Đồng chí Nguyễn Hữu Thọ - Nhà trí thức yêu nước nhiệt thành, tấm gương tiêu biểu về đại đoàn kết dân tộc
Sáng 10/7, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề: 'Đồng chí Nguyễn Hữu Thọ - Nhà trí thức yêu nước nhiệt thành, tấm gương tiêu biểu về đại đoàn kết dân tộc'.

Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Quốc hội khóa VII (1981-1987). Ảnh tư liệu: TTXVN
Đồng chí Nguyễn Hữu Thọ (bí danh Ba Nghĩa), sinh ngày 10/7/1910 tại làng Long Phú, tổng Long Hưng Hạ, phủ Trung Quận, tỉnh Chợ Lớn (nay là xã Bến Lức, tỉnh Tây Ninh). Với ý chí phấn đấu nỗ lực không ngừng, Nguyễn Hữu Thọ đã tốt nghiệp Cử nhân Luật hạng xuất sắc tại Pháp và trở về Tổ quốc, đem kiến thức giúp dân, giúp nước, hoạt động luật sư và trở nên nổi tiếng khắp Nam Kỳ.
Chứng kiến sự đàn áp dã man của chính quyền thực dân đối với những người yêu nước và nhân dân vô tội trong cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ (11-1940), Nguyễn Hữu Thọ nhận rõ bản chất tàn bạo, tội ác man rợ của kẻ thù và khâm phục lòng yêu nước, tinh thần hy sinh anh dũng, ý chí kiên cường và lý tưởng cao đẹp của những người cộng sản. Dưới danh nghĩa tổ chức hướng đạo sinh, thông qua các hình thức hoạt động tập thể, hợp pháp, Nguyễn Hữu Thọ đã tích cực tham gia vận động quần chúng, nhất là tầng lớp thanh niên, sinh viên, trí thức đấu tranh đòi các quyền tự do, dân chủ. Đây chính là nơi tập hợp các hạt nhân thanh niên trí thức yêu nước, có tinh thần dân tộc, tổ chức các hoạt động xã hội, giáo dục truyền thống yêu nước, bí mật hoạt động chính trị và đấu tranh cho độc lập nước nhà.

Hội thảo: “Đồng chí Nguyễn Hữu Thọ - Nhà trí thức yêu nước nhiệt thành, tấm gương tiêu biểu về đại đoàn kết dân tộc”. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN
Năm 1945, Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc - kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Nền độc lập, hòa bình của nước nhà chưa được bao lâu, ngày 23/9/1945, thực dân Pháp đã nổ súng ở Nam Bộ, quay lại xâm lược nước ta một lần nữa. Với trái tim nhiệt huyết và lòng yêu nước nồng nàn, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã không bị mua chuộc, dụ dỗ bởi lời mời gọi kèm theo quyền lực, tiền bạc của thực dân Pháp, mà bí mật tham gia các hoạt động yêu nước của giới trí thức.
Tại Đại hội lần thứ I- Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (2/1962), đồng chí Nguyễn Hữu Thọ được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Trên cương vị người đứng đầu Mặt trận, đồng chí đã quán triệt và thực hiện thành công tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông đã nhận thức rõ vai trò của đại đoàn kết trong sự nghiệp cách mạng. Đoàn kết là lực lượng mạnh nhất, đoàn kết là then chốt của thành công.

Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đọc diễn văn mừng chiến thắng, thống nhất đất nước trước hàng vạn đồng bào Sài Gòn, ngày 15/5/1975. Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát
Đất nước thống nhất, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ được bầu làm Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (tháng 6/1976); Quyền Chủ tịch nước (tháng 4/1980); Chủ tịch Quốc hội và Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (tháng 7/1981).
Xuất phát từ lòng yêu nước, thương yêu đồng bào, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã đến với con đường cách mạng vô sản, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội - con đường mà Đảng, nhân dân Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn, trở thành một nhà cách mạng chân chính - một đảng viên cộng sản ưu tú, một nhà lãnh đạo tài năng của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Mặt trận, người học trò trung thành, người kế tục xuất sắc sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

PGS.TS Đinh Ngọc Giang, Vụ trưởng Vụ Quản lý khoa học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu khai mạc và đề dẫn Hội thảo. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN
Theo Tiến sĩ Lê Trung Kiên (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), thông qua nhiều hoạt động khảo sát thực tiễn, gần gũi các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là công nhân và dân nghèo, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ càng hun đúc tinh thần cách mạng, ý thức được sức mạnh về lòng yêu nước và đoàn kết của quần chúng nhân dân. Từ đó, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ tích cực tham gia nhiều hoạt động cách mạng hướng về nhân dân để không ngừng đoàn kết họ, thức tỉnh họ, giúp đỡ họ và kêu gọi họ đứng ra đấu tranh. Đồng chí Nguyễn Hữu Thọ cho rằng: “Đoàn kết dân tộc là lẽ sống của chúng ta, mọi tầng lớp gắn bó nhường cơm sẻ áo, giàu nghèo có nhau”.
Trong thời kỳ lịch sử đặc biệt quan trọng của dân tộc Việt Nam đấu tranh chống đế quốc Mỹ, giải phóng dân tộc, những hoạt động và cống hiến đầy khó khăn, gian khổ của đồng chí Nguyễn Hữu Thọ là minh chứng sinh động về chủ nghĩa yêu nước, tinh thần đấu tranh bất khuất của dân tộc. Qua những cương vị lãnh đạo của đồng chí Nguyễn Hữu Thọ càng chứng minh về khả năng và tầm nhìn có ý nghĩa quyết định thành công của cách mạng là xây dựng, củng cố và phát triển khối đại đoàn kết dân tộc tại miền Nam Việt Nam.

Các đại biểu dự hội thảo chụp ảnh chung. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN
Qua đó, những đóng góp của đồng chí Nguyễn Hữu Thọ có ý nghĩa thực tiễn quan trọng làm nên chiến thắng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và xây dựng nước Việt Nam theo con đường xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, bối cảnh hiện nay cần tiếp tục củng cố, phát huy truyền thống đoàn kết toàn dân tộc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nhiều ý kiến tại Hội thảo khẳng định, với hơn 80 tuổi đời, 50 năm hoạt động cách mạng liên tục, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ là một tấm gương sáng về tinh thần yêu nước, ý chí đấu tranh cách mạng kiên cường vì độc lập dân tộc, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Ở mọi cương vị công tác đồng chí đều thể hiện bản lĩnh, trí tuệ và phẩm chất của người chiến sĩ cách mạng, được đồng bào, đồng chí yêu mến, tin cậy, được bạn bè quốc tế nể trọng. Di sản quý báu của đồng chí để lại kết tinh thành hệ giá trị, mang nhiều chỉ dẫn quý báu cho công cuộc đổi mới đất nước hiện nay.