Đồng chí Nguyễn Tấn Thành: Là ngọn cờ, là linh hồn của vùng đất Long Hưng

Đồng chí Nguyễn Tấn Thành, bí danh là Chín Kỉnh, sinh năm 1922, trong một gia đình nông dân tại xóm Vựa, xã Long Hưng, huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang). Trên vùng đất này, suốt 9 năm từ năm 1940 đến năm 1949, người chiến sĩ, người chỉ huy du kích này đã chiến đấu không phút giây rời tay súng. Và cũng trong 9 năm gian khổ đó, cùng với những người chỉ huy khác, đồng chí Chín Kỉnh luôn là ngọn cờ, là linh hồn của vùng đất Long Hưng.

Kinh Nguyễn Tấn Thành ngày nay. Ảnh: MINH THÀNH

Kinh Nguyễn Tấn Thành ngày nay. Ảnh: MINH THÀNH

16 TUỔI - THAM GIA KHỞI NGHĨA NAM KỲ

Năm 1938, khi 16 tuổi, lên Sài Gòn tham gia phong trào “Đông Dương đại hội” và các “Ủy ban Hành động” do Đảng Cộng sản phát động. Tại đây, đồng chí đã tiếp xúc được những cán bộ ưu tú của Đảng Cộng sản đang công khai hoạt động như: Nguyễn Văn Nguyễn, Nguyễn Văn Tạo, Dương Bạch Mai, Nguyễn Thị Lựu...

Khi 18 tuổi, đồng chí quay về quê nhà tham gia vào phong trào tập luyện võ nghệ, bên ngoài danh nghĩa là chống trộm cướp để che mắt địch, thực chất là chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa năm 1940 do các đồng chí Nguyễn Thị Thập, Bảy Quới, Bảy Ghè, Năm Giác trong Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh Mỹ Tho phát động.

Đồng chí Chín Kỉnh mất đi, Đảng bộ Mỹ Tho mất một người đảng viên ưu tú, nhân dân và bộ đội Mỹ Tho mất một người chỉ huy trẻ, tài ba. Để tưởng nhớ công lao của đồng chí, Ủy ban Kháng chiến Hành chánh Nam bộ lấy tên đồng chí đặt cho kinh xáng Lacomb chảy xuyên qua quê hương đồng chí.

Ngày 23-11-1940, khi tiếng tù và, tiếng mõ, tiếng trống của nghĩa quân Nam Kỳ nổi lên, đồng chí Chín Kỉnh đã nằm trong đội tự vệ bảo vệ các cuộc mít tinh, tuần hành thị uy của dân chúng trong xã. Tháng 1-1941, giặc Pháp huy động cả thủy lục không quân tấn công vào huyện Châu Thành và trung tâm điểm là Long Hưng. Một số đảng viên lộ mặt được lệnh rút đi, một số ở lại chiến đấu kìm chân địch. Đồng chí Chín Kỉnh tự nguyện ở lại, ở lẫn trong dân để theo dõi, giáo dục số người dao động có thể ra đầu hàng.

Địch đưa quân về đóng lại ở Long Hưng, lùng sục gắt gao các đồng chí hoạt động cách mạng. Đồng chí tạm lánh lên Chợ Lớn làm nghề kéo xe, ở xóm thợ gần ga xe điện Lu-Vanh, có lúc vào ẩn náu ở Tân Ninh, Nhơn Ninh, Đồng Tháp Mười. Lúc nào đồng chí cũng giữ liên lạc với nhóm đảng viên ở xã Đốc Binh Kiều trong đồn điền của Hội đồng Bền do đồng chí Tám Cảnh phụ trách và nhóm đảng viên với quần chúng cảm tình lên ở xóm nhà lá gần cầu Cây Gõ Phú Lâm do đồng chí Năm Tân lãnh đạo.

