Đồng chí Lương Khánh Thiện - nhà lãnh đạo tài năng của Đảng và cách mạng Việt Nam

Hà Nam - mảnh đất địa linh nhân kiệt, có bề dày truyền thống văn hiến và cách mạng; là quê hương của nhiều anh hùng hào kiệt, danh nhân văn hóa nổi tiếng của đất nước, là quê hương của những chiến sĩ cách mạng kiên trung, trong đó có đồng chí Lương Khánh Thiện - nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng. Tuy đồng chí đã hy sinh cách đây gần 80 năm, nhưng tên tuổi và những cống hiến của đồng chí với Đảng, với dân tộc vẫn mãi là niềm tự hào, là tấm gương sáng để các thế hệ trẻ hôm nay trân trọng và học tập.

Đồng chí Lương Khánh Thiện sinh ngày 13-10-1903 tại thôn Mễ Thượng, xã Mễ Tràng, tổng Mễ Tràng, huyện Thanh Liêm (nay thuộc tổ dân phố Mễ Thượng, phường Liêm Chính, TP. Phủ Lý, tỉnh Hà Nam).

1 TRONG 4 ĐẢNG VIÊN ĐẦU TIÊN CỦA CHI BỘ CỘNG SẢN TP. HẢI PHÒNG

Với tư chất thông minh và tâm hồn nhạy cảm, tuổi ấu thơ gắn liền với quê hương, người lao động nghèo khổ, đồng chí thấu hiểu nỗi khổ cực, tủi nhục của người dân mất nước. Chính gia cảnh và cuộc sống lầm than của nhân dân đã sớm nhen nhóm trong con người đồng chí Lương Khánh Thiện tính tự lập, lòng nhân ái, căm thù kẻ áp bức, bóc lột đến tột cùng và nung nấu ý chí phải đánh đổ đế quốc, phong kiến, giành độc lập, tự do cho dân tộc.

Chân dung đồng chí Lương Khánh Thiện.

Chân dung đồng chí Lương Khánh Thiện.

Năm 1923, đồng chí rời quê ra TP. Hải Phòng, xin vào học ở Trường Kỹ nghệ thực hành Hải Phòng. Tại đây đồng chí đã tích cực tham gia các phong trào đấu tranh yêu nước của học sinh. Hoạt động nổi bật là, cuối năm 1925, đồng chí Lương Khánh Thiện đã cùng đồng chí Hoàng Quốc Việt, Lưu Bá Kỳ dẫn đầu đoàn học sinh Trường Kỹ nghệ thực hành xuống đường chặn xe của Toàn quyền Pháp Va-ren từ Đồ Sơn về Cầu Rào, đưa đơn đòi chính quyền thực dân Pháp phải trả tự do cho nhà chí sĩ Phan Bội Châu, gây tiếng vang lớn trong dư luận.

Năm 1926, đồng chí Lương Khánh Thiện về Nam Định làm thợ nguội tại nhà máy Sợi. Năm 1927, đồng chí được kết nạp vào Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên tỉnh Nam Định, đây là bước trưởng thành, giác ngộ cách mạng của đồng chí. Trong thời gian làm công nhân tại nhà máy Sợi (Nam Định), rồi nhà máy Tơ, nhà máy Chai tại Hải Phòng, đồng chí đã tích cực tuyên truyền, giác ngộ, vận động công nhân đấu tranh đòi quyền lợi cho người lao động, phát triển tổ chức Hội, thực hiện chủ trương “vô sản hóa” của Kỳ bộ Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên Bắc kỳ...

Tháng 4-1929, đồng chí được kết nạp Đảng, trở thành 1 trong 4 đảng viên đầu tiên của Chi bộ cộng sản TP. Hải Phòng do đồng chí Nguyễn Đức Cảnh phụ trách. Từ đây, cuộc đời cách mạng của đồng chí bước sang một giai đoạn mới, trở thành một nhà cách mạng chân chính.

