưa vào Nam theo nhu cầu bức thiết của cuộc kháng chiến.
Ông có phong cách làm việc khoa học, trách nhiệm, cầu thị học hỏi và rất thận trọng. Đồng thời, ông là người luôn trọng, tin tưởng đồng chí, cộng sự. Mỗi lần chuẩn bị một văn kiện đề trình cấp trên, ông đều dành thời gian thỏa đáng cho tác giả dự thảo trình bày hết ý kiến và khuyến khích tranh luận, gợi ý cho mỗi bên bổ sung lập luận của mình cả về quan điểm và nội dung của vấn đề.
Trong cuộc họp, ông là người luôn lắng nghe, ít nói và suy nghĩ nhiều về những ý kiến của anh em phát biểu. Không ít trường hợp khi nhận ra ý kiến của thiểu số, thậm chí của một người là có sức thuyết phục nhất, ông đã kiên trì ủng hộ ý kiến đó, kiên trì thuyết phục đa số. Có những cuộc họp, ông cho tạm dừng thảo luận để tra cứu thêm tư liệu, suy nghĩ cho chín chắn, cân nhắc nhiều bề hơn, khi đã thấu đáo mới kết luận.
Khi làm việc với cấp Trung ương, với Ban Thường vụ Thành ủy, ông quyết liệt lên án tệ quan liêu, gây phiền hà, ức hiếp dân, nạn tham nhũng trong cán bộ, đảng viên. Ở ông, cùng với thái độ nghiêm túc, nhiệt huyết trong công việc là sự chân thành, khoan dung trong ứng xử, giao tiếp. Đối với những cán bộ có khuyết điểm, ông thường giúp đỡ và tạo điều kiện để các đồng chí ấy làm việc. Chính nhờ sự độ lượng, khoan dung đó mà một vài cán bộ dù đã có kỷ luật vẫn có cơ hội sửa sai, trưởng thành và có nhiều đóng góp cho cách mạng, cho đất nước.
Người cán bộ Mặt trận đầy tâm huyết
Từ khi còn học Trường Bưởi, có lần bị địch lùng bắt, ông chạy về Ninh Bình rồi về Phúc Yên làm Báo Cứu quốc do đồng chí Trường Chinh phụ trách. Sau khi được giải phóng khỏi nhà tù Côn Đảo, ông được phân công về Cần Thơ rồi ra Bắc làm Chánh Văn phòng của Mặt trận Việt Minh giúp việc cho Chủ nhiệm Tổng bộ Việt Minh Nguyễn Lương Bằng, sau đó là đồng chí Hoàng Quốc Việt và dưới sự chỉ huy trực tiếp của Ủy viên thường trực Xuân Thủy. Vượt lên những trở ngại về sức khỏe khi vừa ở tù ra ông dốc toàn tâm, toàn lực cho công việc như lời tâm sự của ông trong dịp kỷ niệm 40 năm thành lập Mặt trận Việt Minh (19/5/1941 - 19/5/1981): “Vừa ra khỏi nhà tù Côn Đảo, mặc dù sức khỏe còn yếu, song với chức trách Chánh Văn phòng, trước “một núi công việc” vẫn cứ phải ngày đêm lao vào mà giải quyết. Phải làm sao để tham mưu, giúp Tổng bộ triển khai tốt Chỉ thị của Trung ương Đảng nhanh chóng mở rộng Mặt trận Việt Minh.
Cụ thể là phát triển thêm các tổ chức cứu quốc; thống nhất Việt Minh trong toàn kỳ (Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ) và toàn quốc; sửa lại Điều lệ của Mặt trận Việt Minh cho phù hợp với hoàn cảnh mới để kết nạp những cá nhân có uy tín vào Mặt trận, phát triển và mở rộng Phật giáo cứu quốc; giúp Đảng Dân chủ Việt Nam thống nhất và phát triển mạnh để thu hút vào Mặt trận các nhà tư sản, địa chủ yêu nước và tiến bộ…”2.
