Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương: Thanh Hóa sẽ trở thành một cực tăng trưởng mới

'Nghị quyết số 58 không phải chỉ dừng lại ở việc phát triển cho Thanh Hóa mà còn góp phần thúc đẩy, lan tỏa cho phát triển của cả nước. Đấy là ý nghĩa hết sức quan trọng.' - Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại Hội nghị trực tuyến nghiên cứu, học tập, quán triệt, triển khai Nghị quyết số 58-NQ/TW, ngày 05/08/2020 của Bộ Chính trị 'Về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045' do Ban Kinh tế Trung ương và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa phối hợp tổ chức sáng 31-8-2020.

 Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Quốc Hương

Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Quốc Hương

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương đã nhấn mạnh tầm quan trọng, ý nghĩa hết sức to lớn của Nghị quyết số 58 của Bộ Chính trị về Thanh Hóa: “Chúng ta có thể nói rằng đây là một mốc son trong chặng đường xây dựng và phát triển của tỉnh Thanh Hóa. Và không phải chỉ dừng ở đó mà còn là mốc son để khẳng định vị trí, vai trò, tầm quan trọng của Thanh Hóa trong đóng góp đối với xây dựng và phát triển của cả đất nước chúng ta. Để có được nghị quyết ngày hôm nay, đó là sự kết tinh nỗ lực rất to lớn của toàn thể cán bộ, chiến sĩ và đồng bào Thanh Hóa trong suốt chặng đường lịch sử vừa qua. Nhưng đồng thời cũng thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Trung ương đối với Thanh Hóa. Với nghị quyết này Thanh Hóa sẽ rất phát triển, sẽ đóng góp rất nhiều trong sự nghiệp chung của đất nước”.

Theo đánh giá của Trung ương, trong suốt thời kỳ từ lúc đổi mới đến nay, Thanh Hóa phần lớn nằm trong giai đoạn khó khăn. Nhưng một vài nhiệm kỳ gần đây, đặc biệt là nhiệm kỳ 2010 – 2015 và 2015 – 2020, Thanh Hóa đã có bước phát triển đột phá hết sức to lớn. Dẫn lại lời Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thanh Hóa lúc sinh thời Người về thăm: “Tỉnh Thanh theo tôi, muốn trở thành một tỉnh kiểu mẫu, nhất định được, vì người đông, đất rộng, của nhiều, chỉ còn thiếu sự điều khiển sắp đặt”, đồng chí Nguyễn Văn Bình cho rằng Thanh Hóa đã vượt qua rất nhiều khó khăn, với quyết tâm rất cao để thực hiện lời căn dặn của Bác.

“Hai nhiệm kỳ gần đây, kể cả Trung ương và Thanh Hóa đã thể hiện được khả năng khéo điều khiển, khéo sắp đặt. Chúng ta có Khu Kinh tế Nghi Sơn với trọng điểm là Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn... Trong quá trình thảo luận để triển khai Dự án Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn thì ý kiến của nhiều nhà phân tích, nhiều nhà khoa học cho rằng Nhà máy Lọc hóa dầu nên đặt ở Bà Rịa – Vũng Tàu hơn là ở Thanh Hóa. Thế nhưng Bộ Chính trị với tầm nhìn, quan điểm phải thể hiện làm sao khéo điều khiển thì Bộ Chính trị đã quyết định đặt Nhà máy Lọc hóa dầu ở Nghi Sơn, Thanh Hóa. Hôm nay điểm lại, chúng ta thấy rằng Khu Kinh tế Nghi Sơn của chúng ta là một Khu Kinh tế được Trung ương cho những cơ chế, chính sách hấp dẫn nhất trong các Khu Kinh tế của cả nước. Điều đó đã thể hiện sự khéo bố trí, khéo sắp đặt của Trung ương.

