Đồng chí Lê Văn Lương - Trọn đời vì sự nghiệp của Đảng

Là người cộng sản kiên trung thuộc thế hệ đầu tiên của Đảng, học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Lê Văn Lương là một nhà lãnh đạo giàu kinh nghiệm, có nhân cách cao đẹp.

Đồng chí Lê Văn Lương, Bí thư Trung ương Đảng với công nhân vùng mỏ Quảng Ninh (tháng 1.1967). Ảnh: Ngọc Quán/ TTXVN

Đồng chí Lê Văn Lương, Bí thư Trung ương Đảng với công nhân vùng mỏ Quảng Ninh (tháng 1.1967). Ảnh: Ngọc Quán/ TTXVN

Đồng chí là tấm gương sáng về lòng yêu nước thương dân, suốt đời phấn đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.

Cuộc đời chiến đấu gian khổ vì lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân của đồng chí Lê Văn Lương gắn liền với lịch sử dân tộc từ năm 1912 đến hết thế kỷ XX và sự trưởng thành của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Người cộng sản kiên trung

Đồng chí Lê Văn Lương được thừa hưởng truyền thống tốt đẹp của một gia đình, dòng họ nho học và khoa bảng. Không chỉ riêng đồng chí Lê Văn Lương trở thành người cộng sản, mà cả mấy anh em ruột của đồng chí đều theo cách mạng.

Khi Lê Văn Lương theo học tại Hà Nội, cũng là lúc phong trào học sinh lên cao. Đó là lúc học sinh, sinh viên cả nước thực hiện các phong trào bãi khóa, để tang cụ Phan Chu Trinh, đòi thả tự do cho cụ Phan Bội Châu… Hơn nữa, Lê Văn Lương lại có những người bạn học có tư tưởng tiến bộ, cùng chí hướng như các đồng chí: Ngô Gia Tự, Nguyễn Văn Cừ… Từ đó, các tư tưởng cộng sản nhanh chóng được Lê Văn Lương tiếp thu.

Năm 15 tuổi, đồng chí đã tham gia Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Được đấu tranh và rèn luyện trong tổ chức cách mạng, đồng chí đã đem nhiệt huyết của tuổi trẻ đấu tranh chống áp bức bóc lột của thực dân, phong kiến. Năm 17 tuổi, đồng chí đã là một trong những đảng viên đầu tiên của Đảng.

Bị bắt và kết án tử hình khi mới 18 tuổi, với bản lĩnh và khí phách của người cộng sản chân chính, Lê Văn Lương đã cùng với các đồng chí của mình đã chuẩn bị sẵn tinh thần để hiên ngang lên máy chém… Bản lĩnh và khí phách ấy đã khiến những viên cai ngục nổi tiếng tàn bạo của chế độ thực dân phải nể trọng.

Suốt 15 năm lao tù, trong đó có 11 năm tại Côn Đảo, nơi được coi là địa ngục trần gian do thực dân đặt ra để đày đọa những người chống đối, đồng chí luôn giữ vững khí tiết cách mạng, phẩm chất cộng sản. Với tinh thần “biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng”, đồng chí Lê Văn Lương đã cùng với các đồng chí của mình thành lập Chi bộ cộng sản ngay tại cái “địa ngục trần gian” ấy.

Cũng tại đây, đồng chí được Chi bộ cử vào ban lãnh đạo nhà tù Côn Đảo, lãnh đạo các đảng viên trong nhà tù kiên cường đấu tranh với kẻ thù. Ngày đi làm khổ sai, tối đến, đồng chí Lê Văn Lương vẫn cần mẫn viết bài cho báo “Tiến lên”, tờ báo bí mật của Hội tù nhân, hướng dẫn đấu tranh trong tù và tập san “Ý kiến chung” - tập san nghiên cứu lý luận trong tù.

