Đồng chí Trường Chinh với sự ra đời của ban nghiên cứu lịch sử, địa lý, văn học - Tiền thân của Ủy ban khoa học xã hội (kỳ 6)
Được sự nhất trí của Hội nghị về luận điểm trên, bản Đề nghị được trình lên Trung ương và ngày 2-12-1953, Trung ương đã ra Quyết định về việc thành lập Ban nghiên cứu Lịch sử, Địa lý, Văn học. Đồng chí Trường Chinh đã thay mặt Ban Bí thư Trung ương Đảng ký quyết định. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Văn Tạo
(tiếp theo)
Được sự nhất trí của Hội nghị về luận điểm trên, bản Đề nghị được trình lên Trung ương và ngày 2-12-1953, Trung ương đã ra Quyết định về việc thành lập Ban nghiên cứu Lịch sử, Địa lý, Văn học. Đồng chí Trường Chinh đã thay mặt Ban Bí thư Trung ương Đảng ký quyết định.
Điều đáng lưu ý nữa là giữa hai văn kiện trên đã có sự nhất quán coi sự ra đời của Ban Nghiên cứu Lịch sử, Địa lý, Văn học này chỉ là bước khởi đầu cho sự xây dựng và phát triển tổ chức của toàn bộ các ngành khoa học xã hội và tự nhiên Việt Nam trong tiến trình phát triển chung của cách mạng. Hai văn kiện đều nhấn mạnh:
"Mọi công tác văn hóa, giáo dục, văn chương, nghệ thuật sẽ không có cơ sở để phát triển nếu ta không chú trọng đến việc tổ chức sự nghiên cứu khoa học xã hội, tự nhiên một cách có hệ thống chặt chẽ.
Hiện nay ta chưa có những tổ chức như thế. Sau này ta sẽ phải lập ra".
Chỉ có chút ít khác nhau ở chỗ, bản Dự án... thì viết: "Việc thành lập một tổ chức nghiên cứu sử là việc bắt đầu để rồi đây Đảng ta tiến tới những tổ chức về nghiên cứu khoa học xã hội và khoa học tự nhiên". Còn bản Đề nghị... viết: "Thành lập Ban Nghiên cứu Sử Địa Văn là bước đầu để rồi đây Đảng ta tiến tới tổ chức nghiên cứu khoa học xã hội và khoa học tự nhiên".
Tầm nhìn sâu xa này của Đảng khiến việc tiến hành xây dựng Ban Sử Địa Văn đã coi trọng đoàn kết, tập hợp các trí thức trong và ngoài Đảng, cũng như dự kiến mời cả những trí thức khoa học xã hội lẫn khoa học tự nhiên tham gia.
Ngoài những đồng chí là sáng lập viên kể trên, ban trù bị còn dự kiến mời những nhà có kiến thức về nghệ thuật cổ, về nhân chủng học như: Nguyễn Đỗ Cung, Ngô Tất Tố, Đỗ Xuân Hợp; những nhà địa chất như Nguyễn Triển, địa lý như Nguyễn Thiệu Lâu, dân tộc học như Lã Văn Lô; những nhà nghiên cứu về sử học, văn học như Đặng Thai Mai, Đào Duy Anh, Trần Văn Giàu, Trần Văn Giáp, Hoài Thanh, Vũ Ngọc Phan, Hải Triều, Hoàng Trung Thông, Phạm Thiều, Ca Văn Thỉnh, Trần Đức Thảo, Bùi Kỷ...
Ngay về nhân sự của Ban Sử Địa Văn, Đảng cũng chủ trương, ngoài ba đảng viên: Trần Huy Liệu (Trưởng ban), Tôn Quang Phiệt, Minh Tranh (ủy viên ban) còn mời hai nhà trí thức ngoài Đảng là Vũ Ngọc Phan, Trần Đức Thảo tham gia (ủy viên ban).
Quan trọng nhất là việc chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ của Ban do Trung ương Đảng đề ra...
Quyết định của Trung ương chỉ nêu ngắn gọn là: Ban Sử Địa Văn có nhiệm vụ:
- Sưu tầm và nghiên cứu những tài liệu về lịch sử, địa lý, văn học Việt Nam và biên soạn những tài liệu về sử học, địa lý, văn học Việt Nam.
- Nghiên cứu và giới thiệu lịch sử, địa lý và văn học các nước bạn...
Đồng chí Trường Chinh đã quan tâm triển khai nội dung trên, làm cho các cán bộ, nhân viên và các cộng tác viên của Ban quán triệt được các tinh thần cơ bản của Quyết định. Đồng chí đã giải thích rõ 4 nội dung khoa học của Quyết định, mà cũng là nhiệm vụ quan trọng của Ban Sử Địa Văn như sau:
Góp phần vào việc bồi dưỡng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin và đường lối cách mạng của Đảng.
Cách mạng Việt Nam thành công là nhờ có chủ nghĩa Mác - Lênin soi đường. Đường lối, chính sách của Đảng là sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào những điều kiện cụ thể của nước ta. Do đó, việc hiểu sâu sắc lịch sử, địa lý, văn học Việt Nam tạo điều kiện tốt để nắm chắc chủ nghĩa Mác - Lênin và đường lối, chính sách của Đảng trong công tác cách mạng; đồng thời lịch sử, địa lý, văn học Việt Nam lại cần được gấp rút sưu tầm; nghiên cứu và biên soạn theo quan điểm và phương pháp của chủ nghĩa Mác - Lênin.
Góp phần nâng cao tinh thần yêu nước và tinh thần quốc tế vô sản của nhân dân ta.
Một điều kiện thắng lợi quan trọng của sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc của nhân dân ta là tinh thần yêu nước và tinh thần quốc tế vô sản. Cơ sở để phát triển tinh thần đó chính là lòng tự hào dân tộc kết hợp với lòng yêu loài người tiến bộ. Nâng cao trình độ hiểu biết của nhân dân về lịch sử, địa lý, văn học của dân tộc cũng như của loài người tiến bộ chính là để bồi dưỡng tinh thần yêu nước và tinh thần quốc tế vô sản, thúc đẩy cuộc kháng chiến của nhân dân ta mau chóng thành công.
(còn nữa)