Đấy là nói về Trung ương, Trung ương khéo điều khiển đấy, khéo sắp đặt đấy, thế nhưng việc sắp đặt đó cũng chỉ là sắp đặt thôi. Còn nó có phát triển được hay không thì đấy chính là cái nỗ lực, cái quyết tâm, cái phấn đấu, cái khát vọng vươn lên của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thanh Hóa, thì chúng ta đã đạt được những thành tựu hết sức to lớn và mang tính đột phá. Đến nay thu ngân sách của chúng ta đã xấp xỉ 30 nghìn tỷ đồng, mà chỉ cách đây không lâu, có 5 năm thôi, chúng ta vẫn còn rất khó khăn. Thế thì tất cả những việc đó, chúng ta đã chứng minh một cách rất rõ ràng rằng nếu Trung ương và địa phương khéo điều khiển, khéo sắp đặt thì Thanh Hóa thực sự là của cải nhiều”.

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Quốc Hương

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Quốc Hương

“Chính xuất phát từ nhận thức như vậy, Bộ Chính trị đã quyết định ban hành Nghị quyết số 58 về Thanh Hóa. Chúng ta thấy rằng nghị quyết này không phải là chỉ dành riêng cho Thanh Hóa mà còn có ý nghĩa đối với cả nước. Vì với Nghị quyết này, đã chỉ rõ Thanh Hóa sẽ tạo ra một cực tăng trưởng để tạo ra một tứ giác phát triển trên nền tảng tam giác phát triển trước đây chúng ta đã có. Trước đây chúng ta có tam giác phát triển là Hà Nội – Hải Phòng và Quảng Ninh. Bây giờ Bộ Chính trị thấy rằng với tiềm năng và với những kết quả ban đầu mà Thanh Hóa đã đạt được thì sẽ tạo ra một tứ giác phát triển. Với phát triển của Thanh Hóa thì Thanh Hóa cũng sẽ trở thành một cực phát triển, một động lực phát triển cho khu vực Bắc Trung Bộ và tạo ra một kết nối giữa Bắc Trung Bộ với tứ giác phát triển như tôi đã nói, nhưng đồng thời tạo ra kết nối giữa Bắc Trung Bộ, Thanh Hóa với duyên hải Bắc bộ cũng như với khu vực Tây Bắc. Có nghĩa là với sự phát triển của Thanh Hóa sẽ tạo ra sức lan tỏa, thúc đẩy sự phát triển của hầu như toàn bộ các tỉnh phía Bắc. Nghị quyết số 58 không phải chỉ dừng lại ở việc phát triển cho Thanh Hóa mà còn góp phần thúc đẩy, lan tỏa cho phát triển của cả nước. Đấy là ý nghĩa hết sức quan trọng”.

Khẳng định ý nghĩa tầm quan trọng của Nghị quyết 58 đối với Thanh Hóa cũng như khu vực và với cả nước, đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương cũng cho rằng phải nhận thức hết sức đúng đắn, sâu sắc, đầy đủ và có một kế hoạch triển khai hết sức hiệu quả, thiết thực để đưa Nghị quyết số 58 đi vào thực tiễn cuộc sống:

“Để có được nghị quyết, chúng ta đã dày công phấn đấu. Nhưng làm sao thực hiện thắng lợi nghị quyết thì lại là nhiệm vụ vô cùng quan trọng và có ý nghĩa quyết định. Muốn thực hiện thắng lợi, thì đầu tiên chúng ta phải thấm nhuần, chúng ta phải nhận thức sâu sắc. Nhận thức này không phải chỉ ở cán bộ, đảng viên mà phải làm sao mọi người dân Thanh Hóa cũng phải nhận thức, cũng phải ý thức được tinh thần của nghị quyết. Bởi việc có khó đến mấy nếu nhận được sự vào cuộc, sự đồng tình ủng hộ của người dân thì nhất định sẽ thắng lợi”.

Các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Quốc Hương

Các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Quốc Hương

Đồng chí lưu ý: “Các chương trình triển khai nghị quyết không chỉ là chương trình của các cấp ủy, của các cấp chính quyền, mà phải làm sao cho người dân cũng đồng tình ủng hộ và nắm rất chắc chương trình này, để qua đó người dân sẽ đồng hành, sẽ tham gia, sẽ ủng hộ các nội dung trong chương trình. Nhưng đồng thời người dân cũng sẽ giám sát các cấp ủy đảng, các cấp chính quyền trong quá trình thực hiện, để làm sao qua hàng năm, qua từng nhiệm kỳ, người dân Thanh Hóa sẽ được thụ hưởng tất cả những thành tựu của quá trình phát triển đó”.