Những hoạt động tích cực của Chi bộ nhà tù và đồng chí Lê Văn Lương đã góp phần đào tạo, rèn luyện được một thế hệ cán bộ của Đảng dày dạn kinh nghiệm chỉ đạo phong trào cách mạng.

Học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Trong cuộc đời hoạt động của mình, sau Cách mạng Tháng Tám, phần lớn thời gian công tác của đồng chí là ở bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, nên đồng chí có điều kiện được trực tiếp nhận sự chỉ bảo của Bác Hồ. Đặc biệt, trong thời gian Bác Hồ sang Trung Quốc chữa bệnh, đồng chí Lê Văn Lương được Bộ Chính trị phân công thường trực ở bên Bác, lĩnh hội ý kiến chỉ đạo của Bác đối với cách mạng Việt Nam. Từ đó, tư tưởng, tình cảm, đạo đức, tác phong của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngấm sâu vào nhân cách của đồng chí Lê Văn Lương.

Sau này, khi Bác đã đi xa, nhưng trong công tác cũng như trong đời sống, đồng chí Lê Văn Lương vẫn thực hiện theo đạo đức, tác phong Chủ tịch Hồ Chí Minh. Điều đó, trong lời phát biểu của đồng chí Võ Chí Công, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước khi trao tặng Huân chương Sao vàng cho đồng chí Lê Văn Lương đã khẳng định: “Đồng chí Lê Văn Lương là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Đạo đức, tác phong mẫu mực của đồng chí cũng đã được khẳng định trong Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng trong giờ phút vĩnh biệt đồng chí: “Dù ở vị trí công tác nào, đồng chí luôn luôn một lòng, một dạ phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, cống hiến trọn đời cho lý tưởng cao cả của Đảng"...

Trong gần 70 năm liên tục phấn đấu, hy sinh cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, hoạt động của đồng chí Lê Văn Lương in dấu trên mọi miền đất nước. Qua nhiều thời kỳ với nhiều cương vị khác nhau, đồng chí Lê Văn Lương luôn tỏ rõ là một người cộng sản kiên cường, dũng cảm; một nhà lãnh đạo giàu kinh nghiệm, tài năng và đức độ, trung thực, ngay thẳng; là người nhân hậu, sống có tình có nghĩa với đồng chí, đồng bào.

Nhà lãnh đạo xuất sắc

Đồng chí Lê Văn Lương đã trải qua nhiều chức vụ của Đảng và Nhà nước. Trên các cương vị của mình, đồng chí đều thể hiện sự thận trọng, khéo léo trong xử lý công việc, nhưng kiên định về nguyên tắc Đảng.

Năm 1948, khi được bầu bổ sung làm Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được chỉ định làm Chánh Văn phòng Trung ương, đồng chí là người làm việc bên cạnh Bác Hồ và Thường vụ Trung ương Đảng, giúp Tổng Bí thư Trường Chinh giải quyết các công việc hằng ngày của Đảng.

Khi các Ban Đảng lần lượt ra đời: Đảng vụ (Tổ chức), Kiểm tra, Dân vận, Tài chính, với cương vị Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, đồng chí đã trực tiếp tổ chức xây dựng Văn phòng Trung ương trở thành cơ quan tham mưu đắc lực của Đảng.

Những ngày đầu thành lập, trong hoàn cảnh chiến tranh, vừa phải xây dựng, củng cố tổ chức, vừa tìm tòi, cải tiến phương pháp làm việc, lại phải di chuyển liên tục, nhưng công việc của Văn phòng Trung ương Đảng vẫn được tổ chức thông suốt, bảo vệ an toàn các đồng chí lãnh đạo, bảo vệ tài liệu của Đảng, giữ mối liên hệ giữa Trung ương và các khu ủy, tỉnh ủy.

Trong thời gian làm Trưởng ban Đảng vụ (từ 1948-1950), đồng chí đã giúp Trung ương Đảng soạn thảo Điều lệ Đảng mới, giúp Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư chuẩn bị về một số công việc liên quan đến tổ chức-cán bộ... góp phần tổ chức thành công Đại hội Đảng lần thứ II.

