Đồng chí Phạm Văn Đồng với Nhà nước của dân, do dân, vì dân
ng chí Phạm Văn Đồng là một trong những nhà cách mạng có nhiều đóng góp lớn lao trong xây dựng nhà nước của dân, do dân, vì dân ở nước ta. Những cống hiến của ông không chỉ trên lĩnh vực hoạt động thực tiễn như một nhà tổ chức, nhà hoạt động nhà nước, mà còn có những đóng góp rất đáng trân trọng trên lĩnh vực lý luận xây dựng nhà nước dân chủ ở nước ta.
1. Cách mạng Tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và tiến hành xây dựng nhà nước dân chủ mới ở nước ta. Ngay từ những ngày đầu của nhà nước non trẻ, đồng chí Phạm Văn Đồng đã tham gia trên cương vị Bộ trưởng Bộ Tài chính của Chính phủ lâm thời.
Năm 1946, đồng chí được bầu là đại biểu Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và là Trưởng đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đàm phán với Chính phủ Cộng hòa Pháp tại Hội nghị Fontainebleau.
Toàn quốc kháng chiến, đồng chí được cử làm đặc phái viên của Trung ương Đảng và Chính phủ tại miền Nam Trung Bộ. Tháng 8/1949, đồng chí được cử làm Phó Thủ tướng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tháng 5/1954, đồng chí được cử làm Trưởng đoàn đại biểu Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa dự hội nghị Genève về Đông Dương. Tháng 9/1954, đồng chí được cử làm Phó Thủ tướng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.
Hòa bình lập lại ở miền Bắc, tháng 10/1955, tại kỳ họp thứ 5 của Quốc hội khóa I, đồng chí Phạm Văn Đồng được cử làm Thủ tướng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và liên tục được tín nhiệm trên cương vị này cho tới năm 1986.
Liên tục trong hơn 30 năm trên cương vị cao nhất của cơ quan hành pháp, Thủ tướng Chính phủ (sau này là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng) đồng chí Phạm Văn Đồng đã lãnh đạo Chính phủ ta vừa thực hiện nhiệm vụ giải phóng Tổ quốc, thống nhất đất nước, vừa bảo vệ và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Dù xét theo khía cạnh nào, theo độ dài thời gian được tín nhiệm hay thành công trong thực tiễn tổ chức nhà nước thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trong cả lãnh đạo chiến tranh và hòa bình xây dựng, đồng chí Phạm Văn Đồng đã có những cống hiến cực kỳ xuất sắc trong xây dựng nhà nước, góp phần cùng dân tộc làm nên chiến thắng ở nửa sau của thế kỷ XX. Thực tiễn đó đã khẳng định phẩm chất và tài năng của nhà hoạt động nhà nước, người đứng đầu Chính phủ, một cộng sự và học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
2. Trong hơn 40 năm liên tục hoạt động nhà nước, không chỉ là người tổ chức thực tiễn, đồng chí Phạm Văn Đồng còn có những đóng góp to lớn vào xây dựng lý luận nhà nước của dân, do dân, vì dân ở nước ta. Những vấn đề lý luận về xây dựng nhà nước dân chủ đã được thể hiện tập trung trong nhiều tác phẩm của đồng chí và thường xuất hiện trước những bước chuyển của cách mạng nước ta.
Có thể thấy các tác phẩm nổi bật như: Tăng cường củng cố chính quyền dân chủ nhân dân (Báo cáo tại Đại hội lần thứ II của Đảng năm 1951); Nâng cao ý chí phấn đấu, quyết tâm để thực hiện kế hoạch nhà nước (Bài viết nhân kỷ niệm lần thứ 14 Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9/1959). Mấy vấn đề về Nhà nước dân chủ nhân dân (Tham luận tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng tháng 9/1960); Nhà nước và sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa (Báo cáo trước Quốc hội khóa II, kỳ họp thứ II tháng 4/1961); Phải giữ gìn đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân (Bài viết nhân kỷ niệm lần thứ 86 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, tháng 5/1976); Báo cáo tại Đại hội đại biểu lần thứ IV của Đảng (năm 1976)... và nhiều tác phẩm khác. Năm 1980, Nhà xuất bản Sự thật đã tập hợp tất cả các tác phẩm của đồng chí viết về nhà nước thành một cuốn sách chuyên đề mang tên “Một số vấn đề về Nhà nước”.
Đọc các tác phẩm của đồng chí Phạm Văn Đồng viết về nhà nước, trước hết, ta thấy rõ tác động, ảnh hưởng mạnh mẽ và sự quán triệt sâu sắc của đồng chí đối với tư tưởng dân chủ Hồ Chí Minh trong lĩnh vực chính trị, về xây dựng nhà nước của dân, do dân, vì dân ở nước ta.