Tháng 8-1944, đồng chí Mười Thập, phái viên Xứ ủy Lâm thời Nam Kỳ về Đồng Tháp Mười tìm gặp số đảng viên của Mỹ Tho. Đồng chí Mười Thập phổ biến chỉ thị của Trung ương Đảng là thời cơ đã đến, các đảng viên phải trở về địa bàn cũ, xây dựng lại cơ sở, phổ biến chương trình Việt Minh chống Pháp, đuổi Nhật. Riêng với đồng chí Chín Kỉnh thì đồng chí Mười Thập giao nhiệm vụ trở về xây dựng đội vũ trang của huyện Châu Thành.

Từ năm 1940, đồng chí Chín Kỉnh vẫn bám xã nên biết rõ những thanh niên nhiệt huyết và trung thành với cách mạng để tuyển chọn. Tháng 8-1945, cùng một lúc với TP. Mỹ Tho, nhân dân xã Long Hưng dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương nổi lên giành chính quyền. Đồng chí Chín Kỉnh và đội vũ trang tước hết vũ khí các đồn ở Long Hưng và các xã chung quanh.

Tháng 10-1945, Pháp cho tàu chiến vào sông Tiền đổ quân lên chiếm TP. Mỹ Tho và dùng tàu này chạy dọc theo sông Tiền bắn phá các xã ven sông để thăm dò lực lượng của ta. Đội vũ trang của đồng chí Chín Kỉnh mang phiên hiệu Phân đội Tự vệ Chiến đấu quân đắp phòng tuyến ở vàm kinh xáng Lacomb, đã nhiều lần nổ súng không cho địch bén mảng đến vàm kinh.

Tháng 11-1945, Tỉnh ủy và Ủy ban Kháng chiến tỉnh Mỹ Tho quyết định thành lập bộ đội Thủ Khoa Huân và giao nhiệm vụ tổ chức 3 mặt trận trên kinh xáng Lacomb để chặn địch không cho từ TP. Mỹ Tho bung ra xâm chiếm các huyện Cai Lậy, Cái Bè. Phân đội Tự vệ Chiến đấu quân của đồng chí Chín Kỉnh lãnh trách nhiệm giữ mặt trận bến đò Long Hưng. Khi mặt trận bị vỡ, bộ đội Thủ Khoa Huân rút đi, riêng đơn vị của đồng chí Chín Kỉnh vẫn bám lại 3 xã Long Hưng, Long Định, Tam Hiệp. Tiếng tăm của bộ đội Chín Kỉnh vang xa khắp tỉnh.

Giữa tháng 3-1946, Hội nghị quân dân chính tỉnh Mỹ Tho cử đồng chí Nguyễn Tấn Thành (Chín Kỉnh) làm Ủy viên Quân sự tỉnh. Thực hiện nghị quyết của Ủy ban Kháng chiến tỉnh, đồng chí Chín Kỉnh đưa Đại đội Dân quân phối hợp với Quốc vệ đội, luồn sâu xuống các xã phá tề, diệt ác, trấn áp bọn lưu manh, trộm cướp. Những đối tượng nguy hiểm tự tay đồng chí Chín Kỉnh diệt trừ. Sự kiện trên làm chấn động giới lưu manh trộm cướp phá rối trật tự an ninh và bọn làng lính, tay sai, chỉ điểm. Chúng hoặc trốn đi xứ khác hoặc ra đầu thú với chính quyền cách mạng để được giảm tội.

CHỦ TRƯƠNG ĐÀO KINH KHÁNG CHIẾN

Tỉnh Mỹ Tho có nhiều kinh, rạch. Địch thường dùng tàu sắt chở lính đột kích vào căn cứ ta. Đồng chí Chín Kỉnh chủ trương đắp cản ngăn tàu giặc. Nhân dân cùng Dân quân Tự vệ đắp hàng loạt cản đất, cản cây, cản lục bình ở cầu Thanh Mỹ, Kinh Nhì, Kinh Ba, Chùa Phật Đá, Kinh Mười, Lung Tràm, Kinh Bằng Lăng…