Trên cương vị Giám đốc đầu tiên của Trường Đảng Trung ương Nguyễn Ái Quốc (1949-1956), đồng chí đã góp phần giúp Trung ương Đảng tổ chức thành công Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất về công tác huấn luyện và học tập.

Bám sát nhiệm vụ chính trị, đường lối cách mạng Việt Nam, quán triệt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí luôn coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận-chính trị cho cán bộ, đảng viên. Trong các lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đồng chí trực tiếp giảng dạy, giải đáp những vấn đề về đường lối của Đảng, về lịch sử, kinh nghiệm và lý luận cách mạng Việt Nam cho các học viên.

Khi đảm nhiệm vai trò Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng, đồng chí Lê Văn Lương đã có nhiều đóng góp đối với sự nghiệp xây dựng Đảng ngày càng lớn mạnh. Công tác này đã góp phần phát triển đội ngũ cán bộ có phẩm chất và năng lực, xây dựng hệ thống tổ chức cơ sở Đảng vững mạnh ở các cấp, các ngành, với cơ chế hoạt động ngày càng tiến bộ.

Trên cương vị Bí thư Thành ủy Hà Nội trong suốt 10 năm (1976-1986), đồng chí đã cùng tập thể Thành ủy lãnh đạo Đảng bộ và nhân dân Thủ đô đạt được nhiều thành tích quan trọng trên mọi mặt công tác: chính trị, kinh tế, văn hóa-xã hội, giáo dục, đối ngoại, quốc phòng-an ninh, khoa học-kỹ thuật... trở thành điểm sáng để các địa phương trong cả nước học tập, noi theo.

Với những cống hiến to lớn đối với sự nghiệp cách mạng, đồng chí được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huy hiệu 50 năm tuổi đảng và nhiều Huân chương cao quý khác.

Có thể nói, cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Lê Văn Lương đã để lại những tình cảm tốt đẹp trong lòng đồng chí, đồng nghiệp và nhân dân. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết những dòng khái quát, cô đọng và chân tình: "Nói đến đồng chí Lê Văn Lương, tôi nghĩ, ngoài vấn đề công tác của anh trên nhiều trọng trách mà Đảng đã giao phó, cần nhấn mạnh đến con người Lê Văn Lương, đến đạo đức cách mạng, chí công vô tư, không hề có chút cá nhân chủ nghĩa; đến lối sống khiêm tốn trong sáng, giản dị, một lòng vì nước, vì dân, vì Đảng; phấn đấu sống và làm việc như một người cộng sản mẫu mực".

Những dấu mốc chính trong quá trình hoạt động cách mạng

Đồng chí Lê Văn Lương tên thật là Nguyễn Công Miều; sinh ngày 28.3.1912, tại làng Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.

Trong gần 70 năm hoạt động cách mạng, đồng chí có nhiều năm gắn bó với công tác đảng, được Đảng và Bác Hồ giao nhiều trọng trách:

- Ủy viên dự khuyết Xứ ủy Nam Bộ (1945);

- Trưởng ban Tổ chức Trung ương (giai đoạn 1948-1954 và giai đoạn 1973-1976);

- Giám đốc đầu tiên của Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc Trung ương (1949-1956);

- Tháng 2.1951, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng;

- Tháng 9.1960, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Ban Bí thư;

- Tháng 12.1976, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng, đồng chí tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và là Ủy viên Bộ Chính trị;

- Từ năm 1976-1986, đồng chí là Bí thư Thành ủy Hà Nội;

- Đồng chí là đại biểu Quốc hội khóa VI và khóa VII.

- Đồng chí Lê Văn Lương từ trần ngày 25.4.1995.

Theo TTXVN

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/xay-dung-dang---chinh-quyen/dong-chi-le-van-luong---tron-doi-vi-su-nghiep-cua-dang-199198