Đồng chí cho rằng, Cách mạng Tháng Tám thắng lợi với sự ra đời của nhà nước dân chủ trong điều kiện lịch sử của thời đại mới đã làm cho nhà nước ta mang những nét đặc trưng chung của nhà nước dân chủ được ra đời sau Cách mạng Tháng Mười Nga. "Đó là một nhà nước cách mạng do giai cấp công nhân và chính đảng của nó lãnh đạo", "là nhà nước chống đế quốc", "là nhà nước đấu tranh để xây dựng chế độ dân chủ nhân dân, bước quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội". Tuy nhiên, do những điều kiện lịch sử cụ thể khác nhau, đồng chí xác định, nhà nước dân chủ ở nước ta có những nét khác với nhà nước dân chủ ở Trung và Đông Âu về nhiệm vụ cách mạng, về cơ sở giai cấp và hình thức nhà nước và chỉ rõ sự khác biệt về nhiệm vụ cách mạng là do "điều kiện kinh tế, chính trị của mỗi nước khác nhau".
3. Để xây dựng một nhà nước dân chủ, đoàn kết, đồng chí Phạm Văn Đồng đã nêu ra những vấn đề quan trọng phải thực hiện sau đây:
Một là, phải bảo vệ quyền lợi của nhân dân.
Xuất phát từ sự hình thành với mục tiêu vì lợi ích của nhân dân và từ lý luận về sức mạnh của nhà nước ta là do bắt nguồn từ sức mạnh vô địch của nhân dân, khi nhân dân tin tưởng, ủng hộ và giúp đỡ, hy sinh, chiến đấu bảo vệ nhà nước thì nhà nước đó mới mạnh. Do đó, nhà nước ta "phải thiết thực bảo vệ quyền lợi của nhân dân về mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội". Bởi thế, trong quá trình động viên sức dân vào các nhiệm vụ cách mạng, nhà nước phải biết bồi dưỡng sức dân, phải biết "bồi bổ nền tảng cách mạng" và điều đó phải được thể hiện qua các chính sách, trong đó đặc biệt chú ý đến quyền lợi và đời sống của công nông, nhưng đồng thời phải chú ý đầy đủ đến quyền lợi chính đáng của các giai tầng khác đã đóng góp trong quá trình hình thành nên nhà nước mới ở nước ta.
Hai là, tổ chức nhà nước phải dân chủ.
Nhà nước ta là nhà nước của dân, do dân, vì dân, do vậy “tổ chức bộ máy ấy thế nào để các giai cấp, các tầng lớp nhân dân tham gia vào chính quyền một cách trực tiếp, thường xuyên, có hiệu lực", "và đây là chỗ khác căn bản của dân chủ nhân dân và dân chủ tư sản". Nhưng để "thật sự đảm bảo cho nhân dân tham dự trực tiếp, thường xuyên, có hiệu lực chúng ta phải thực hiện đầy đủ chế độ tập trung dân chủ". Nguyên tắc này đảm bảo cho nhân dân tổ chức ra bộ máy nhà nước và nhà nước có trách nhiệm báo cáo công tác trước nhân dân. Trong hoạt động, bộ máy nhà nước phải thực hiện nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số; cơ quan hành chính các địa phương phải phục tùng trung ương và phải đặc biệt chú ý tới cấp xã, vì “thực hiện dân chủ trước hết phải chú ý thực hiện dân chủ ở xã".
Đồng chí Phạm Văn Đồng cho rằng phải "nhấn mạnh điều này vì xã là nơi hằng ngày nhân dân tham gia chính quyền một cách trực tiếp và có hiệu lực cụ thể, một lẽ nữa là vì hiện nay công tác chính quyền ở xã có nhiều lúng túng". Mặt khác, phải nâng cao ý thức dân chủ cho nhân dân, phải "luyện tập cho nhân dân thực hiện dân chủ". Muốn vậy phải nâng cao năng lực và phẩm chất của cán bộ, chống quan liêu trong bộ máy nhà nước.
Ba là, phương pháp làm việc phải dân chủ.
Đồng chí Phạm Văn Đồng cho rằng nhà nước dân chủ phải có phương pháp là việc dân chủ, mà trước hết là "phải sát với quyền lợi, nguyện vọng và trình độ của nhân dân". Để làm được điều đó "phải chịu khó đi sát với dân, tìm hiểu nguyện vọng và trình độ của nhân dân để từ đó mới có chủ trương đúng, mới có lãnh đạo đúng" và "Chủ trương sai hay đúng, thi hành được hay không là do chúng ta sát hay không sát với dân".