Với tinh thần tự học tập, rèn luyện trong thực tiễn, đồng chí Lương Khánh Thiện đã trở thành người lãnh đạo có năng lực và uy tín của Đảng. Đồng chí đã được Đảng tin tưởng giao, nắm giữ nhiều chức vụ chủ chốt. Tháng 9-1936, sau khi được trả tự do, từ Côn Đảo trở về, đồng chí chắp mối liên lạc với Đảng. Cuối năm 1936, tại một địa điểm ở Gia Lâm, đồng chí Lương Khánh Thiện đã cùng với các đồng chí: Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Tô Hiệu, Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Văn Minh... bí mật thành lập Ủy ban sáng kiến, thực chất là tái lập Xứ ủy Bắc kỳ.

Ba lần bị địch bắt vào các năm 1929, 1938, 1941, bị giam tại nhà tù Hải Phòng, Hỏa Lò, bị đày ra Côn Đảo; bị địch dụ dỗ, mua chuộc, tra tấn dã man nhưng đồng chí luôn kiên gan chịu đựng, giữ vững phẩm chất của người cộng sản kiên trung. Không khuất phục được tinh thần thép của đồng chí, Tòa án của đế quốc Pháp đã kết án, đưa đồng chí đi xử bắn vào lúc 4 giờ 30 phút ngày 1-9-1941, tại chân núi Áng Sơn, huyện An Lão, tỉnh Kiến An (nay thuộc thị trấn Trường Sơn, huyện An Lão, TP. Hải Phòng).

Cho đến phút cuối của cuộc đời, đồng chí vẫn giữ trọn khí tiết của người cộng sản, sắt son với Đảng, vững một niềm tin tuyệt đối vào tương lai tất thắng của cách mạng.

Tháng 3-1937, đồng chí Lương Khánh Thiện được cử làm Bí thư Xứ ủy Bắc kỳ lâm thời - kiêm Bí thư Thành ủy Hà Nội. Trên cương vị Bí thư Xứ ủy, đồng chí đã chỉ đạo khôi phục lại các tổ chức cơ sở, xây dựng lực lượng cách mạng của Đảng ở Bắc kỳ, hoạt động theo phương thức mới: Bí mật, bán công khai và công khai, hợp pháp; từ trực tiếp đấu tranh sang đòi cải cách dân chủ, dân sinh... góp phần quan trọng vào thắng lợi của Đảng trong cao trào đấu tranh dân chủ những năm 1936 - 1939.

Từ tháng 9-1939, đồng chí được phân công chỉ đạo xây dựng căn cứ bí mật An toàn khu dự phòng của Xứ ủy ở tỉnh Phú Thọ. Tại các huyện: Cẩm Khê, Lâm Thao, Phù Ninh, Thanh Ba, Yên Lập, đồng chí chỉ đạo thành lập được 3 trong 4 chi bộ đầu tiên của tỉnh Phú Thọ đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Xứ ủy; đồng chí đã chủ trì thành lập Ban cán sự lâm thời tỉnh Phú Thọ.

Tháng 10-1940, đồng chí được phân công làm Bí thư Liên tỉnh B, gồm các tỉnh: Hải Phòng, Quảng Yên, Hòn Gai, Hải Dương, Hưng Yên, một phần tỉnh Kiến An; trực tiếp phụ trách Đảng bộ Hải Phòng. Nhận nhiệm vụ mới, trong thời điểm phong trào cách mạng Hải Phòng và Liên tỉnh B đang gặp nhiều khó khăn do địch tăng cường khủng bố, vây bắt cán bộ, nhiều cơ sở bị vỡ, đồng chí vẫn khôn khéo, linh hoạt qua mặt kẻ thù trong vai thầy lang, người bán vôi, thợ sửa điện...

Đồng chí đã chỉ đạo xây dựng khu vực Hải Dương làm căn cứ vững chắc cho Liên tỉnh. Dưới sự chỉ đạo của đồng chí, phong trào cách mạng ở Hải Phòng và Liên tỉnh B đã có chuyển biến tích cực, rõ rệt.

