Đồng chí Phạm Đại Dương tái đắc cử Bí thư Tỉnh ủy

Các đại biểu bỏ phiếu bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII. Ảnh: NGỌC CHUNG

* Đồng chí Cao Thị Hòa An và Trần Hữu Thế được bầu giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy

Ngày 15/10, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII tiếp tục làm việc ngày chính thức thứ hai. Trong đó, trọng tâm là bầu Ban Chấp hành (BCH), Ban Thường vụ, Bí thư và 2 Phó Bí thư, Ủy ban Kiểm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; bầu Đoàn đại biểu dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Quang cảnh đại hội ngày 15/10. Ảnh: NGỌC THẮNG

Quang cảnh đại hội ngày 15/10. Ảnh: NGỌC THẮNG

49 đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành nhiệm kỳ 2020-2025

Trong phiên làm việc buổi sáng, đại hội đã dành phần lớn thời gian thảo luận về công tác nhân sự và thực hiện quy trình bầu BCH Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025. Thay mặt Đoàn chủ tịch đại hội, đồng chí Phạm Đại Dương, Bí thư Tỉnh ủy khóa XVI, Chủ tịch UBND tỉnh đã quán triệt yêu cầu, tiêu chuẩn, cơ cấu, số lượng Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVII; trình bày báo cáo đề án nhân sự BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 do BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVI chuẩn bị. Đồng chí Phạm Đại Dương cho biết, các bước chuẩn bị nhân sự BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVII, được BCH khóa XVI thực hiện theo đúng quy trình, trên tinh thần khách quan, dân chủ, bảo đảm tiêu chuẩn, cơ cấu, tính kế thừa và số dư theo quy định.

Đại hội đã tập trung thảo luận, thống nhất về số lượng BCH khóa XVII gồm 49 đồng chí; thống nhất thông qua danh sách giới thiệu nhân sự để bầu vào BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 gồm 54 đồng chí.

Các đại biểu dự đại hội tiến hành bầu cử. Ảnh: LÊ HẢO

Các đại biểu dự đại hội tiến hành bầu cử. Ảnh: LÊ HẢO

Phát huy tinh thần trách nhiệm, 318 đại biểu đại diện cho hơn 43.500 đảng viên trong toàn Đảng bộ dự đại hội đã bầu 49 đồng chí vào BCH khóa mới. Đây là những đồng chí có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ, năng lực, uy tín, tâm huyết, trách nhiệm trong công tác, có sức khỏe tốt đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong nhiệm kỳ 2020-2025.

Tiếp đó, đại hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm giới thiệu nhân sự để bầu chức danh Bí thư Tỉnh ủy trong số 49 đồng chí vừa trúng cử BCH khóa mới. Kết quả, đồng chí Phạm Đại Dương được các đại biểu tín nhiệm giới thiệu để bầu giữ chức Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020-2025. Tại hội nghị lần thứ nhất, BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 tiến hành bầu Ban Thường vụ, Bí thư, các Phó Bí thư, Ủy ban Kiểm tra và Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy. Kết quả, BCH đã bầu Ban Thường vụ gồm 15 đồng chí. Đồng chí Phạm Đại Dương (Bí thư Tỉnh ủy (khóa XVI), Chủ tịch UBND tỉnh được BCH tín nhiệm bầu tiếp tục giữ chức Bí thư Tỉnh ủy khóa XVII với số phiếu 49/49; 2 Phó Bí thư là đồng chí Cao Thị Hòa An (Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy khóa XVI) và Trần Hữu Thế (Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa XVI, Phó Chủ tịch UBND tỉnh). BCH cũng đã bầu Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy gồm 9 đồng chí, do đồng chí Đặng Lê Tiến (Bí thư Huyện ủy Tuy An) làm Chủ nhiệm.

Trong phiên làm việc buổi chiều, đại hội tiến hành quy trình bầu Đoàn đại biểu dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, gồm 17 đại biểu chính thức và 2 dự khuyết.

Nhiều vấn đề đại biểu quan tâm, thảo luận

Cũng trong ngày làm việc 15/10, đại hội dành thời gian để nghe đại diện các đảng bộ trình bày báo cáo tham luận, qua đó làm rõ thêm và sâu sắc hơn những vấn đề, nội dung Báo cáo chính trị của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVI trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025.

Các đại biểu biểu quyết tại đại hội. Ảnh: TRẦN QUỚI

Các đại biểu biểu quyết tại đại hội. Ảnh: TRẦN QUỚI

Đề cập đến nội dung “Việc huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng và phát triển TP Tuy Hòa trở thành đô thị xanh, sạch, đẹp, thân thiện và từng bước hiện đại”, đại biểu Huỳnh Ngọc Oánh, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Tuy Hòa cho biết: Để TP Tuy Hòa thực sự trở thành đô thị xanh, sạch, đẹp, thân thiện và từng bước hiện đại, cần tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung và hoàn chỉnh đồng bộ các đề án quy hoạch tổng thể đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 theo hướng mở rộng và kiểm soát tốt không gian phát triển đô thị đi đôi với việc quản lý tốt quy hoạch, kiến trúc đi vào chiều sâu, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật trong việc thực hiện quy hoạch. Huy động tối đa nguồn vốn từ các thành phần kinh tế và nội lực trong nhân dân để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng… Nhưng theo đại biểu này, trước tiên cần phải xem đây vừa là nhiệm vụ cấp bách, vừa là nhiệm vụ lâu dài; là nền tảng quan trọng để phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội tại địa phương của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Chú ý làm tốt việc chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật, trật tự xây dựng và nâng cao chất lượng quản lý đô thị, thực hiện nghiêm các quy định về đảm bảo trật tự đô thị; tăng cường giáo dục đạo đức công vụ, nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị quản lý lĩnh vực và quản lý địa bàn. Đồng thời đẩy mạnh công tác kiểm tra thanh tra công vụ, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các vi phạm, nhất là vi phạm liên quan đến trật tự xây dựng, gây bức xúc trong nhân dân.

