Đông đảo người dân đến dự Lễ Truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại TP.HCM

Chiều nay (26/7), toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta tiễn đưa Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Nguyễn Phú Trọng về cõi vĩnh hằng. Cùng với Lễ truy điệu diễn ra ở Nhà tang lễ Quốc gia, Hà Nội, Lễ Truy điệu Tổng Bí thư diễn ra trọng thể tại Hội trường Thống Nhất, TP.HCM.

Dự Lễ Truy điệu tại Hội trường Thống Nhất có lãnh đạo Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM, nhiều lãnh đạo Đảng, nhà nước nghỉ hưu tại TP.HCM, các nguyên lãnh đạo TP.HCM, lực lượng vũ trang, đại diện các ban ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội, đoàn ngoại giao các nước tại TP.HCM và đoàn đại biểu các tỉnh, thành phía Nam cùng đông đảo các tầng lớp nhân dân.

Trước giờ truy điệu, các đoàn đại biểu đã thắp hương, mặc niệm tưởng nhớ Tổng Bí thư.

Lễ Truy điệu tại Hội trường Thống Nhất (ảnh: Hà Khánh)

Lễ Truy điệu tại Hội trường Thống Nhất (ảnh: Hà Khánh)

Tất cả xếp hàng nghiêm trang theo từng đội hình trước bàn thờ và di ảnh Tổng Bí thư, cùng hướng về màn hình lớn đặt trong Hội trường, chờ đến giờ truy điệu Tổng Bí thư được truyền hình trực tiếp từ Nhà tang lễ Quốc gia, Hà Nội.

Đúng 13h, Lễ Truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bắt đầu trong không khí trang nghiêm và đau buồn.

Mọi người xúc động lắng nghe đồng chí Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Trưởng Ban Lễ tang đọc lời điếu của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, được truyền hình trực tiếp từ Nhà tang lễ Quốc gia và các nghi thức trang trọng của Lễ Truy điệu.

Trong khuôn viên Hội trường Thống Nhất, đông đảo các tầng lớp nhân dân theo dõi trực tiếp Lễ Truy điệu qua màn hình lớn.

Những giọt nước mắt xúc động, nghẹn ngào và tấm lòng thành kính của đồng bào Thành phố, nhân dân miền Nam chăm chú dõi theo hành trình đưa Tổng Bí thư về nơi an nghỉ cuối cùng.

Có những người đã đến viếng Tổng Bí thư từ hôm qua, nhưng chiều nay vẫn dành thời gian để đến tiễn đưa Tổng Bí thư lần cuối.

Với Trương Thị Phương, sinh viên Đại học Mở TP.HCM, đến viếng và dự Lễ Truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng là một sự vinh dự lớn lao. Với sự say mê lịch sử, thích tìm hiểu về quê hương đất nước, Phương mong ước trở thành một nhà hoạt động ngoại giao, học tập đường lối, chiến lược ngoại giao và tài ba của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

“Từ khi học cấp hai, em đã quan tâm đến các hoạt động của bác Trọng. Gia đình em, ông bà em ngày xưa cũng tham gia kháng chiến nên tinh thần yêu nước trong em rất cao. Do đó, khi bác Trọng mất thì em rất xúc động. Sáng nay phải đi học nhưng em cố gắng tranh thủ sớm nhất để tới kịp giờ tiễn bác, em không muốn bỏ lỡ dịp này”.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại lễ truy điệu (ảnh: Hà Khánh)

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại lễ truy điệu (ảnh: Hà Khánh)

Chị Lò Thị Lệ Trang, ngụ Bình Thạnh, xúc động khi theo dõi Lễ truy điệu và nghi thức di quan Tổng Bí thư qua màn hình trong khuôn viên Hội trường Thống Nhất (Ảnh: Kim Dung)

Chị Lò Thị Lệ Trang, ngụ Bình Thạnh, xúc động khi theo dõi Lễ truy điệu và nghi thức di quan Tổng Bí thư qua màn hình trong khuôn viên Hội trường Thống Nhất (Ảnh: Kim Dung)

Người dân xúc động đưa tiễn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (ảnh: P.N)

Người dân xúc động đưa tiễn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (ảnh: P.N)

Bà Nguyễn Thị Tuyết, 66 tuổi, ngụ thành phố Bến Cát, tỉnh Bình Dương, đến Hội trường Thống Nhất từ sáng sớm để viếng Tổng Bí thư và ở lại cho đến Lễ truy điệu, cho biết:

“Bác Trọng rất gần gũi, thân thương. Việc làm của bác trong thời gian qua chúng ta đã biết rồi, tôi rất tán dương, tán thành việc làm của bác. Mong rằng đất nước chúng ta sẽ tốt đẹp hơn, không còn tham nhũng, tất cả mọi người biết yêu thương nhau, vì dân vì nước, giống như bác Trọng”.

Người dân xem trực tiếp lễ truy điệu trong khuôn viên Hội trường Thống Nhất (ảnh: P.N)

Người dân xem trực tiếp lễ truy điệu trong khuôn viên Hội trường Thống Nhất (ảnh: P.N)

Phút lắng lòng của lực lượng phục vụ (ảnh: P.N)

Phút lắng lòng của lực lượng phục vụ (ảnh: P.N)

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố đã nỗ lực tổ chức chu đáo Lễ viếng, Lễ Truy điệu Tổng Bí thư tại Hội trường Thống Nhất. Đó cũng là cách thể hiện tình cảm của người dân Thành phố đối với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Người dân TPHCM kính viếng Tổng Bí thư (ảnh: P.N)

Người dân TPHCM kính viếng Tổng Bí thư (ảnh: P.N)

Gần đến giờ truy điệu, người dân TP.HCM vẫn xếp hàng rất đông để mong được vào viếng Tổng Bí thư (ảnh: Hà Khánh)

Gần đến giờ truy điệu, người dân TP.HCM vẫn xếp hàng rất đông để mong được vào viếng Tổng Bí thư (ảnh: Hà Khánh)

Theo ông Phan Văn Mãi, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có rất nhiều tình cảm, tâm huyết và đã có những định hướng chiến lược cho TP.HCM trong phát triển cũng như những cơ chế vượt trội, giúp cho Thành phố khơi dậy tiềm năng, tháo gỡ khó khăn để phát triển:

“Thời gian sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục cụ thể hóa Nghị quyết 24 về Đông Nam Bộ, Nghị quyết 31, các cơ chế chính sách theo Nghị quyết 98 và sẽ nghiên cứu để triển khai nhiều chương trình, đề án. Để làm sao biến những tư tưởng, tình cảm của Tổng Bí thư đã thông qua các nghị quyết này trở thành hiện thực để TP.HCM là trung tâm lớn, là nơi đào tạo đóng góp cho sự phát triển của đất nước”.

Theo Ban Tổ chức Lễ viếng - Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tính từ 7h ngày 25/7 đến 12h ngày 26/7, đã có hơn 3.800 đoàn, gần 59.000 người đến viếng Tổng Bí thư tại Hội trường Thống Nhất, TP.HCM.

Kim Dung - Hà Khánh/VOV-TP.HCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/dong-dao-nguoi-dan-den-du-le-truy-dieu-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-tai-tphcm-post1110423.vov