Động cơ mới cho vốn ngoại trên thị trường chứng khoán
Tháng 11 tới, Kuwait dự kiến sẽ được MSCI nâng hạng lên thị trường mới nổi, giúp chứng khoán Việt Nam có cơ hội chiếm tỷ trọng lớn nhất trong rổ chỉ số thị trường cận biên, qua đó hút vốn từ các quỹ đầu tư nước ngoài.
Tỷ trọng của chứng khoán Việt Nam trong rổ chỉ số thị trường cận biên tăng đồng nghĩa với dòng vốn đầu tư của các quỹ ngoại dựa vào chỉ số này gia tăng. Đây là một trong những nhân tố chính kỳ vọng tạo động lực mới cho thị trường trong tháng 11 cũng như quý cuối năm, bên cạnh câu chuyện dòng tiền rẻ vẫn dồi dào.
Trên thực tế, lực đỡ của thị trường chứng khoán từ đầu năm 2020 đến nay đến từ dòng tiền của các nhà đầu tư cá nhân trong nước.
Thị trường phục hồi mạnh sau đại dịch Covid-19, chỉ số VN-Index hiện dao động trên ngưỡng 900 điểm, cách điểm số đầu năm không nhiều.
Tuy nhiên, thị trường quý cuối năm đang được dự báo sẽ có sự tham gia của các dòng tiền lớn, dù một số yếu tố ngoại biên có thể tác động khó lường như kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ trong tháng 11.
Ông Quản Trọng Thành, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng nhận định, dòng tiền sẽ tập trung vào các cổ phiếu vốn hóa lớn, còn room cho khối ngoại tăng sở hữu và đang chiếm tỷ trọng cao trong chỉ số MSCI Frontier Markets Index.
Tháng 4/2020, MSCI thông báo hoãn nâng hạng Kuwait lên thị trường mới nổi sang tháng 11. Do đó, thị trường Việt Nam phải tiếp tục chờ để trở thành nước chiếm tỷ trọng lớn nhất trong chỉ số thị trường cận biên của tổ chức này.
Động lực cho thị trường trong tháng 11 cũng như quý IV là triển vọng dòng vốn ngoại, kết quả kinh doanh quý III dự kiến tốt hơn quý II và dòng tiền rẻ vẫn đang dồi dào.
Theo ước tính của MSCI, tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam trong rổ MSCI Frontier Markets Index sẽ tăng lên 25,2% và số lượng cổ phiếu tăng lên con số 16 sau khi Kuwait được nâng hạng.
Trong đợt cơ cấu tháng 8/2020, cổ phiếu Việt Nam trong rổ MSCI Frontier Markets Index chiếm tỷ trọng 17,19%, đứng thứ hai sau thị trường Kuwait với 36,55%.
Hiện có không ít quỹ đầu tư chủ động có quy mô hàng trăm triệu USD đang sử dụng chỉ số cơ sở là MSCI Frontier Markets Index, chẳng hạn Morgan Stanley Institutionam Fund, Templeton Frontier Markets Fund, Schroder International Selection Fund, Magna Umbrella Fund…
Theo đó, khi cổ phiếu Việt Nam được tăng tỷ trọng trong chỉ số, các cổ phiếu vốn hóa lớn có cơ hội gia tăng tỷ trọng trong danh mục của các quỹ.
Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận Kinh tế vĩ mô và chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán VNDIRECT ước tính, thị trường chứng khoán Việt Nam có thể hút ròng 120 triệu USD từ các quỹ ETF đang mô phỏng hai chỉ số thị trường cận biên của MSCI, giả định giá trị tài sản ròng của các quỹ ổn định ở mức hiện tại.
Quy mô của dòng vốn ngoại đổ vào thị trường Việt Nam có thể lớn hơn, nếu tính thêm đóng góp từ các quỹ đầu tư chủ động. Dòng vốn ngoại này sẽ góp phần củng cố dòng tiền trên thị trường cũng như tạo tâm lý hứng khởi trong cộng đồng nhà đầu tư trong nước.
Dự báo, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn sẽ được hưởng lợi nhiều nhất. Các cổ phiếu Việt Nam hiện chiếm tỷ trọng nhiều nhất trong chỉ số MSCI Frontier Markets Index và MSCI Frontier Markets 100 Index là VNM, VIC, VHM, MSN, VRE, HPG, VCB.
Những cổ phiếu này cũng nằm trong các rổ chỉ số Vietnam Diamond, Vietnam Financial Select và Vietnam Leading Financial.
Việc một số quỹ ETF mới được thành lập trong nửa đầu năm 2020, đặc biệt là VFMVN Diamond ETF tập trung đầu tư vào các cổ phiếu hết room, đã mở ra kênh đầu tư hấp dẫn cho nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư gián tiếp vào các cổ phiếu lớn của Việt Nam.
Thống kê của Công ty Chứng khoán Rồng Việt cho thấy, trong tháng 9, Quỹ VNM ETF và Quỹ MSCI Vietnam ETF không có giao dịch, trong khi Quỹ KIM ETF và Quỹ FTSE Vietnam ETF hút ròng lần lượt 5,3 triệu USD và 1 triệu USD.
Về phía các quỹ ETF trong nước, E1VFVN30 ghi nhận giá trị hút ròng 6 triệu USD. Tương tự, FUEVFVND và FUESSVFL phát hành lần lượt 23 triệu chứng chỉ và 1,5 triệu chứng chỉ, tương ứng với 310 tỷ đồng và 16 tỷ đồng. Trong khi đó, Quỹ FUESSV50 không có hoạt động nào đáng kể.