Động đất 2,6 độ rích-te tại huyện Thuận Châu, Sơn La

Theo Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý Địa cầu thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), vào khoảng 7 giờ 55 phút 56 giây (giờ Hà Nội) ngày 3-1, tại tọa độ 21,333 độ vĩ bắc, 103,600 độ kinh đông, đã xảy ra một trận động đất có cường độ 2,6 độ rích-te, độ sâu chấn tiêu khoảng 8,1 km.

Với tọa độ vị trí này, trận động đất được xác định xảy ra tại khu vực huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La. Do ảnh hưởng dư chấn động đất, trên địa bàn một số xã tại huyện Thuận Châu, người dân cảm nhận được mặt đất, nhà cửa rung lắc nhẹ. Bước đầu, chính quyền huyện Thuận Châu xác định trận động đất không gây thiệt hại trên địa bàn, các công trình xây dựng tại địa phương không bị ảnh hưởng.

* Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia cho biết, trong tháng 1, tại khu vực Bắc Trung Bộ, tổng lượng mưa phổ biến từ 30 đến 60 mm, lưu lượng dòng chảy trên các sông trong khu vực biến đổi chậm theo xu thế giảm dần. Tổng lượng dòng chảy trên sông Mã tại Cẩm Thủy thấp hơn trung bình nhiều năm (TBNN) cùng kỳ khoảng 39%, sông Cả tại Yên Thượng thấp hơn khoảng 82%, sông Ngàn Sâu tại Hòa Duyệt xấp xỉ TBNN. Tại khu vực Tây Nguyên tổng lượng mưa phổ biến từ 5 đến 10 mm, lưu lượng dòng chảy trên các sông ít biến đổi. Tổng lượng dòng chảy trên sông ĐăkBla tại Kon Tum thấp hơn TBNN cùng kỳ 38%, trên sông Srêpốk tại Giang Sơn thấp hơn 30%. Tại các tỉnh Nam Bộ, tổng lượng dòng chảy về đầu nguồn sông Cửu Long ít thay đổi và thấp hơn TBNN từ 20 đến 25%.

* Cũng theo Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, trong tháng 1, sóng lớn sẽ xuất hiện trong các đợt gió mùa đông bắc mạnh, kéo dài và lấn sâu xuống phía nam với độ cao sóng vùng ven bờ có thể cao 2 đến 3 m, ngoài khơi 4 đến 5 m. Ven biển Trung Bộ sẽ xuất hiện các đợt triều cường cao vào các ngày 10 đến 13-1. Tại ven biển Nam Bộ, nhiều đợt triều cường cao với mực nước tại trạm Vũng Tàu vượt 4 m xuất hiện vào các ngày từ 9 đến 12-1. Hiện tượng sạt lở bờ biển tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là trong các đợt triều cường kết hợp với gió mùa mạnh.

* Đến nay, tại TP Hà Nội đã có 420 xã, phường (chiếm 94% số xã, phường có dịch tả lợn châu Phi) đã qua 30 ngày không phát sinh dịch, chỉ còn 29 xã (chiếm 6%) chưa qua 30 ngày. 13 quận, huyện, thị xã dịch bệnh đã qua 30 ngày; còn 11 huyện (Mỹ Đức, Thanh Oai, Ba Vì, Mê Linh, Thanh Trì, Thạch Thất, Chương Mỹ, Thường Tín, Quốc Oai, Sóc Sơn, Đông Anh) có hơn 80% số xã đã qua 30 ngày không phát sinh dịch.

* Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh An Giang cho biết, tính đến cuối tháng 12-2019, tất cả các xã, phường, thị trấn có dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh đã qua 30 ngày không tái phát dịch hay phát sinh ổ dịch mới. Chi cục đang tổng hợp ý kiến tham mưu lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình UBND tỉnh công bố hết bệnh dịch tả lợn châu Phi trên toàn tỉnh.

* Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp vừa đề nghị UBND huyện Tam Nông chỉ đạo UBND xã Phú Đức, Phú Hiệp và các xã chung quanh vùng đệm Vườn quốc gia Tràm Chim, yêu cầu các hộ chăn nuôi trâu đang thả rông trong Vườn quốc gia Tràm Chim phải di chuyển đàn trâu ra ngoài, nhất là đối với số trâu đã và đang bị bệnh lở mồm long móng để tránh lây lan dịch bệnh. Theo ghi nhận, hiện có khoảng 370 con trâu, bò của người dân khu vực vùng đệm đang chăn thả trái phép trong khu vực Vườn quốc gia, trong đó có đến 238 con trâu có biểu hiện bệnh lở mồm long móng.

* Sáng 3-1, Hội nghề cá Khánh Hòa phối hợp Chi cục Thủy sản tỉnh Khánh Hòa tổ chức trao tiền hỗ trợ ngư dân gặp rủi ro trên vùng biển Trường Sa - Hoàng Sa năm 2019. Theo đó, toàn tỉnh có chín tàu cá bị chìm từ năm 2017-2019 được Quỹ hỗ trợ ngư dân gặp rủi ro khi sản xuất hỗ trợ, với tổng số tiền 90 triệu đồng. Trường hợp tàu bị chìm được hỗ trợ tám triệu đồng/tàu; trường hợp tàu vừa bị chìm, vừa có thuyền viên mất tích được hỗ trợ 14 triệu đồng/trường hợp.

Lại sạt lở quốc lộ 91

Ngày 3-1, UBND huyện Châu Phú, An Giang đã vận động các hộ dân sống ven quốc lộ 91 đoạn qua ấp Bình Tân, xã Bình Mỹ tìm nơi ở tạm, không nên ở lại do khu vực này đang sạt lở. Ngày 1-8-2019, đã xảy ra sạt lở đất trên quốc lộ 91 xuống sông Hậu với chiều dài hơn 85 m. Sau đó, UBND tỉnh phê duyệt kinh phí hơn 24 tỷ đồng khắc phục sạt lở nhưng do đơn vị thi công chưa bảo đảm kỹ thuật cho nên hàng nghìn khối cát của công trình bị sạt xuống sông. Từ đó đến nay vụ việc chưa được khắc phục.

Chiều tối 2-1, người dân trong khu vực sạt lở đã phát hiện một mảng nứt mở rộng với chiều dài 5m, ngang 1,5 m và mảng nứt thứ hai dài khoảng 15 m, ngang khoảng 2 m tiếp nối phía trong và rạng sáng 3-1, mảng nứt thứ nhất đã sạt lở.

Cũng trong sáng 3-1, đã xảy ra sạt lở đất tại khu vực tổ 3, ấp Vĩnh An, xã Vĩnh Hội Đông huyện An Phú, An Giang với chiều dài 30 m, rộng khoảng 10 m, làm sạt lở chân ta-luy phía bờ bắc cầu Chắc Rè. Ngày 22-11-2019, tại khu vực cầu Chắc Rè này cũng xảy ra sạt lở đất với chiều dài hơn 100 m làm sụp hoàn toàn đường dẫn lên cầu Chắc Rè đang thi công xây dựng bắc qua sông Hậu.

PV và CTV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/42807702-dong-dat-2-6-do-rich-te-tai-huyen-thuan-chau-son-la.html