NGƯỜI CỘNG SẢN KIÊN TRUNG

Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Lương Khánh Thiện đầy chông gai, thử thách. Trải qua nhiều vị trí lãnh đạo, hoạt động ở nhiều địa phương khác nhau, dù ở đâu, thực hiện nhiệm vụ gì, đồng chí cũng hết lòng vì Đảng, vì nhân dân, vững vàng trước những khó khăn, thử thách, luôn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ và có những đóng góp to lớn cho Đảng, cho cách mạng.

Người dân xem trưng bày về sự nghiệp hoạt động cách mạng của đồng chí Lương Khánh Thiện tại nhà lưu niệm đồng chí tại phường Lam Hạ, TP. Phủ Lý, tỉnh Hà Nam.

Người dân xem trưng bày về sự nghiệp hoạt động cách mạng của đồng chí Lương Khánh Thiện tại nhà lưu niệm đồng chí tại phường Lam Hạ, TP. Phủ Lý, tỉnh Hà Nam.

Đầu năm 1941, trong khi đi nắm tình hình phong trào công nhân, đồng chí bị sa vào tay địch ở Thượng Lý. Với ý chí và tinh thần cách mạng kiên cường, trước mọi cực hình tra tấn của kẻ thù, không khuất phục được người cộng sản kiên cường, địch đưa đồng chí ra xử tại Tòa án binh, kết án tử hình và đưa về giam tại Nhà tù Hỏa Lò.

Tại xà lim tử hình Nhà tù Hỏa Lò, đồng chí Lương Khánh Thiện dành nhiều thời gian đào tạo, bồi dưỡng cho anh em tù tiếp tục nâng cao trình độ, bản lĩnh chính trị để tiếp tục sự nghiệp cách mạng. Theo Hồi ký của đồng chí Hoàng Cương, người cùng tham gia hoạt động và là bạn tù của đồng chí Lương Khánh Thiện: “Nửa đêm về sáng ngày 1-9 tức 2 giờ sáng ngày 2-9-1941, bọn đầu trâu mặt ngựa đã xông vào trại án tử hình, khóa tay đồng chí Thiện mang đi bắn ở Kiến An.

Lúc đó, tôi bàng hoàng, báo vội cho đồng chí Trần Cung cùng ở trong Ban lãnh đạo Nhà tù Hỏa Lò với tôi, kéo theo một số anh em, đồng chí tù chính trị gần đó xô ra cửa có chấn song sắt. Đồng chí Thiện hô khẩu hiệu: Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm! Cách mạng Việt Nam thành công muôn năm!. Rồi đồng chí Thiện chào chung: Xin chào các đồng chí”. Đồng chí Trần Cung, tôi và một số đồng chí cùng hô to: Đả đảo thực dân Pháp! Tinh thần Lương Khánh Thiện bất diệt!”. Tại chân núi Áng Sơn (Kiến An), trước lúc hy sinh, đồng chí nhìn thẳng vào kẻ thù: “Chúng mày giết tao thì cứ giết, nhưng thắng lợi nhất định thuộc về Đảng tao” và hô vang: “Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm! Cách mạng Việt Nam thành công muôn năm!”.

Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Lương Khánh Thiện, là dịp để chúng ta tri ân, tôn vinh tinh thần đấu tranh bất khuất, sự hy sinh anh dũng cùng những đóng góp to lớn của đồng chí Lương Khánh Thiện đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Qua đó, tiếp tục bồi đắp, giáo dục lòng yêu nước, truyền thống cách mạng, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” trong các tầng lớp nhân dân, nhất là cho thế hệ trẻ. Đây cũng là dịp để chúng ta noi theo tấm gương sáng ngời tinh thần cống hiến hy sinh của đồng chí Lương Khánh Thiện.

NHƯ LÊ

(tổng hợp)

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/chinh-tri/202310/ky-niem-120-nam-ngay-sinh-dong-chi-luong-khanh-thien-13-10-1903-13-10-2023-dong-chi-luong-khanh-thien-nha-lanh-dao-tai-nang-cua-dang-va-cach-mang-viet-nam-992879/