Đồng chí Phan Văn Khải - người hội tụ nhiều giá trị tinh hoa

Những người từng làm việc với đồng chí Phan Văn Khải đều cho rằng ông là một con người hội tụ nhiều giá trị tinh hoa.

Ngày 24-12, nhân dịp kỷ niệm 90 năm ngày sinh nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải, tại Hà Nội, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Thành ủy TP.HCM đã tổ chức hội thảo khoa học “Đồng chí Phan Văn Khải - nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và Nhà nước, người con ưu tú của TP.HCM”.

Nhớ mãi ông Sáu, bác Hai

Tại hội thảo, ông Nguyễn Quyết Thắng, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Củ Chi (TP.HCM), chia sẻ với người dân Củ Chi thì cố Thủ tướng Phan Văn Khải là ruột thịt, thân thương như là “người của mình, của gia đình mình”. Cố Thủ tướng như một người cha, người thầy, chuyện gì cũng có thể tâm sự, cũng hỏi ý kiến. Ông Thắng kể lại cố Thủ tướng có khi mặc chiếc áo sơmi trắng giản dị ra đầu ngõ cắt tóc. Ông đội chiếc nón lá, mặc áo thun, quần cụt “hội thảo đầu bờ” với các lão nông tri điền về cách làm ăn, cách sản xuất. Rồi hình ảnh những lần ông Sáu ngồi hàng giờ tỉ tê kể những câu chuyện đời, hỏi thăm đời sống người dân với bô lão địa phương, người bạn thời niên thiếu ở quê nhà. Để rồi ông tận tình giúp đỡ những người nghèo, khó khăn, chăm lo đời sống các cháu nhỏ mà ông nghe, ông biết.

 Quang cảnh hội thảo. Ảnh: TTXVN

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: TTXVN

Chính tình cảm sâu đậm, ấm áp đó mà trong trái tim của mỗi người dân Củ Chi luôn xem cố Thủ tướng Phan Văn Khải là đại diện tiêu biểu của quê hương, của con người Củ Chi và luôn gọi ông với cái tên kính trọng, trìu mến và gần gũi: bác Sáu, bác Hai, ông Sáu, ông Hai.

Một tấm gương cao đẹp

Phát biểu kết thúc hội thảo, Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải cho biết trong hội thảo này, các tham luận còn khẳng định đồng chí Phan Văn Khải là một trong những người con ưu tú của TP.HCM. “Đảng bộ và nhân dân TP.HCM vinh dự và tự hào có người con ưu tú Phan Văn Khải. Các tham luận khẳng định với 85 năm cuộc đời, hơn 70 năm hoạt động cách mạng, cuộc đời đồng chí Phan Văn Khải là tấm gương cao đẹp của người cộng sản kiên trung, tấm gương, đạo đức trong sáng và là người để lại nhiều bài học, kinh nghiệm sâu sắc cho các cán bộ, đảng viên học tập, noi theo” - ông Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM, nhấn mạnh.

Còn Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM Phạm Đức Hải khẳng định với hơn 70 năm hoạt động cách mạng, ban đầu là công tác thiếu nhi, cho đến khi giữ cương vị Thủ tướng Chính phủ, ông vẫn là một con người yêu nước nhiệt thành, tự nguyện dấn thân trong phong trào cách mạng, trung thành với Đảng, tận tâm với nước, dù khó khăn, gian khổ đến mấy cũng kiên quyết thực hiện mọi nhiệm vụ được giao.

“Lòng trung thành với Đảng, với đất nước ở con người ông không thể hiện một cách ồn ào, không nói bằng những lời to tát. Ông bình dị nhưng kiên quyết trong lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động thực tiễn, điều hành hoạt động của Chính phủ trong bối cảnh khó khăn chồng chất của đất nước thời kỳ đầu đổi mới và hội nhập quốc tế. Những người từng công tác, được cùng làm việc với ông đều cảm nhận được sự bình tĩnh, tự tin và sáng suốt khi cần giải quyết những công việc hệ trọng của đất nước” - phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM bày tỏ.

Luôn trăn trở, quyết liệt tìm đường phát triển

Theo ông Hải, hình ảnh ông Phan Văn Khải, ông Sáu Khải, một chủ tịch UBND TP luôn lo toan, trăn trở, tận tâm, nghiêm nghị nhưng đôn hậu, gần gũi, thân mật còn in đậm mãi trong ký ức của Đảng bộ và nhân dân TP.HCM.

“Ông là vị chủ tịch đầu tiên dẫn đầu đoàn công tác của TP đi tham quan, học hỏi cách làm ăn của một số nước trong khu vực ASEAN, nhất là Singapore, ngay từ khi chưa có quan hệ hợp tác chính thức giữa các nước trong khu vực với Việt Nam. Ông quan niệm đó là đi học, học kinh tế thị trường về để vực dậy nền kinh tế còn đang khốn khó trăm bề” - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM Phạm Đức Hải nói.

 Thủ tướng Phan Văn Khải với công nhân. Ảnh: TL

Thủ tướng Phan Văn Khải với công nhân. Ảnh: TL

Ông Hải nói thêm trong cuộc đời hoạt động cách mạng, đồng chí Phan Văn Khải chỉ xin được làm việc ở những nơi gian khó, những công việc hệ trọng, điển hình là việc khi làm chủ tịch UBND TP.HCM, ông xin dẫn đoàn cán bộ của TP.HCM đi nghiên cứu về kinh tế thị trường ở một số nước trong khu vực, với danh nghĩa là đoàn doanh nhân Việt Nam đi học tập kinh nghiệm.