Ngoài ra, đồng chí còn cho đào các kinh kháng chiến khắp các cánh đồng Nam Bắc lộ Đông Dương (nay là Quốc lộ 1) và đắp những bờ chướng cách vườn từ 50 đến 100 m, có hầm hố tránh bom, tạo địa hình ngăn chặn xe lội nước và tiện cho quân ta phục kích đánh địch hành quân ban ngày. Người dân Long Hưng phấn khởi nhất khi đồng chí Chín Kỉnh cho đào con kinh dẫn nước từ kinh xáng Lacomb xuyên qua xóm Vựa đến giáp xã Phước Thạnh, dài 5 km đến năm 1948 mới xong. Chủ trương này đã đem lại ích lợi cho chiến tranh chống giặc và xây dựng cuộc sống.

Từ khi được giao nhiệm vụ lãnh đạo quân sự, đồng chí Chín Kỉnh ý thức công tác phá hoại các trục giao thông là mặt trận vô cùng lợi hại của cuộc chiến tranh du kích. Từ tháng 6-1946, đồng chí đẩy mạnh công tác phá hoại giao thông trong toàn tỉnh. Các con lộ ở xa địch thì đào bứt lộ, phá cầu. Lộ Đông Dương là con lộ huyết mạch của địch, vậy mà trong 2 năm liền 1946 - 1947, đồng chí Chín Kỉnh đã tổ chức 2 cuộc phá hoại quy mô, mỗi cuộc hàng vạn người trong toàn tỉnh tham gia kéo dài suốt tuần lễ làm gián đoạn giao thông từ Sài Gòn xuống miền Tây.

Địch tiến hành bình định, rải quân đóng đồn, hành quân lẻ tẻ đột kích xung quanh đồn và trên lộ giao thông. Đồng chí Chín Kỉnh đã cho từng tổ, từng du kích đi sâu vào trong lòng địch, nghi trang làm thường dân để đánh địch. Trên lộ Đông Dương, tại các ga xe lửa, trên xe lửa, các phiên chợ đông đã diễn ra những cuộc tay không cướp súng giặc.

Đồng chí trực tiếp chỉ huy Đại đội Dân quân tỉnh tấn công các vị trí địch chiếm đóng, điển hình như trận đánh đồn Tân Lý Tây tháng 8-1947, trận đánh liên hoàn vào các đồn của địch trên lộ 28 trong tháng 4-1948, trận đánh diệt đồn Kinh Xáng Lacomb trên lộ Đông Dương tháng 6-1948…

Để phát động phong trào toàn dân đánh giặc sâu rộng và đều khắp, đồng chí Chín Kỉnh rất coi trọng tổ chức bộ máy lãnh đạo dân quân từ tỉnh đến huyện, thị, xã. Số súng lấy được phân phối thành lập các trung đội du kích tập trung huyện. Xã đều có tiểu đội du kích thoát ly và nhiều đại đội dân quân tự vệ làm nhiệm vụ phá hoại, đào kinh, đắp cản, canh gác,vận tải. Giữa năm 1947, đồng chí còn cho mở khóa đào tạo cán bộ nữ dân quân. Đại đội Dân quân tỉnh có 1 trung đội nữ dân quân làm nhiệm vụ vũ trang tuyên truyền đi sâu vào vùng tạm chiếm.

Đầu năm 1949, đồng chí Chín Kỉnh được lệnh điều động về Bộ Tư lệnh Nam bộ. Trước khi ra đi, đồng chí chỉ huy Đại đội Dân quân tỉnh kết hợp nội tuyến tập kích đồn An Thạnh nằm trên lộ Đông Dương thuộc xã Phước Thạnh. Khi đồng chí dẫn đơn vị vượt hàng rào một thì tên nội ứng phản bội ở trên chòi canh ném lựu đạn xuống. Đồng chí bị thương, nằm lại trong vòng rào và đã hy sinh ở tuổi 27.

HỒNG LÊ (tổng hợp)

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/chinh-tri/202107/dong-chi-nguyen-tan-thanh-la-ngon-co-la-linh-hon-cua-vung-dat-long-hung-929258/