Đề cập đến việc “khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương”, đại biểu Phan Trần Vạn Huy, Phó Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND TX Sông Cầu cho rằng, để Sông Cầu trở thành “Đô thị biển - du lịch - dịch vụ”, thứ nhất cần đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững; kết hợp hài hòa giữa nuôi trồng thủy sản với phát triển du lịch; bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và môi trường. Thứ hai, tiếp tục phát huy lợi thế kinh tế biển, nhất là Khu du lịch quốc gia Vịnh Xuân Đài. Đồng thời tiếp tục đầu tư phát triển du lịch trở thành kinh tế mũi nhọn; khuyến khích phát triển kinh tế đêm, tạo ra nhiều sản phẩm du lịch về đêm, hình thành phố đi bộ, phố ẩm thực, hàng lưu niệm phục vụ tiêu dùng ban đêm…

Quan tâm đến việc thực hiện chủ trương sắp xếp bộ máy tổ chức tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần các nghị quyết 18, 19 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII và các kế hoạch 53, 58 của Tỉnh ủy, đại biểu Hồ Thị Nguyên Thảo, Bí thư Huyện ủy Tây Hòa chia sẻ: Để có được kết quả cao phải có sự quyết liệt trong lãnh đạo thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp của Tỉnh ủy, hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn tỉnh và sự nỗ lực của địa phương. Đó là phải làm thật tốt công tác quán triệt, tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, tạo sự thống nhất và đồng thuận của toàn Đảng bộ trong quá trình thực hiện, không gây tâm lý hoang mang, lo lắng trong đội ngũ cán bộ công chức, viên chức. Kịp thời ban hành kế hoạch thực hiện và quán triệt đầy đủ, đề ra các giải pháp thực hiện phù hợp với tình hình thực tế địa phương và có lộ trình cụ thể. Đối với mô hình mới về tổ chức phải xây dựng đề án trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; phân công nhiệm vụ cụ thể để thực hiện đồng bộ, tránh trùng lắp hoặc bỏ sót nhiệm vụ, đảm bảo tính ổn định, không chủ quan, nóng vội. Việc lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện phải gắn với thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc. Đồng thời phải bố trí đủ nguồn lực cần thiết, giải quyết chính sách phù hợp…

Chia sẻ về kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), đại biểu Đinh Thị Thu Thanh, Bí thư Huyện ủy Phú Hòa cho biết: Với sự nỗ lực của toàn hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong công tác xây dựng NTM, đến năm 2018, Phú Hòa có 8/8 xã đạt chuẩn NTM; năm 2019 xã Hòa Quang Bắc đạt chuẩn NTM nâng cao, xã Hòa Quang Nam vừa được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn này và xã Hòa Thắng đang tiếp tục xét duyệt. Ngày 1/10/2019, Thủ tướng Chính phủ có quyết định công nhận huyện Phú Hòa đạt chuẩn NTM và ngày 5/12/2019, Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba cho nhân dân và cán bộ huyện Phú Hòa đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua xây dựng NTM. “Đạt được những kết quả trên, trước hết là nhờ sự quan tâm lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, sự chỉ đạo, phối hợp, hướng dẫn, tạo điều kiện giúp đỡ của HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh; sự giúp đỡ, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với các sở, ngành, đoàn thể tỉnh; đặc biệt là sự đoàn kết, đồng thuận cao, tích cực hưởng ứng tham gia của các tầng lớp nhân dân và cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ huyện; sự nỗ lực cố gắng, quyết liệt của toàn hệ thống chính trị trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp triển khai xây dựng NTM với tinh thần tích cực, chủ động, sáng tạo, quyết tâm cao”, Bí thư Huyện ủy Phú Hòa nói.

Quan tâm đến công tác cải cách hành chính (CCHC) của tỉnh, đại biểu Lê Thị Kim Cương, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Khối Cơ quan, Doanh nghiệp tỉnh cho rằng, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được trong giai đoạn 2015-2020, công tác CCHC của tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần tập trung khắc phục như: Kết quả xếp hạng các chỉ số PCI, PAPI, PAR INDEX qua từng năm còn ở thứ hạng thấp. Số lượng hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC) trễ hẹn còn nhiều, nhất là lĩnh vực đất đai chưa đáp ứng được sự hài lòng của người dân. Tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chưa đạt hiệu quả; số lượng biên chế được tinh giản còn thấp; đối tượng tinh giản chủ yếu là nghỉ hưu trước tuổi; vẫn còn tình trạng thừa, thiếu cục bộ đối với một số vị trí việc làm, nhất là trong các đơn vị sự nghiệp công lập y tế, giáo dục. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành và giải quyết TTHC chưa đạt yêu cầu về tiến độ xây dựng chính quyền điện tử. Kết quả thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 còn thấp. Việc xã hội hóa trong lĩnh vực y tế, giáo dục chưa đáp ứng với nhu cầu phát triển.

Hôm nay (16/10), Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII sẽ làm việc trong buổi sáng và bế mạc.

XUÂN HIẾU

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/167/247715/dong-chi-pham-dai-duong-tai-dac-cu-bi-thu-tinh-uy.html