Đức tính trung thực, thẳng thắn, chí công vô tư ở đồng chí Phan Văn Khải thể hiện như một dấu ấn sâu đậm trong lòng nhân dân là việc ông xin không tham gia Trung ương, xin thôi giữ chức Thủ tướng trước khi hết nhiệm kỳ một năm để rộng đường cho người khác thay thế.

Theo ông Hải, những người từng làm việc với đồng chí Phan Văn Khải đều cho rằng ông là một con người hội tụ nhiều giá trị tinh hoa: Lòng trung thành, sự tận tâm, đức hy sinh, ý chí tiến thủ, lối sống chân thật, thanh đạm, sinh hoạt giản dị, cần kiệm, gần gũi đồng chí, anh em, bạn bè, quan tâm chăm sóc cấp dưới và gắn bó với nhân dân.

Tư duy đột phá, mở đường cho phát triển

Trình bày tham luận tại hội thảo, PGS-TS Bùi Đình Phong (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng điểm nhấn đầu tiên khi nghiên cứu cuộc đời sự nghiệp của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đó là: Nguyên Thủ tướng cho rằng vấn đề đối ngoại là một mặt trận và phải đặt nó đúng vị trí chiến lược, là một trọng tâm công tác của tất cả ngành, các lĩnh vực, các địa phương.

“Đồng chí cho rằng chủ trương phát triển kinh tế theo cơ chế thị trường thì phải hiểu kinh tế thị trường, phải mở rộng lĩnh vực hoạt động kinh tế đối ngoại, phải chủ trương làm bạn với tất cả các nước. Đồng chí cho rằng kinh tế thị trường là để thị trường quyết định, không phải suy nghĩ tập trung, chủ quan của Chính phủ. Điều gì không phù hợp với thị trường thì đều không có hiệu quả” - PGS-TS Bùi Đình Phong nói.

 Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải phát biểu tại hội thảo.

Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải phát biểu tại hội thảo.

Theo ông Phong, nguyên Thủ tướng cũng từng đề cập phải khắc phục tình trạng cơ quan nhà nước tìm cách giành thuận lợi cho mình mà đẩy khó khăn cho nhân dân và doanh nghiệp. Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải khẳng định phát huy nhân tố con người là điều quan trọng nhất, thế mạnh chúng ta chủ yếu nằm ở tiềm lực con người.

“Theo đồng chí Phan Văn Khải, cốt lõi của cơ quan hành chính là phải phục vụ đắc lực nhân dân, công chức là công bộc của dân. Nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật là tư duy đột phá mở đường cho phát triển” - PGS-TS Bùi Đình Phong nói.

Đề cập đến quá trình đổi mới kế hoạch của nước ta, ông Mai Ngọc Bích, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ KH&ĐT), khẳng định đồng chí Phan Văn Khải là một trong những người tiên phong “cởi trói” cho nền kinh tế tư nhân phát triển. Theo đó, cùng với vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế tư nhân trong nước, nguyên Thủ tướng cũng là người có đóng góp quan trọng cho sự ra đời của Luật Đầu tư nước ngoài năm 2022, tạo thuận lợi cho sự phát triển của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Các “kế sách” phòng, chống tham nhũng

Về tình hình kinh tế - xã hội những năm làm Thủ tướng, PGS-TS Bùi Đình Phong cho biết ông Phan Văn Khải từng chỉ ra bốn nguyên nhân cơ bản, trong đó có việc công tác cán bộ chậm được đổi mới. Nguyên Thủ tướng cho rằng công tác cán bộ kém vì chúng ta chưa có một cơ chế và không đủ đức độ để phát hiện bồi dưỡng, trọng dụng nhân tài.

Nhắc lại những lời nguyên Thủ tướng phát biểu khi từ nhiệm, trong đó ông đã nhận lỗi trước nhân dân, trước Đảng và Quốc hội về những khuyết điểm tồn tại trên cương vị của mình chưa giải quyết được. Ông mong rằng đồng chí kế nhiệm sẽ rút ra được những điều bổ ích không chỉ qua những bài học thành công mà cả những yếu kém, thiếu sót của cá nhân ông và bộ máy Chính phủ trong thời gian qua. “Tôi nghĩ đây là một tư duy hiếm thấy mà không phải ai ở tầm lãnh đạo cũng có được” - PGS-TS Bùi Đình Phong bày tỏ.

Ở thời điểm đó, Thủ tướng Phan Văn Khải từng nêu các kế sách nhằm đẩy lùi tham nhũng. “Một là phải dựa vào dân. Vấn đề dựa vào dân phải được đặt vào tầm đổi mới và phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị. Hai là kết hợp công tác chỉnh đốn Đảng, đổi mới sự lãnh đạo của Đảng với việc làm trong sạch bộ máy công quyền theo hướng xây dựng nhà nước pháp quyền thực sự của dân, do dân và vì dân. Ba là phân cấp thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết các công việc của Chính phủ, các bộ, các địa phương gắn với hành lang pháp lý thể chế quản lý. Vấn đề này đòi hỏi một tư duy mới về quản lý hành chính” - PGS-TS Bùi Đình Phong nói.

Nguồn PLO: https://plo.vn/dong-chi-phan-van-khai-nguoi-hoi-tu-nhieu-gia-tri-tinh-hoa-post768443.html