Cùng với việc đề ra chủ trương đúng, đồng chí Phạm Văn Đồng cho rằng "phải giải thích cho dân hiểu để nhân dân làm" và phải tuyệt đối không được bắt buộc nhân dân theo lối quan liêu mệnh lệnh. Nhưng đồng thời phải lãnh đạo nhân dân đấu tranh để thực hiện chủ trương của chính quyền, "đấu tranh chống những trở lực do hoàn cảnh, do tập quán, do quyền lợi riêng gây nên". Do vậy, theo đồng chí Phạm Văn Đồng, trong việc "xây dựng nước Việt Nam mới, thực hiện dân chủ về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Phải có cuộc đấu tranh hợp với trình độ và ý nguyện của quần chúng nhân dân, một cuộc đấu tranh sâu rộng, bền bỉ, lâu dài thì công việc đó mới làm được đầy đủ, thuận lợi"... "Sức mạnh của chính quyền dân chủ nhân dân là ở việc tổ chức và lãnh đạo sự nghiệp ấy".
Bốn là, phải dùng vũ khí tự phê bình và phê bình trong xây dựng Nhà nước.
Đồng chí Phạm Văn Đồng chỉ rõ: "Tự phê bình và phê bình là phương pháp duy nhất để tìm thấy và sửa chữa khuyết điểm. Đó là phương pháp giúp nhân dân kiểm soát công việc của người mình bầu, kiểm soát cơ quan thay mặt mình. Đó là cách tốt nhất để nhân dân tham gia trực tiếp, thường xuyên và có hiệu lực vào công việc nhà nước. Kiểm soát là phương tiện để tuyên dương và phê bình". Đồng chí cho rằng, người cán bộ nhà nước phải lắng nghe những ý kiến đóng góp của nhân dân, “kể cả những điều nói nhỏ, chưa thành lời, những ấm ức trong lòng. Chúng ta phải lắng nghe để nghiêm khắc với mình, chân thành và thẳng thắn trước nhân dân. Làm như thế nhân dân mới mạnh dạn và kịp thời góp ý kiến cho chúng ta sửa chữa những sai lầm, khuyết điểm, cán bộ mới thật sự là của dân. Làm được như thế chúng ta mới được nhân dân tín nhiệm hơn, yêu mến hơn”.
Năm là, phải đào tạo cán bộ.
Để thực hiện được tất cả các vấn đề trên đây, đồng chí Phạm Văn Đồng luôn lưu ý Đảng phải đào tạo một đội ngũ "cán bộ không phải là những người chỉ biết nói suông về lập trường giai cấp, về chính quyền dân chủ nhân dân, về chủ nghĩa Mác - Lênin, mà phải là những người biết đứng vững trên lập trường của giai cấp công nhân, hiểu đặc điểm của chính quyền dân chủ nhân dân để có chủ trương và hành động đúng". Điều mà đồng chí Phạm Văn Đồng nhấn mạnh là phải chú ý đến đào tạo đội ngũ cán bộ công - nông và họ "phải có vị trí xứng đáng trong bộ máy chính quyền, bộ máy nhà nước" và phải đảm bảo dân chủ trong công tác cán bộ của Nhà nước.
Sáu là, phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước.
Đồng chí Phạm Văn Đồng đặc biệt quan tâm tới vai trò và sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước. Đồng chí cho rằng: "Nói giai cấp công nhân lãnh đạo thực chất là nói chính đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo", "Có lý luận đúng, đường lối chính sách đúng, có tổ chức đúng, nhất định Đảng ta lãnh đạo tốt chính quyền, đoàn kết được toàn dân".
Để thực hiện tốt các nhiệm vụ trên đây phải luôn tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước. Theo đồng chí Phạm Văn Đồng, Đảng phải: một là, "tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, là thực hiện lãnh đạo tập trung thống nhất của tập thể cấp ủy"; hai là, " tăng cường nội dung lãnh đạo, trình độ lãnh đạo, nhằm kịp thời phát hiện vấn đề và giải quyết vấn đề"; ba là, “nâng cao trình độ, năng lực, phát huy cao độ tính tích cực và khả năng hoạt động của đảng viên";...
Là người tham gia tổ chức, xây dựng nhà nước dân chủ ở nước ta từ khi mới khai sinh chế độ mới, trong hơn bốn mươi năm cống hiến trong lĩnh vực nhà nước và là người trong hơn ba mươi năm đứng đầu Chính phủ, đồng chí Phạm Văn Đồng đã có những cống hiến lớn lao trong tổ chức xây dựng Nhà nước ta trên cả phương diện thực tiễn và lý luận. Ngày nay, những quan điểm của đồng chí trong xây dựng nhà nước của dân, do dân, vì dân vẫn là những chỉ dẫn quý giá cho chúng ta trong xây dựng nhà nước dân chủ xã hội chủ nghĩa theo đúng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Phạm Hồng Chương
PGS, TS, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
Tài liệu tham khảo:
1. Phạm Văn Đồng: Một số vấn đề về Nhà nước, Nxb.Sự thật, H.1980.