Bên cạnh sự nỗ lực, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Thanh Hóa, đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, cho rằng sự hỗ trợ, giúp đỡ của các ban, bộ, ngành Trung ương trong việc cụ thể hóa các nội dung của Nghị quyết số 58 đóng vai trò rất quan trọng để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết đã đề ra: “Phải có 2 mũi giáp công. Từ địa phương cũng như từ Trung ương thì Nghị quyết mới thành hiện thực. Chứ còn nhiều nội dung tỉnh có quyết tâm đến mấy mà Trung ương không tháo gỡ, Trung ương không ủng hộ, Trung ương không đồng hành thì cũng kéo dài, thậm chí còn làm kém hiệu quả của việc thực hiện Nghị quyết. Tôi thay mặt các đồng chí lãnh đạo Bộ Chính trị, Ban Bí thư, có niềm tin hết sức sâu sắc rằng Thanh Hóa với bề dày lịch sử, với truyền thống cách mạng, với nền tảng văn hóa và với con người Thanh Hóa, nhất là trong giai đoạn hiện nay với khát vọng, với quyết tâm rất to lớn thì nhất định chúng ta sẽ triển khai Nghị quyết này một cách thắng lợi”.

Đồng chí cũng đề nghị tỉnh Thanh Hóa, ngay sau khi Chính phủ ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 58 của Bộ Chính trị, Thanh Hóa cần tiếp thu, bổ sung vào chương trình hành động của tỉnh, bảo đảm thực hiện đồng bộ, hiệu quả. Đồng chí đề nghị phải tổ chức thật tốt việc học tập, nghiên cứu, quán triệt nghị quyết, “để làm sao nghị quyết của chúng ta được quán triệt, thấm nhuần đến từng cán bộ, đảng viên, cũng như từng người dân trong tỉnh”; “Tôi đề nghị tỉnh cụ thể hóa nghị quyết này hơn nữa. Cụ thể hóa cho các sở, ban, ngành; cụ thể hóa các nhiệm vụ đến từng cấp huyện; cấp huyện cụ thể hóa đến từng cấp xã; làm sao cho mỗi cán bộ, đảng viên trong hệ thống của chúng ta biết rất rõ chúng ta phải làm gì để thực hiện Nghị quyết này, đặc biệt là phải làm gì trong 5 năm tới. Nghị quyết lần này được ban hành trước khi chúng ta xây dựng các văn kiện của Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025, nên tinh thần cốt lõi của Báo cáo chính trị của Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ tới phải thể hiện đầy đủ, sâu sắc tinh thần của Nghị quyết 58. Tóm lại, sau khi học tập, quán triệt, có các chương trình hành động, thì chúng ta trở thành 1 cỗ máy rất là nhuần nhuyễn, mục tiêu là làm cho nghị quyết đi vào cuộc sống. Để 5 năm sau chúng ta có thể đạt được, thậm chí vượt kế hoạch những mục tiêu, chương trình chúng ta đề ra”.

Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương khẳng định: “Thanh Hóa đã thức tỉnh. Và bây giờ Thanh Hóa phải vươn mình đứng dậy để thực sự cùng với các địa phương, cùng với cả nước, Thanh Hóa phải thực sự trở thành tỉnh kiểu mẫu như Bác Hồ đã căn dặn. Thanh Hóa đóng vai trò quan trọng giúp cho các địa phương khác và cho cả nước ta trở thành 1 nước kiểu mẫu, thì điều đó mới khẳng định được rằng chúng ta mới sánh vai được với các cường quốc năm châu. Với tinh thần đó, tôi xin chúc Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Thanh Hóa, với quyết tâm nỗ lực cao hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ trong Nghị quyết 58 đã đề ra”.

Việt Linh (thực hiện)

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/thoi-su/dong-chi-nguyen-van-binh-uy-vien-bo-chinh-tri-bi-thu-trung-uong-dang-truong-ban-kinh-te-trung-uong-thanh-hoa-se-tro-thanh-mot-cuc-tang-truong-moi/123722.htm