Người cán bộ đầy tinh thần trách nhiệm và nhiệt huyết cách mạng của Văn phòng Tổng bộ Việt Minh ấy khi tham gia phái đoàn Trung ương do đồng chí Lê Đức Thọ dẫn đầu vào Nam Bộ kháng chiến chống Pháp đã trăn trở nhiều đêm với bộn bề suy nghĩ: Làm sao thực hiện tốt chính sách đại đoàn kết của Bác và Trung ương. Làm sao đoàn kết với Cao Đài, Hòa Hảo, Công giáo, Bình Xuyên, người Hoa, người Khơme, nhân sĩ, trí thức (chiếm số đông và đóng vai trò quan trọng ở Nam Bộ lúc bấy giờ), làm sao để vận động, thuyết phục những người chưa hiểu đầy đủ về chủ nghĩa cộng sản để tranh thủ họ đứng về phía cách mạng và trung lập hóa những người lưng chừng, cô lập những phần tử xấu; đoàn kết anh em trong Đảng Dân chủ Nam Bộ, nâng cao giác ngộ cách mạng cho công-nông, nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ, quân đội…
Giữa năm 1962, ông được Đảng và Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam lựa chọn và cử làm Trưởng đoàn đi thành lập phái đoàn đại diện thường trú đầu tiên của Mặt trận tại đất nước Cuba anh hùng, mở đầu cho một loạt các cơ quan đại diện và phòng thông tin của Mặt trận được hình thành sau đó tại nhiều nước châu Á, châu Âu, châu Phi.
Theo quy định lúc ấy, tất cả cán bộ đi làm công tác Mặt trận ở nước ngoài đều phải đổi tên, đổi họ để đánh lạc hướng theo dõi của địch và không gây liên lụy cho gia đình. Vì vậy, ông lấy tên Lê Văn Thịnh. Trong thời gian chờ tiếp kiến Chủ tịch Phiđen Caxtơrô, ông cùng đồng chí Lý Văn Sáu, Phó đoàn đã lăn xả vào cuộc đấu tranh của nhân dân Cuba, tham dự các cuộc mít tinh từng khu phố của Thủ đô do Ủy ban Cách mạng tổ chức (CDR) lên án Mỹ, ủng hộ quyết tâm của nhân dân Cuba anh em. Ông được mời phát biểu bằng tiếng Việt (có phiên dịch) về tình hình chiến đấu chống Mỹ, cứu nước của đồng bào miền Nam tại một cuộc mít tinh tổ chức tại trường Đại học thành phố Xăng-chi-gô-đê Cuba được nhân dân Cuba chăm chú lắng nghe và hoan hô nhiệt liệt.
Lá cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam mà ông và cộng sự mang theo được các bạn Cuba rước đi long trọng trong cuộc tuần hành sau đó. Khi nghỉ ở khách sạn Ri-vi-ê-ra ở Thủ đô La Habana nơi hàng trăm khách quốc tế lưu lại ở đây, ông có điều kiện tiếp xúc với nhiều người trong số họ là những người đấu tranh cách mạng ở các nước Á, Phi, Mỹ latinh và châu Âu, tranh thủ trình bày với họ về cuộc chiến đấu chính nghĩa của nhân dân ta. Ông tranh thủ và tìm cách làm quen với một số gia đình cơ sở cách mạng người Cuba. Vì vậy, mặc dù chưa có cơ quan thường trú nhưng người dân Thủ đô La Habana đã dần quen với sự có mặt của người Việt Nam tại các cuộc họp quần chúng và các cuộc nói chuyện của ông đã tạo được sự quan tâm, để lại những tình cảm tốt đẹp.
Tại cuộc gặp lịch sử với Chủ tịch Phiđen Caxtơrô vào lúc 12 giờ đêm kéo dài đến 2 giờ sáng hôm sau, ông đã trân trọng chuyển lời thăm hỏi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của lãnh đạo Đảng ta và các vị lãnh đạo Mặt trận đến lãnh tụ Cuba, đồng thời thông báo nhanh gọn tình hình chiến đấu của nhân dân miền Nam đang ở giai đoạn gay go, quyết liệt, bày tỏ quyết tâm chiến đấu đến thắng lợi cuối cùng của nhân dân ta, đường lối đoàn kết toàn dân chống Mỹ.
Tại cuộc gặp này, Chủ tịch Phiđen Caxtơrô đã đồng ý với đề nghị của ta: “Yêu cầu của các đồng chí là hoàn toàn chính đáng, sẽ được thực hiện ngay, tôi giao cho bên các lực lượng vũ trang cách mạng lo cho các đồng chí phương tiện ăn ở, đi lại, làm việc và giao cho ICAP tạo mọi điều kiện để các đồng chí hoạt động. Mà tôi được báo cáo là tuy chưa có cơ quan thường trú các đồng chí cũng đã hoạt động tích cực lắm phải không?”3.
Ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và Mặt trận tin tưởng giao phó. Trụ sở phái đoàn đại diện thường trú đầu tiên của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ở nước ngoài được đặt tại một ngôi nhà lớn trên đại lộ số 5 (Quinta Avenida) quận Ma-ri-a-nao, Thủ đô La Habana được xem là một trong những đại lộ đẹp nhất châu Mỹ. Lá cờ nửa xanh nửa đỏ của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam kiêu hãnh tung bay cùng với quốc kỳ Cuba ghi dấu ấn lịch sử về sự thành công của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam trên mặt trận ngoại giao trong đó có sự đóng góp to lớn của Trưởng đoàn Lê Văn Thịnh.
Từ tháng 1/1978 đến năm 1982, với vai trò Phó Trưởng ban Dân vận - Mặt trận Trung ương, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ông không ngừng xây dựng và vun đắp cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Cả cuộc đời cống hiến cho cách mạng, cho Tổ quốc, đến tuổi nghỉ hưu theo chế độ mặc dù trong người có bệnh nhưng ông vẫn dõi theo từng bước đi của đất nước, tham gia sinh hoạt nhóm cán bộ lão thành cách mạng - cựu tù chính trị Côn Đảo để nắm tình hình trong nước, quốc tế. Các cuộc họp do Trung ương, Thành ủy, Quận ủy mời, ông đều tham dự nhiệt tình và tham góp nhiều ý kiến có giá trị với tâm niệm: Phải hết lòng với Đảng, với dân, với nước trên tinh thần trách nhiệm của đảng viên lâu năm.
80 năm tuổi đời, hơn 60 năm tuổi Đảng, trưởng thành trong lửa đạn chiến tranh, đồng chí Lê Toàn Thư đã sống trọn vẹn cuộc đời tận trung với nước, tận hiếu với dân, với sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc, nghĩa tình, thủy chung với đồng chí, đồng đội, gần gũi, nồng ấm với gia đình, quê hương, xứ sở. “Tấm gương trong sáng mà đồng chí để lại cho chúng ta dù ở bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào vẫn luôn thể hiện rõ sự kiên định về quan điểm lập trường của giai cấp công nhân, kiên trì đấu tranh để bảo vệ sự trong sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tuyệt đối trung thành và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, hy sinh tất cả cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc”.
Đồng chí Lê Toàn Thư (1921-2001).
Quê quán: xã Bạch Cừ, huyện Gia Khánh (nay là huyện Hoa Lư), tỉnh Ninh Bình.
Năm 1945: Trưởng ban Thanh vận tỉnh Hậu Giang (Nam Bộ), Bí thư huyện ủy Trà Ôn (Cần Thơ).
1946-1948: Tham gia Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng, Liên tỉnh ủy Hải Phòng-Kiến An, Phó Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Hải Phòng-Kiến An, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình, Chánh Văn phòng Tổng bộ Việt Minh.
1949-1960: Trưởng ban Tổ chức Xứ ủy Nam Bộ và Trung ương Cục miền Nam, Ủy viên Thường vụ Xứ ủy Nam Bộ, Trưởng ban Kiểm tra Quân - Dân - Chính Nam Bộ, Trưởng ban Tổ chức, Trưởng ban Tuyên huấn Xứ ủy Nam Bộ.
1960-1962: Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam khóa 3, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Trưởng đoàn đại diện Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam tại Cuba, Ủy viên Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.
1963-1981: Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Phó Trưởng ban Thống nhất Trung ương, Phó Trưởng ban Quốc tế nhân dân Trung ương, Phó Trưởng ban Dân vận-Mặt trận Trung ương, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Với những thành tích và đóng góp to lớn, ông được Đảng, Nhà nước tặng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương kháng chiến hạng Nhất, Huân chương kháng chiến chống Pháp hạng Nhất, Huân chương chống Mỹ hạng Nhất, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng.
Chú thích:
1. Nguyễn Duy Hiệp: “Người cha, người ông thân thương”, trong sách Lê Toàn Thư cả cuộc đời trung hiếu, Nxb. Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, 2002, tr.112.
2. Nguyễn Túc: “Nhớ anh Lê Toàn Thư, Chánh Văn phòng Tổng bộ Việt Minh”, Báo Đại đoàn kết ngày 4/10/2018.
3. Lý Văn Sáu: “Nhớ về đồng chí Lê Toàn Thư - Lê Văn Thịnh”, trong sách Lê Toàn Thư cả cuộc đời trung hiếu, Nxb. Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, 2002, tr. 193-194.